Chúng ta

FFA Cup: Cố quá hay ‘quá cố’

Thứ bảy, 22/12/2018 | 14:12 GMT+7

Giải bóng đá FFA Cup HCM lần thứ 19 đã chính thức khép lại vào cuối tuần qua (16/12) tuy nhiên những dư âm về nó sẽ khiến những người trong cuộc cần phải suy ngẫm nếu vẫn muốn duy trì giải đấu này.

Ra đời từ năm đầu thập niên 2000, đến nay FFA Cup đã là món ăn tinh thần truyền thống của những người hâm mộ bóng đá nhà F. Với gần 20 năm tuổi đời, tưởng chừng giải đấu sẽ ngày càng hoàn thiện nhưng thật buồn khi món ăn ấy đang dần trở nên nhạt nhẽo khi đang bị ám ảnh bởi căn bệnh chạy theo thành tích của các đội chơi và sự cố gắng đến bế tắc của Ban tổ chức.

Việc huy động lực lượng tham gia một giải đấu bóng đá phong trào trong thời buổi khi mọi người đang bận rộn nhiều hơn và cũng có nhiều sự lựa chọn để giải trí vào cuối tuần thật sự khó khăn, nhưng nhìn số lượng khán giả “heo hút” đến sân theo dõi và cổ vũ, thật đáng buồn. Nhiều trận đấu của các đội như: FPT Retail, FPT Software, TPBank, FPT Securities gần như không có cổ động viên nào. Thậm chí có đơn vị, ngay cả trưởng đoàn hoặc cán bộ Văn hóa – Đoàn thể của đơn vị cũng không hề xuất hiện.

Hoạt động phong trào sinh ra để phục vụ nhu cầu, mang lại niềm vui cho người nhà F nhưng nhìn sự tham gia và hưởng ứng, không biết liệu có bao nhiêu người FPT quan tâm đến giải FFA Cup.

Khán giả không màng đến sân, ngay cả cầu thủ một số đội cũng “lèo tèo” ra sân khiến Ban tổ chức và những đội bóng khác không ít lần rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”. Ngay vòng đầu tiên, khi hết hiệp 1, một cầu thủ FPT Retail thay đồ trong giờ giải lao để về... kiểm kho. Trước tình thế thiếu người, các đồng đội phải dùng nhiều cách can thiệp để trận đấu không bị vỡ vì thiếu người. Ở vòng đấu thứ 5, FPT Retail lặng lẽ ... “bỏ rơi” đối thủ mà không hề báo trước lý do trước ngày thi đấu; đội bóng TPBank mặc dù đã báo với Ban tổ chức nhưng việc trận đấu không thể diễn ra khiến đối thủ của họ gần như đánh mất cơ hội vô địch. Sự việc ở vòng hai vòng tưởng chừng đã là vố đau, là bài học quá lớn nhưng hóa ra tất cả vẫn chưa phải là đỉnh điểm.

Đến trận đấu quyết định ở vòng cuối cùng, FPT Retail lại một lần nữa khiến trận đấu phải kết thúc sớm khi không tập trung đủ quân số. Liệu rằng sau giải đấu này, Ban tổ chức có nhìn lại thái độ lẫn tinh thần thi đấu của từng đội khi khoảng cách trình độ giữa các đội bóng đang quá chênh lệch? Có nên chăng một giải đấu hạn chế số lượng đội bóng để việc bỏ trận hay không đủ quân số sẽ không còn xảy ra và chất lượng của giải sẽ được nâng cao hơn?

Nhìn vào việc Ban tổ chức bối rối xoay xở mọi cách để vòng đấu cuối cùng được diễn ra, nhìn cách mà trưởng đoàn FPT Telecom và FPT IS tuyên bố nghỉ đá khi cho rằng đội mình bị xử ép, nhìn cách mà những cầu thủ PNC phải đứng ra “năn nỉ” cầu thủ FPT Retail tiếp tục thi đấu... thật buồn cho một giải bóng đá lâu đời, là niềm tự hào của người FPT phía Nam.

Năm sau FFA Cup sẽ tròn 20 tuổi. Với con người, 20 là độ tuổi đủ để con người có trách nhiệm với bản thân và xã hội, có những suy nghĩ chín chắn hơn trong cuộc sống. Hy vọng rằng nếu còn duy trì, FFA Cup của tuổi 20 sẽ chuyên nghiệp hơn để không còn lặp lại những tình huống trớ trêu như những gì vừa diễn ra.

FFA Cup 2018 chính thức khởi tranh từ ngày 3/11 đến 16/12 trên sân Công an TP HCM (số 45 Hòa Bình, quận 11) và diễn ra vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần. Ở giải đấu lần này có sự tham gia của 7 đội bóng, gồm: FPT IS, FPT Securities, FPT Retail, FPT Software, FPT Telecom, PNC và TPBank. Các đội sẽ thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm với 7 vòng tranh tài. Mỗi vòng có 3 trận đấu (các đội nghỉ luân phiên theo lịch bốc thăm).

Khác với năm ngoái, sau khi thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm sẽ chọn 4 đội thi đấu bán kết, năm nay các đội chỉ thi đấu vòng bảng để chọn ra nhà vô địch của Cup FFA. Ngoài ra, Ban tổ chức được quyền chủ động sắp xếp các cặp đấu để duy trì tính hấp dẫn của mùa giải cho đến vòng thi đấu cuối cùng, nhưng vẫn tuân thủ theo nguyên tắc đã nêu trên.

Giải thưởng dành cho đội vô địch gồm Cup vàng, huy chương và 10 triệu đồng; giải Nhì 7 triệu đồng; giải Ba 5 triệu đồng và giải Fair-play 3 triệu đồng. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao thêm các giải thưởng phụ cho cá nhân gồm: Vua phá lưới, Thủ môn xuất sắc, Cầu thủ xuất sắc, Cầu thủ triển vọng (dành cho cầu thủ dưới 25 tuổi, lần đầu tham gia giải) với giá trị giải thưởng 1 triệu đồng/giải.

Kết quả: FPT Telecom giành ngôi vô địch, PNC về hạng nhì và FPT IS đạt hạng ba chung cuộc.

Trần Vũ

Ý kiến

()