Chúng ta

Quy định phản cảm

Thứ tư, 31/10/2018 | 17:20 GMT+7

Tôi đoán, không phải ngài Bộ trưởng tự mình viết ra quy định này, mà là các trợ lý của ông.

Mấy ngày nay, các báo đều đưa tin về quy định học sinh, sinh viên bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học. Dư luận xã hội phản ứng mạnh mẽ đối với quy định phản cảm này. Nhìn các quan chức ngành giáo dục thanh minh, giải thích, hứa sửa sai... thấy tội nghiệp làm sao!

Theo tôi, quy định này chẳng có gì phản cảm. Sự phản cảm mà chúng ta cảm nhận được là do cách trình bày quy định này tạo ra.

Tôi thử đưa ra một cách trình bày khác nhé.

Chẳng hạn, nếu quy định này trình bày như dưới đây, thì tôi tin là sự phản cảm sẽ giảm đi rất nhiều:

Quy định 1: Nghiêm cấm Học sinh - Sinh viên tham gia vào các hoạt động mua bán dâm hoặc có hành vi mua bán dâm.

Quy định 2: Đối với Học sinh - Sinh viên tham gia vào các hoạt động mua bán dâm hoặc có hành vi mua bán dâm, ngoài các hình phạt theo quy định chung của Pháp luật, ngành giáo dục bổ sung các hình thức kỷ luật như sau:

2a. Vi phạm lần đầu: Nhắc nhở, phê bình trước lớp.

2b. Tái phạm lần hai: Cảnh cáo trước toàn trường, thông báo về gia đình.

2c. Tái phạm lần ba: Kỷ luật, ghi học bạ, không cho thi cuối khoá.

2d. Tái phạm lần 4: Đuổi học.
...

Có ý kiến cho rằng, mua bán dâm là vấn đề của xã hội, Bộ Giáo dục không cần phải bao sân? Nhưng học sinh, sinh viên là các đại diện ưu tú của cộng đồng, họ có trách nhiệm cao hơn trong việc giữ gìn truyền thống văn hoá, bảo vệ thuần phong mỹ tục; vì thế Bộ Giáo dục đưa ra những quy định bổ sung, nghiêm khắc hơn (mặt bằng xã hội) để giáo dục là điều cần thiết.

Tôi đoán, không phải ngài Bộ trưởng tự mình viết ra quy định này, mà là các trợ lý của ông. Nhưng một Bộ trưởng không có khả năng xây dựng bộ máy, đủ trình độ viết ra một quy định không gây cho xã hội sự phản cảm, thì không biết ông có đủ năng lực đưa ngành giáo dục Việt Nam đi lên hay không?

>> Tiền thưởng

Hoàng Minh Châu

Ý kiến

()