Chúng ta

Đừng mang tiếng xấu cho người Việt Nam

Chủ nhật, 2/11/2014 | 15:00 GMT+7

Khi nhớ mình là người Việt Nam, danh dự của cá nhân và cộng đồng sẽ hợp làm một. Và khi đã là người Việt Nam, đừng làm gì để mang tiếng xấu cho người Việt Nam! Đừng vội 'xù lông' để không làm tổn thương nhau!

Cuộc gặp mặt cộng đồng người Việt tại Myanmar nhân dịp lãnh đạo cấp cao sang thăm đang sôi động với các báo cáo thành tích của những doanh nghiệp hàng đầu như BIDV, HAGL… bỗng một cánh tay gầy gò giơ lên.

Một cánh tay trần, vì ống tay áo rộng đã tụt hẳn xuống. Không biết bằng cách nào mà mọi người đều quay lại nhìn. Một người, dáng cao gầy, trong chiếc áo cà sa đứng lên. Thì ra nhà sư trẻ Thiện Đức, người đang tu hành ở Đại học Phật giáo Yangon, xin phát biểu.

Ông bắt đầu nói. Giọng của ông rất trong. Ông nói rất chậm rãi, tới mức có cảm giác người nghe cần có tính nhẫn nại để nghe được câu tiếp theo. Nhà sư, cô đơn giữa đám đông, bình thản nói ra những điều chẳng liên quan gì đến không khí của buổi đón tiếp lãnh đạo. Có vẻ ông cũng không trông chờ cử tọa sẽ lắng nghe. Như một nhà giảng đạo chân chính, ông thấy đây là cơ hội tốt để nói những điều cần nói. Ông, không vội vã, nhắc đi nhắc lại một điệp khúc, mà không hề quan tâm đến sự sốt ruột của người nghe.

"Chúng ta là người Việt Nam".

"Ở trong nước, có người là quan chức, có người là dân thường, nhưng ra nước ngoài, chúng ta là người Việt Nam".

"Ở trong nước, có người giàu, người nghèo, nhưng ra nước ngoài, chúng ta là người Việt Nam".

"Có người đi du lịch tự nhận mình là người Nhật để ăn theo (sự tôn trọng của thế giới dành cho người Nhật). Nhưng chúng ta không vì thế mà trở thành người Nhật. Chúng ta vẫn là người Việt Nam".

"Nhiều người nước ngoài nhìn nhầm chúng ta thành người Trung Quốc, nhưng chúng ta không phải người Trung Quốc. Chúng ta vẫn là người Việt Nam".

"Ở trong nước còn nhiều vấn đề tồn tại, nhưng dù bỏ trốn ra nước ngoài, chúng ta vẫn là người Việt Nam".

"Không chỉ Việt Nam mới tồn tại nhiều vấn đề. Vấn đề thì nước nào cũng có. Ở Trung Quốc, 5m trên và dưới mặt đất bị ô nhiễm nặng nề. Ở Nhật, tỷ lệ thanh niên tự tử cao nhất thế giới. Vấn đề của nước nào, nước đó phải tự giải quyết. Không phải vì trong nước có nhiều vấn đề mà chúng ta không còn là người Việt Nam".

"Dù tự hào được là người Việt Nam, hay xấu hổ vì là người Việt Nam , chúng ta cũng không thể thay đổi được thực tế: chúng ta là người Việt Nam".

"Hãy nói cho thế giới biết, chúng ta là người Việt Nam".

"Hãy nhắc nhở nhau để ghi nhớ, chúng ta là người Việt Nam"...

Nhìn cử tọa, tôi thấy nhiều người tỏ vẻ sốt ruột khi nhà sư làm mất thời gian của họ. Riêng với tôi, đó là bài Diễn Văn hay nhất về Việt Nam mà tôi được nghe khi ra nước ngoài.

Khi nhớ mình là người Việt Nam, danh dự của cá nhân và cộng đồng sẽ hợp làm một. Và khi đã là người Việt Nam, đừng làm gì để mang tiếng xấu cho người Việt Nam!

Hoàng Minh Châu

Ý kiến

()