Chúng ta

Lửa xuất phát từ đâu?

Thứ hai, 26/3/2018 | 10:29 GMT+7

Đó là câu hỏi của hàng trăm cư dân Carina Palaza khi đám cháy bùng lên lúc rạng sáng 23/3.

Hình ảnh chiếc thang thoát hiểm và nhiều sợi dây nối từ rèm cửa, ga giường... treo lủng lẳng trên các tầng cao chung cư Carina đã ám ảnh tôi những ngày qua. Trong đó có chiếc thang dây thoát hiểm mà nữ Chủ tịch phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) đã thoát xuống từ tầng 19 và được cho là trượt chân khi đến tầng 14. Vì sao các nạn nhân lại trèo xuống, trong khi đám cháy đang tung hoành ở tầng hầm? Nếu họ bình tĩnh, ra ban công hoặc chạy lên các tầng cao chờ cứu hộ thì có thể đã không phải chết thảm.

Hôm đó, hơn 1h, tôi cùng nhiều người dân sống cạnh chung cư Carina bỗng nghe nhiều tiếng hô hoán, những âm thanh giục giã đánh thức tất cả. Khi mở cửa tầng trên, tôi thấy cột khói đen kịt bùng lên ở hay dãy A và B của tòa nhà. Đứng xa hàng chục mét, tôi cũng cảm nhận được mùi khét lẹt. Toàn chung cư bị mất điện. Không phải cháy nhà mình, nhưng tôi cũng hoảng loạn, phải mất vài phút mới có thể mở được cửa.

Nhảy hàng rào cao khoảng 2m qua chung cư, tôi thấy nhiều người nhảy từ tầng một xuống mái hiên cửa hàng phía dưới với độ cao khoảng 4 m, bất chấp lời trấn an bình tĩnh, hãy chờ thang từ người đứng dưới đang gào thét. Một phụ nữ ngất xỉu, bị chấn thương sau cú nhảy va đập, được bê đưa lên ôtô chở đi bệnh viện. Trên các tầng cao hơn, dày đặc ánh đèn pin, cánh tay vẫy cầu cứu, những tiếng la hét vô vọng.

Lửa xuất phát từ hầm để xe ở giữa block A và B của chung cư, kèm theo tiếng nổ. Các bảo vệ trực nỗ lực dập lửa nhưng bất thành, nên đã chạy lên các tầng trên đập cửa hô hoán cho cư dân thức giấc để thoát nạn. Họ cõng nhiều người già, bế những đứa trẻ ra ngoài. Hàng chục người được họ hướng dẫn dồn về góc tầng một của block A, nơi đã có nhiều người trèo xuống bằng thang của người phía dưới. Nhưng sức lực của họ không thể chạy đua với tốc độ lan tỏa của khói, để có thể đánh động hết tất cả cư dân. Kể cả bỏ mạng như nhân viên bảo vệ 48 tuổi cũng không thể cứu hết những người còn lại.

Đám cháy diễn ra khi mọi người đang ngủ. Họ bị đánh thức bởi điện mất đột ngột, khói đen lan tỏa từ ngoài vào căn hộ hay những âm thanh khác. "Bảy anh em lùa nhau mở cửa phòng thì thật không tin được trước mắt khói đen ngòm và tối thui, tiếng chân chạy loạn xạ. Chúng tôi cứ nghĩ cháy ở căn hộ kế bên", Nguyễn Thị Thùy Dung (ở lầu 2, block A) chia sẻ.

Nhóm bạn Dung nhanh tay đóng chặt cửa lại, một người vội lấy khăn ướt bịt khe cửa ngăn khói đen tấn công vào. Họ chạy ra mở cửa ban công thì khói đen đã bao trùm khiến tất cả không thở được, nên cùng kéo nhau vào nhà đóng cửa lại. Một thành viên bấm gọi cứu hỏa. Tất cả lấy hết mền, giật mạnh rèm cửa nối lại, cột thật nhanh vào ban công. "Dung khá nhát nhưng lúc này nghĩ ở cũng chết, đu xuống chưa biết chết hay sống nhưng vẫn còn hơn", cô gái nhớ lại.

