Chúng ta

Giữ gìn môi trường, nhìn từ Myanmar

Thứ sáu, 29/4/2016 | 17:42 GMT+7

Sau hơn nửa thế kỷ, Myanmar trở thành một nước lạc hậu trong khu vực. Mặc dù vậy, họ cũng có những bài học đáng để chúng ta suy nghĩ, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Myanmar ngày nay rất cần đầu tư nước ngoài, nhưng hầu hết các nhà đầu tư quốc tế đến đây, đều cảm nhận sự khắt khe mà chính phủ yêu cầu cho một giấy phép đầu tư. Có vẻ chính phủ Myanmar không thích tham khảo bài học "Trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư quốc tế" của Việt Nam.

Một quan chức Myanmar nói với tôi: "Các nhà đầu tư nước ngoài đến đây không phải vì lòng tốt mà vì lợi ích, dù chúng tôi không mời thì họ cũng đến. Đất nước đã mở cửa nên không thể ngăn họ đến. Đầu tư nước ngoài sẽ tác động đến Myanmar cả tích cực lẫn tiêu cực. Tích cực thì dễ thấy, nhưng tiêu cực thì khó hơn. Những ảnh hưởng tiêu cực thường sau một thời gian dài mới lộ rõ. Vì vậy chúng tôi phải thận trọng".

Khi được hỏi, lo lắng lớn nhất của Myanmar đối với đầu tư quốc tế là gì, ông nói: "Tất nhiên là tác động tiêu cực đến môi trường. Myanmar sẽ không tiếp nhận các ngành công nghiệp trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Những ngành công nghiệp có tác động thay đổi môi trường cũng cần xem xét kỹ lưỡng và thận trọng ra quyết định. Kinh tế có thể phát triển chậm 1-2 năm, nhưng môi trường bị phá hủy thì vài trăm năm cũng không thể vãn hồi được".

Dự án thủy điện Myitsone là một minh chứng cho quan điểm cứng rắn này.

Ngày 30/9/2011, phát biểu trước quốc hội, Tổng thống Myanmar, ông Thein Sein tuyên bố đình chỉ việc xây dựng đập thủy điện vì những lý do nguy cơ môi trường và xã hội. Quyết định không xây tiếp dự án thủy điện Myitsone làm chính quyền Trung Quốc vô cùng tức giận và quan hệ ngoại giao Trung - Miến đột nhiên xấu đi.

Myitsone là một địa danh thuộc bang Kachin, phía cực bắc Myanmar, nơi đầu nguồn sông Ayeyawady. Sông Ayeyawady là con sông dài nhất, có lưu vực lớn nhất và lưu lượng nước lớn nhất Myanmar. Dự án đập nước Myitsone được đề xuất xây dựng theo một trao đổi của Tướng Than Shwe, Chủ tịch Hòa bình và Phát triển Myanmar, và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Á - Phi, tháng 4/2005.

Theo thiết kế của phía Trung Quốc, đập thủy điện Myitsone có chiều cao 152 m, dài 150 m, làm ngập một diện tích 766 km2 (gấp 1,5 lần diện tích đảo Phú Quốc), công suất phát điện theo thiết kế là 6.000 MW. Đập Myitsone đã được khởi công xây dựng từ tháng 11/2009 và dự kiến sẽ hoàn tất năm 2017. Đến lúc hoàn thành, nhà máy thủy điện Myitsone có thể sản sinh một nguồn điện lên đến 29.400 KWH/năm. Đập thủy điện Myitsone được xem là đập nước lớn thứ 15 trên thế giới. Tổng kinh phí mà CPI ước tính đổ vào Dự án thủy điện ở vùng này lên đến 20 tỷ USD.

Bản báo cáo “Đánh giá Tác động Môi trường Phát triển Thủy điện Đập nước ở phần Thượng nguồn Sông Ayeyawady” do viện CIP (Trung Quốc) mô tả gần như đầy đủ các hạng mục xem xét môi trường, xã hội và kinh tế cho công trình này. Báo cáo này khẳng định các tác động tiêu cực do đập thủy điện Myitsone gây ra gần như không đáng kể và có thể khắc phục, hạn chế. Phần kết luận của của báo cáo này còn nhấn mạnh dự án thủy điện này là cơ hội hiếm hoi cho Myanmar, có ý nghĩa lớn cho sự phát triển kinh tế và xã hội, cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo động lực cho sản xuất công nghiệp, tạo công ăn việc làm cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong vùng.

