Chúng ta

Phụ huynh muốn đổi mới giáo dục

Thứ sáu, 4/4/2014 | 12:34 GMT+7

Có thể giáo dục Việt Nam chưa đủ mạnh để mở ra lối thoát cho đất nước, nhưng đổ lên nó tất cả các yếu kém của xã hội thì đơn giản là một sự vô trách nhiệm. Những người làm giáo dục đàng hoàng đâu có thiếu.
> Khác biệt giữa giáo dục Việt Nam và Mỹ

Dòng đời xô đẩy, mình lại phải đại diện cho FPT đối thoại với các phụ huynh (hiện tại và tương lai) của trường Trung học phổ thông FPT. Chủ đề cực "khoai": Liệu có phải FPT đang từ bỏ những mục tiêu đổi mới giáo dục của mình?

Phải nói “đổi mới giáo dục” là môn mình không thích nhất. Vì bản thân không có kinh nghiệm, mà lướt qua báo chí, mạng xã hội… thì gió bão thổi ào ào. Xưa đến nay, có gì sai trái, chưa ai dám đổ cho thầy, cho trường. Vậy mà đùng một cái trường học lại biến thành “thùng rác”. Ai cũng có thể đả kích. Bi kịch!

Quân sư nọ rất nổi tiếng trong lĩnh vực, cứ đòi hỏi phải bỏ ngay kiểu học để đi thi, dạy để đi thi. Học là để lấy kiến thức chứ, đâu để làm mấy cái đề thi ngớ ngẩn. Mình mới rón rén hỏi: "Thế anh có biết là ai nghĩ ra kiểu học đấy không? Và tại sao họ lại nghĩ ra cái kiểu học ngu như vậy? Mà ngu thế sao bao nhiêu năm không ai nhìn ra?" Đã thấy ông anh ngẩn người ra rồi.

Một ông anh khác rất đáng kính, chỉ vì gửi con đến một chỗ nào đó theo trào lưu, và nhà có điều kiện, sau đó lại đăng đàn thành nhà đổi mới giáo dục, phải làm thế này, thế nọ. Chém quán bia thì vô tư, nhưng nói dại chứ nghĩ kiểu vậy vào người có chức quyền là hiểm họa nhãn tiền. Mà đã xảy ra rồi: Lãnh đạo học ở Đức về thì vay tiền lập trường đại học Việt - Đức, lãnh đạo thích tính cách Nhật thì lại vay tiền làm trường Việt - Nhật... Mà đã thế thì Anh, Pháp, Mỹ, Nga nữa cho đủ bộ. Nợ công tăng vùn vụt.

Có thể giáo dục Việt Nam chưa đủ mạnh để mở ra lối thoát cho đất nước, nhưng đổ lên nó tất cả các yếu kém của xã hội thì đơn giản là một sự vô trách nhiệm. Mà những người làm giáo dục đàng hoàng đâu có thiếu. Như thầy giáo dạy Toán cấp hai của con gái mình. Nếu không có thầy, dám nó cũng có thể trở thành đứa bất mãn, bụi đời rồi. Hay thầy dạy Lý cũ của mình, lập ra trường Marie Curie, đến thăm thấy thầy không ngơi tay ngơi chân, chẳng thấy bình luận “đổi mới, cải tổ” bao giờ. Hay thầy cô các trường vùng cao, lần nào gặp cũng chỉ mong các anh, các chị ở lại uống rượu với bọn em cho mềm môi, đâu đòi hỏi xin xỏ. Hay những thầy, cô đồng nghiệp bên cạnh mình bây giờ… 

Sao ít thấy ai viết để tham khảo?

Mà thôi, cờ đến tay cứ phải phất. Phụ huynh đã tin tưởng trường gửi gắm con cái họ vào thời buổi con vàng con bạc này, mình cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc tin tưởng hoàn toàn vào thiện chí của họ, để giãi bày những thách thức mà những người muốn làm giáo dục đàng hoàng bây giờ phải đối diện.

Các thầy cô giáo đang vô cùng lúng túng. Thầy cô không còn là một nguồn tri thức duy nhất nữa. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin trong những năm gần đây đã phá vỡ uy tín truyền trống của nhà giáo. Trò cần kiến thức, Google ra ngay, thầy cô phải uốn lưỡi chắc hơn 7 lần trước khi phát biểu.

Các nhà quản lý giáo dục quốc gia cũng lúng túng, không dám thừa nhận một sự thật hiển nhiên là với quy mô giáo dục lớn như hiện nay, ngân sách của một nền kinh tế èo uột không thể nào bao cấp được. Có thể làm một phét tính đơn giản, với ngân sách hiện tại, Chính phủ chỉ có thể bao cấp được khoảng 30% số học sinh cần đi học, với những nhu cầu tối thiểu nhất như sách giáo khoa, bảng, điện, nhà vệ sinh… Nói gì đến nghiên cứu với đổi mới. Thế mà có vấn đề là đổ tại các trường tư thục làm ăn giả dối, chỉ biết tiền, tiền, tiền….

Phụ huynh cũng đang lúng túng, kiến thức không đủ, không biết tư vấn cho con thế nào. Không biết nên cho nó thành ông này bà kia hay chỉ là người hữu ích. Thông tin ngành nghề xã hội thì vô cùng đa dạng, đọc xong bảo đảm ong đầu. Ông con suốt ngày thấy học thêm, về đến nhà lại chui tọt vào phòng mạng mẽo, có trời biết đang làm gì. Cũng không biết phải tâm sự với ai. Học trường quốc tế thì đắt, lại sợ mất gốc. Học trường ta có tên tuổi, đến họp thì chỉ biết ngồi im, đóng đủ tiền hội rồi về. Đâu dám kêu ca thắc mắc.

