Chúng ta

Vui buồn phóng viên đường dây nóng

Thứ tư, 26/2/2014 | 09:05 GMT+7

Ngày 26/2, VnExpress sinh nhật lần thứ 13, riêng tôi đã có 8 năm ở đây. 8 năm, với một phóng viên chưa phải là già dặn nhưng với người trực đường dây nóng, thường xuyên có mặt trên đường phố Sài Gòn, cho tôi nhiều trải nghiệm vui buồn.
> 'Đọc VnExpress như cơm ăn nước uống hằng ngày'

Lúc được tuyển vào làm việc tại VnExpress, tôi xin viết mảng thể thao. Nhưng duyên số đẩy đưa và bản thân tôi cũng không biết từ khi nào, việc làm tin thời sự đã ăn vào máu thịt, để giờ đây tôi bỏ hẳn thể thao, chuyên trách mảng này.

Trong 8 năm qua, tôi hầu như tham gia tất cả sự kiện lớn ở khu vực phía Nam, từ chìm tàu Hoàng Đạt 8 người chết ở Cảng Lotus (quận 7), sập cầu Cần Thơ 55 người chết, chìm du thuyền Dìn Ký 16 người chết; xe khách lao xuống sống Sêrêpốk (Đăk Lăk) 34 người tử nạn, chìm canô Cần Giờ 9 người chết… Mỗi sự kiện, mỗi chuyến đi như giúp tôi lớn lên, học hỏi được nhiều về nhìn nhận vấn đề, khai thác góc nhìn, góc ảnh mang tính thời sự...

d

Phóng viên An Nhơn tác nghiệp tại hiện trường vụ nổ lúc nửa đêm.

Năm 2006, VnExpress vẫn còn thiếu người làm thời sự, tin tức lấy lại của nhiều báo giấy. Trong chuyến công tác giải U21 toàn quốc ở Đà Nẵng, bão Xangsane càn quét miền Trung. Báo không có phóng viên ở Đà Nẵng, tôi trở thành người "truyền tin". Gọi là "truyền tin" bởi lúc đó tôi không có máy ảnh trong tay, chỉ đi ghi nhận thông tin và báo qua điện thoại cho các chị Bích Liên, Xuân Tuyền ở văn phòng. Đó cũng là tin thời sự đầu tiên mà tôi tham gia.

Cũng chuyến công tác này về, khi đoàn xe tới Diên Khánh, Khánh Hòa, một vụ tai nạn thảm khốc ngày 13/10/2006 khiến 12 người của phường 13, quận Phú Nhuận, trên ôtô 16 chỗ chết khi đi cứu trợ sau bão. Khi đó, tôi ngồi trên xe và chỉ biết nhắn tin về cho chị Xuân Tuyền ở tòa soạn. Giờ nghĩ lại mà tiếc. Nếu bây giờ, với "súng ống" và chút kinh nghiệm, tôi có thể ở lại tham gia sự kiện này và có những hình ảnh, tin tức nóng bỏng.

Năm 2007, vợ chồng Brad Pitt và Angelina Jolie đến TP HCM xin con nuôi, tòa soạn tung tất cả quân đi “săn” hai ngôi sao Hollywood này. Mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm, phương tiện chỉ là xe Wave “cà tàng”, máy ảnh là con Canon “cùi bắp” của tòa soạn nhưng vẫn được đứng cạnh cùng phóng viên có “súng ống” thuộc hàng khủng của các báo khác, trong đó có nhiều hãng thông tấn như AP, AFP, Reuters…

Những ngày mà tôi và bạn Dương Vân bên mảng Văn hóa lê lết, chờ chực ở khách sạn Park Hyatt, Trung tâm Nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ mồ côi Tam Bình, Sở Tư pháp, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh như giúp chúng tôi có nhiều kinh nghiệm hơn… Và từ đó, những tin nóng với tên An Nhơn xuất hiện đều đặn hơn trên VnExpress.

Tôi quan niệm, người làm báo khi đã đảm nhận đường dây nóng có nghĩa họ không quản ngại giờ giấc, cự ly, thời tiết. Tinh thần họ luôn ở thế "chuông reo là chạy". Việc bỏ cơm, bỏ ngủ, nhận tin báo giả, ngày chạy hai ba "phi vụ" mà không có gì với người làm mảng này là chuyện thường. Đúc kết qua 8 năm chạy đường dây nóng, tôi thấy tin tức thường xuyên xảy ra vào những giờ cơm, ngày cuối tuần hay lúc mình đang bận làm một việc gì đó, chứ lúc rảnh rỗi thì tin tức không bao giờ xảy ra. Anh em đồng nghiệp vẫn thường xuyên bảo nhau cuối tuần... là không được "ăn nhậu".

