Chúng ta

Giá trị tinh thần

Thứ năm, 5/9/2013 | 19:33 GMT+7

Mỏi mồm thuyết phục mãi ông cháu chuyển từ Đại học Bách Khoa sang Đại học FPT, bỗng dưng tôi chợt hiểu ra rằng có sự khác biệt rất lớn giữa hai “thương hiệu” giáo dục.

Điều này hoàn toàn không phụ thuộc vào những lập luận và bằng chứng về đổi mới giáo dục, công nghệ 2.0, việc làm lương cao, ký túc xá đẹp đẽ.

Thành lập năm 1956, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội hàm chứa giá trị tinh thần của thế hệ vừa làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ba mẹ tôi là những sinh viên khóa đầu tiên của Đại học Bách Khoa và họ mang những giá trị đó theo suốt cuộc đời mình. Họ cảm nhận ý nghĩa lớn lao của việc được bắt tay xây dựng lại đất nước. Một đội tuyển quốc gia. Gần 60 năm đã qua, mặc dù Bách Khoa ngày nay chất lượng không còn như xưa, nhưng ánh hào quang tinh thần không dễ gì phai nhạt. (Thật tiếc là Bộ GD&ĐT đã không dám khai thác tài sản đó khi xây dựng đề án trường Đại học Quốc tế).

Vậy đâu là giá trị tinh thần của Đại học FPT? Những người sáng lập ra nó kỳ vọng gì? Nguồn năng lượng sáng tạo mà nó mang theo là gì?

Tôi không được may mắn tham gia thiết lập Đại học FPT từ những ngày đầu như anh Lê Trường Tùng, anh Khắc Thành… nhưng những gì mà tôi được chứng kiến ở FPT Software trong suốt hơn 10 năm cũng chẳng khác gì một trường đại học lớn. Tôi có niềm tin sâu sắc là lớp thanh niên Việt Nam ngày nay có đủ tài năng và quyết tâm để làm những việc phi thường. Cái các em cần là cơ hội và thách thức trải nghiệm.

Cả xã hội đang bi quan, nhưng tôi thực sự mong muốn FPT University là hạt nhân để nẩy mầm một cái cây hy vọng của cả đất nước.

Có một bạn nhân viên của FPT đã viết cho tôi thế này. Tại sao mình lại không phục hồi trải nghiệm đó?

“Chắc hẳn anh biết trường Đại học FPT hiện đang xây dựng trên một doanh trại quân đội. Cái doanh trại đó trước đây bố em làm Hiệu trưởng, sống từ nhỏ trong môi trường quân đội nên em có một trải nghiệm mà đến giờ em chưa thể quên: Cứ vào sáng thứ Hai hằng tuần, hàng nghìn người từ 10 tiểu đoàn tập trung tại sân vận động, đứng dưới lá cờ quyết chiến quyết thắng cùng đồng tâm hô một khẩu hiệu mà sức lan tỏa của nó về không gian: Trong bán kính vài trăm mét chắc chắn cảm nhận được khí thế, còn về thời gian: Đến giờ sau gần 15 năm em vẫn chưa quên được những ngày như thế…”.

Nguyễn Thành Nam

  

Ý kiến

()