Thật sự, vào thời điểm phê duyệt dự án lúc ấy, Myanmar vẫn chưa có một hệ thống pháp luật toàn diện để hỗ trợ đầy đủ nhằm giám sát nghiêm ngặt các mặt tiêu cực phát sinh từ một công trình lớn như vậy. Ngoài ra, Myanmar cũng thiếu các nhà khoa học độc lập có tầm cỡ về môi trường và xã hội để đánh giá và phản biện đầy đủ hết những gì mà bản báo cáo đưa ra có đúng mức và hợp lý đến chừng nào.

Công trình thủy điện Myitsone sẽ làm mất hơn 70.000 ha khu rừng nguyên sinh, cùng các vùng đất canh tác và cư trú ở đây, nhiều loài động và thực vật sẽ biến mất và tính đa dạng sinh học trong khu vực sẽ sút giảm. Đây là nơi giáp ranh của các khu vực Indo, Burma và Nam Trung Hoa, được xem là một trong những điểm nóng đa dạng sinh học. Hệ sinh thái nơi đây sẽ thay đổi đáng kể mà bản báo cáo đánh giá tác động môi trường không thể liệt kê ra và tiên đoán trước hết được.

Vùng dưới hạ lưu sông Ayeyawady là những cánh đồng lúa trù phú của Myanmar, nơi cung cấp cho phần lớn lương thực chính cho gần 60 triệu người dân Myanmar. Hằng năm, phù sa của con sông lớn nhất Myanmar này cung cấp chất dinh dưỡng cho các vùng đất canh tác nông nghiệp này. Đập nước sẽ giữ lại các lượng phù sa cần thiết khiến đất đai sẽ nghèo nàn đi hoặc người nông dân sẽ phải mua thêm phân bón hóa học để bù đắp. Khi đó lợi nhuận nông nghiệp chắc chắn sẽ suy giảm. Mặc dầu nhà thầu Trung Quốc trấn an người dân Myanmar là đập nước này có xây thêm công trình xả bùn cát đáy nhưng thực ra, việc xả bùn cát về hạ lưu chỉ được thực hiện sau nhiều năm hồ chứa trữ nước. Do vậy, việc xả bùn cát cũng không giúp gì cho việc thiếu hụt phù sa cho hạ lưu. Những năm đầu hình thành đập và hồ chứa, chắc chắn nông dân Myanmar sẽ phải chịu những đợt khô hạn nặng nề vì hồ chứa phải cần thời gian tích nước, thời gian này có thể kéo dài nhiều năm.

Công trình này cũng sẽ làm giảm sút lượng cá trên sông do đập nước làm ngăn cản đường di chuyển và môi trường sinh của cá. Báo cáo của phía Trung Quốc đánh giá rủi ro này rất hời hợt, báo cáo chỉ nói một cách chung chung là các loài thủy sản sẽ bị ảnh hưởng do sự thay đổi chế độ thủy văn dòng chảy của sông mà không có đánh giá định lượng rõ ràng.

Theo thiết kế, công trình thủy điện Myitsone chịu được các trận động đất cấp 8 nhưng nguy cơ bị động đất cũng khá lớn vì toàn bộ khối nước khổng lồ và trọng lượng công trình đều nằm trên đới đứt gãy Sagaing. Nếu có động đất trên cấp 8, đập sẽ bị vỡ kèm theo hiện tượng đất trượt tạo nên một trận cuồng lũ nhanh chóng giết chết hàng ngàn người sinh sống ở thành phố Myikyina nằm phía dưới hạ lưu của đập...

Rất nhiều sự phản kháng dự án này đã diễn ra trong nước và ngoài nước, trong chính quyền và ngoài dân chúng. Lãnh tụ đối lập ở Myanmar, nhân vật đã đoạt giải Nobel Hòa bình, bà Aung San Suu Kyi đã nhiều lần lên tiếng cổ động chiến dịch chống lại việc triển khai xây dựng thủy điện Myitsone, xem dự án là một đe dọa môi trường và xã hội.

Sau khi trở thành tổng thống ngày 4/2/2011 và qua các thảo luận trong nội bộ chính quyền, ông Thein Sein đề xuất ra các sáng kiến môi trường, trong đó có việc xem xét dự án thủy điện trên sông Ayeyawady và đưa ra công khai cho công chúng góp ý. Kết quả khảo sát thật bất ngờ, khoảng 90% người dân được hỏi đều phản đối dự án đập thủy điện Myitsone, mặc dù 75% đất nước vẫn chưa có điện.

Và ngày 30/9/2011, tổng thống Thein Sein tuyên bố đình chỉ việc xây dựng đập thủy điện vì những lý do nguy cơ môi trường và xã hội, ít nhất cho tới hết nhiệm kỳ tổng thống của ông.

>> Đất nước mình chẳng ngộ đâu em

Hoàng Minh Châu

Ý kiến

()