Để gọn nhẹ nhất có thể, Dung bỏ lại balô và đu dây xuống. Lần lượt các thành viên trong nhóm tuột, khi gần tới đất thì nhảy xuống mái hiên trường mẫu giáo. Xung quanh, nhiều người ở các tầng thấp cũng ném nệm xuống để nhảy. Người thì gãy tay, trật chân, chảy máu mũi... nằm rên la. Khung cảnh hết sức hỗn loạn.

"Khi cả đám nhảy xuống an toàn, mọi người ôm nhau, miệng đắng nghét toàn mùi khói. Mọi người choàng vai nhau mà chạy ra lộ, đứa này lau mặt đứa kia", Dung kể.

Không phải nhóm bạn Dung, mà hàng trăm cư dân chung cư hôm đó đều không biết lửa từ đâu nên chạy loạn xạ. Thấy khói từ ngoài vào, cách tốt nhất để thoát, đối với họ lúc đó, là phải chạy bằng cửa sau. Bà chủ tịch phường đã trang bị thoát hiểm tốt, và rất bình tĩnh để lấy thang dây, với hy vọng sẽ thoát xuống được những tầng bên dưới. Tuy nhiên, bà đã nhận định sai, lửa cháy từ tầng hầm, khói cuồn cuộn từ dưới đang tràn lên, chứ không phải xuất phát ở trước hay căn hộ kế bên.

Hỏa hoạn chỉ kéo dài khoảng 2 giờ ở tầng hầm, thiêu rụi 13 ôtô và 150 xe máy; nhưng đã cướp đinh sinh mạng của 13 người, làm hơn 50 người bị thương. Hậu quả này được cho là nghiêm trọng nhất trong hơn chục năm qua ở TP HCM.

Sau vụ thảm họa ITC 16 năm trước, TP HCM đã đặt ra nhiều bài toán về công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ. Trong 16 năm qua, công tác chữa cháy và cứu hộ TP HCM đã cải thiện và tốt hơn nhiều, thậm chí có thể coi tốt nhất cả nước. Tuy nhiên, sau mỗi vụ cháy, vẫn có câu hỏi vẫn đặt, nhất là công tác phòng cháy chữa cháy.

Ở Carina, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn từng được thông báo trước. 7 tiếng trước khi có cháy, cư dân tòa nhà đã họp với Ban quản trị chung cư để phản ánh các bất cập tại đây. Trong biên bản cuộc họp, một trong những vấn đề được nêu là nguy cơ cháy nổ. Cư dân yêu cầu quản lý tòa nhà tháo những màn hình quảng cáo trong thang máy vì chắn luồng gió thông hơi ở trần cabin, nhiệt lượng tỏa ra rất lớn.

Việc rò rỉ điện từ các màn hình quảng cáo này gây nguy hiểm nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ cháy nổ. Đặc biệt, cư dân cũng phản ánh tình trạng bảo vệ tòa nhà hút thuốc trong hầm giữ xe, khả năng cháy rất cao. Một số căn hộ tại tầng một được cho thuê để kinh doanh, làm kho hàng cũng tiềm ẩn nguy cơ này.

Sau vụ cháy ở Carina, TP HCM và các địa phương trong cả nước lặp lại "điệp khúc" tổng kiểm tra công tác cháy, nổ ở các chung cư. Đó chỉ được xem là động thái trấn an tốt nhất cho cư dân trong lúc họ hoang mang.

Chung cư là nơi để mọi người ở, họ đâu biết rằng công tác phòng cháy chữa cháy được cho là có kiểm tra mỗi năm hai lần như Carina có đảm bảo an toàn, khi kết quả chỉ là giấy chứng nhận hệ thống đảm bảo. Tuy nhiện, thực tế đã trả lời ngược lại, khi cả hệ thống báo cháy và hệ thống phun nước chữa cháy tự động của chung cư Carina đều tê liệt.

An Nhơn

Ý kiến

()