Điển hình như vụ 7 học sinh chết ở bãi biển Cần Giờ. Hôm đó là chiều Chủ nhật (ngày 29/12/2013), tôi đang chở vợ đi thăm vợ đồng nghiệp mới sinh ở bệnh viện Từ Dũ. Khi gần tới nơi thì tôi nhận được tin. Thế là vừa vào thăm, tôi xin phép về ngay. Sau khi gọi xác minh làm tin ban đầu để báo đăng, tôi cùng con "chiến mã" phi thẳng xuống Cần Giờ.

Hay mới đây, vụ nổ phòng trọ khiến 4 sinh viên chết ở quận 10 ngày 11/1, do ngày cuối tuần nên tôi đi ăn cùng một bạn học chung. Khi vừa uống một chai bia và ăn vài hạt đậu phộng, tôi nhận tin. Không chút lưỡng lự, tôi phải nói với người bạn hai chữ "thông cảm” và chạy thẳng tới hiện trường.

Một yếu tố nữa mà tôi cho rằng mỗi phóng viên làm đường dây nóng phải lường trước, đó là thường xuyên bị cản trở trong việc tiếp cận và lấy thông tin, thậm chí nhiều lúc phải đối mặt với nguy hiểm. Như vụ Phương "Khói lửa", buổi sáng sau vụ nổ, để có hình ảnh toàn cảnh, tôi và một số phóng viên khác xin vào nhà dân để chụp toàn cảnh từ trên cao xuống. Nhưng khi phát hiện, công an đã cử người lên “đuổi” phóng viên xuống, xét thẻ nhà báo và đòi xóa ảnh.

d

Phóng viên An Nhơn lội xuống dòng nước đen để tác nghiệp.

Để lấy được thông tin nhanh và kịp thời nhất, một yếu tố không kém phần quan trọng chính là phương tiện. Bởi mình sẵn sàng thôi chưa đủ, mà "con ngựa" (xe), điện thoại, máy ảnh... cũng phải luôn ở thế... nghênh chiến. Nhưng cũng không tránh khỏi những sự cố hỏng xe giữa đường, chụp hình mà quên bỏ thẻ nhớ vào, khi xong sự kiện mới kiểm tra lại không có ảnh.

Nhiều người cho rằng phóng viên làm đường dây nóng thường xuyên chứng kiến cảnh chết chóc, tang thương nên bị lãnh cảm. Mỗi nghề, mỗi hoàn cảnh, phóng viên cần phải dấn thân vào sự kiện đó mới có được bản tin sinh động chứ không phải vô cảm. Mới đây, 27 Tết, chứng kiến cha mẹ khóc thảm thiết bên xác bé gái 8 tuổi chết thảm dưới bánh container ở cầu An Sương khi trên đường cùng bà ngoại về quê ăn Tết đã khiến tôi bấm máy mà rơm rớm nước mắt.

Để xây dựng "thương hiệu" cho một bút danh đã khó, nhưng giữ được nó còn khó hơn. Chỉ cần một, hai bản tin sai... tên tuổi của mình sẽ khiến cho độc giả mất lòng tin, Ban biên tập sẽ "xoi mói" nhiều hơn. Phóng viên không ai muốn làm tin sai, tuy nhiên, với đường dây nóng, việc đối mặt với kiện tụng vì sai sót trong bản tin là khó tránh khỏi. Bởi đa số những tin mà phóng viên làm đều khai thác ban đầu, những dữ liệu chứng cứ mà cơ quan chức năng chưa kết luận.

13 năm VnExpress, 8 năm tôi trải nghiệm ở đây và chứng kiến nhiều người "rụng rơi". Bản thân tôi thấy may mắn có được những người chị, người anh hiểu và giúp đỡ trong công việc để mình trưởng thành. Nhiều lúc công việc "không trôi" hay bị stress, các anh chị trong cơ quan đều đồng cảm, quan tâm chia sẻ hay luôn tin tưởng cử tôi tham gia vào các sự kiện lớn. Tôi cho rằng mình sẽ còn nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thương hiệu cho bản thân và cho báo.

An Nhơn

Ý kiến

()