Chúng ta

Lịch sử có nghĩa là điều nghiên

Thứ năm, 12/11/2015 | 09:47 GMT+7

Nếu chúng ta đọc chuyện xưa thì thấy người xưa học sử là để làm chính trị, để học những bài học cho hiện tại và lên kế hoạch cho tương lai. Ngày nay cũng vậy thôi, học lịch sử để biết được quy luật phát triển, học những bài học về sự phát triển.

Mấy ngày hôm nay đang có những tranh luận nảy lửa về vấn đề “khai tử” môn lịch sử. Tôi không phải là chuyên gia về lĩnh vực này nên chỉ muốn góp một ý kiến nhỏ.

Tôi có cảm giác rằng hiện nay mọi người đang không lắng nghe nhau. Bên bảo vệ lịch sử thì cứ một mực cho rằng lịch sử là quan trọng và cũng không thể tích hợp vào môn khác. Bên dự kiến thay đổi cũng không đưa ra được một lý luận rành mạch, một nội dung rõ ràng cho môn học tích hợp.

Lịch sử là môn khoa học quan trọng, là môn học quan trọng. Nhưng nội dung và cách dạy lịch sử hiện nay của chúng ta quả thật là có vấn đề. Học sinh học lịch sử nhưng không biết mình học để làm gì thì cũng như học sinh học toán mà không biết học để làm gì. Chán là đúng. Học kém cũng là đúng. Nếu chúng ta đọc chuyện xưa thì thấy người xưa học sử là để làm chính trị, để học những bài học cho hiện tại và lên kế hoạch cho tương lai. Ngày nay cũng vậy thôi, học lịch sử để biết được quy luật phát triển, học những bài học về sự phát triển. Lịch sử luôn là những bài học của thành công và thất bại. Và ai lặp lại những sai lầm chính là những người đã không chịu học bài học đầu tiên.

Lich-su-5304-1447293347.jpg

Giáo trình môn lịch sử lớp 10 của Ấn Độ.

Lịch sử là điều tra, nghiên cứu các bài học quá khứ để áp dụng cho hiện tại và tương lai. Môn học quan trọng như vậy nhưng dường như ta chưa dạy được như vậy. Nội dung, cách dạy, cách học của ta không hướng đến mục tiêu như vậy.

Như đã nói ở trên, tôi hoàn toàn là một người nghiệp dư trong lĩnh vực này. Cho nên, tôi chỉ muốn đưa ra đây một thông tin nhỏ. Chúng ta thử nhìn xem chương trình Lịch sử lớp 10 của Ấn Độ họ dạy gì. Và thử xem lại nội dung môn Lịch sử của ta. Xem và so sánh. Thế thôi.

Mọi người hãy chịu khó đọc kỹ nội dung để thấy bên Ấn Độ họ cũng nghiên cứu về Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc và chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Nhưng lịch sử luôn gắn liền với các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị chứ không tách rời.

Trần Nam Dũng

Ý kiến

()