Vậy nên cứ mạnh dạn!

Trước hết, chúng tôi cũng không dám nhận là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, chẳng qua vì bôn ba trên thế giới, được khen nhiều, nhưng bị đánh đập cũng không ít, bản thân nhu cầu cấp thiết đòi hỏi, lại thấy những điều mà mọi người bảo là khó thực hiện, cũng không quá xa tầm tay, nên mạnh dạn tiến hành xây trường, mở lớp. Được các anh chị tín nhiệm, giao con cái đúng ở tuổi các cháu đang trưởng thành. Tự hào, nhưng thật lòng mà nói lo không để đâu cho hết. Nhà tôi chỉ có hai đứa mà hai vợ chồng đã thấy thấm thía lắm rồi.

Thứ hai, trường của chúng tôi là trường Việt Nam, dạy theo đúng chương trình của Bộ GD&ĐT. Không phải là chúng tôi có ý chê bai gì trường quốc tế, có điều chúng tôi nghĩ con cái mình ở Việt Nam sao không học theo kiểu Việt Nam. Tôi đã đọc sách giáo khoa của các cháu, thấy hay lắm, mở mang lắm, hơn sách thời chúng tôi nhiều. Đâu phải thay đổi.

Có điều thời đại toàn cầu hóa này, không thể sống ru rú góc làng. Con các anh chị nếu không cố tình chây lười, hết cấp ba, bảo đảm đủ trình độ ngoại ngữ để vào bất cứ trường nào trên thế giới. Nhờ anh chị nói lại với các cháu, ông Mark Twain viết rằng: "Ngoại ngữ không cần thông minh đặc biệt. Ở bên Anh, thằng ngu nào cũng nói được tiếng Anh". Chỉ cần các cháu chịu học.

Thứ nữa, các cháu sẽ không phải học thêm. Hết giờ học, buổi chiều sẽ được dành cho các hoạt động giáo dục thể chất, phát triển kỹ năng sống và nghệ thuật. Chúng tôi muốn các cháu mạnh mẽ, bản lĩnh như những võ sĩ, nhưng biết nhạy cảm trước cái đẹp khi thổi sáo, hay chơi đàn bầu. Hoặc đơn giản dạo chơi, ngắm những chú vịt vùng vẫy trên hồ, xoan tím, phượng vàng và dãy Ba Vì hùng vĩ để thêm yêu đất nước mà tổ tiên để lại.

Điều chúng tôi còn một chút lo lắng, đó là giờ tự học buổi tối, từ 19h30 đến 21h30. Sẽ không có chuyện các cháu đóng cửa vào mạng. Các cháu phải học tại lớp, mang máy tính theo và có sự có mặt của các anh chị quản nhiệm. Các cháu sẽ có cảm giác mất tự do, không được tin tưởng, có thể phản ứng. Chúng tôi biết điều đó, nhưng quả thật chưa tìm ra được phương án nào hay hơn.

Hay vấn đề tình cảm của các cháu. Các anh chị mà nhớ lại, hẳn tuổi này chúng ta cũng đã có rất nhiều những rung động đầu đời. Có điều thời chúng ta còn kín đáo. Còn bây giờ báo chí, media phô đầy. Các cháu sẽ rất khó biết đâu là giới hạn. Làm thế nào để có thể nhẹ nhàng dạy bảo mà không xúc phạm đến những tình cảm đẹp đẽ tuổi học trò. Để những kỷ niệm đó theo các cháu đến hết cuộc đời. Chúng tôi cũng chưa thực sự yên tâm.

Trường mới mở, đội ngũ giáo viên chưa ổn định, không tránh khỏi có người này, người kia. Các cháu có thể có những phản ứng nhưng chưa dám mạnh dạn với chúng tôi, nhưng chắc anh chị sẽ biết. Rất mong sự cộng tác của các anh chị.

Thêm một chút bonus, nếu các cháu bộc lộ đam mê lập trình sớm, chúng tôi sẽ cố gắng nuôi dưỡng. Chúng tôi tin rằng sẽ có rất nhiều Hà Tây, Hà Nam, Hà Bắc…. theo gương anh Nguyễn Hà Đông xua đàn chim Việt bay tứ tung, mang ngoại tệ về, lên báo quốc tế trả lời ngay cạnh Bill Gates, thỏa mong ước của Cụ Hồ xưa “Lên đài vinh quang, sánh vai các cường quốc năm châu”.

Đấy, khát vọng đổi mới của chúng tôi chỉ có vậy. Chúng tôi không dám hứa hẹn cao siêu, vì giáo dục là con đường mà các anh chị thừa hiểu là chúng ta cần phải cố gắng hết sức và tin rằng lũ trẻ sẽ hiểu được tấm lòng của người lớn. Và chúng tôi biết rằng có cố gắng đến đâu thì chúng tôi cũng chỉ đáp ứng được một phần sự kỳ vọng của các anh chị vào những thiên thần bé nhỏ của mình.

Website nhà trường đây. Hồ sơ các cháu đây, anh chị có thể truy cập.

Bất cứ lúc nào các anh chị cảm thấy có vấn đề, hãy e-mail, gọi điện, Facebook… cho chúng tôi, qua thư ký, hoặc trực tiếp. Hằng tháng chúng ta sẽ gặp nhau một lần để nhà trường có thể báo cáo với anh chị.

Rất cám ơn các anh chị. Chúng ta sẽ cùng đồng hành trên chặng đường vất vả này!

Vì đó chính là ý nghĩa của cuộc sống.

Nguyễn Thành Nam

Ý kiến

()