Chúng ta

Đi xuyên ASEAN

Thứ hai, 11/5/2015 | 09:49 GMT+7

Tôi và Vinh ngồi lại trên bờ kênh. Nắng vàng ruộm, mơ đến một ngày tất cả sinh viên ĐH FPT cũng được Đi xuyên ASEAN như giấc mơ của giáo sư Ourairat.

“Đây là một nơi đặc biệt, có lẽ duy nhất trên thế giới này bạn có thể làm mọi thứ, ăn, ngủ, hội họp… trên giường (in BED)”, Jeroen tuyên bố với tất cả chúng tôi như vậy. Đơn giản vì khách sạn chúng tôi ở có tên là BED.

Jeroen bảo: Khách sạn này tao cùng với 2 giáo sư nữa của trường đầu tư, chủ yếu là đón khách cho trường, nhất là những khi cần hội nghị thế này. Mày bảo khách sạn thì ngủ là chính, nên đặt là BED cho đơn giản. Mày nghĩ mà xem: Welcome to BED - Mời quí vị lên Giường, khách nào nghe chẳng thích. Hoặc muốn quảng cáo chỉ cần nói: Ở Chiang Mai, tất cả mọi người đều ngủ trên BED, chẳng sai.

Jeroen là người Hà Lan, ở Thái Lan đã lâu và được Đại học Rangsit giao một nhiệm vụ đặc biệt. Đại học Rangsit là một trong những trường đại học tư tốt nhất của Thái Lan.

Dr. Arthit Ourairat, người sáng lập và Hiệu trưởng của Rangsit, cũng là một nhân vật nổi tiếng ở Thái. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Khoa học, rồi Bộ trưởng Bộ Y tế. Hồi trẻ ông từng khoác ba lô đi khắp các nước Lào, Việt, Campuchia, Malaysia… nên ông tin rằng, muốn thành công phải đi nhiều.

Hai năm trước, ông gọi Jeroen, lúc đó đang là giảng viên của khoa Business lên. “Tao cho mày 3 năm, để dựng nên một hệ thống liên kết các trường đại học trong khối ASEAN, để cho sinh viên có điều kiện chưa thuận lợi cũng có thể đi được ít nhất 3 nước trong khối trước khi tốt nghiệp”.

Jeroen trở thành Giám đốc đầu tiên của chương trình Passage to ASEAN (P2A - Đi xuyên ASEAN). Lần này, anh mời chúng tôi sang đây dự hội nghị lần thứ hai của các trường đại học tham gia vào chương trình.

Hai năm qua, anh đã thuyết phục được 28 trường từ tất cả quốc gia ASEAN (trừ Brunei) tham gia vào network, với cam kết nhận, dạy dỗ và chăm sóc sinh viên của nhau với điều kiện chi phí ăn ở thấp nhất có thể.

Jeroen còn muốn sinh viên đến phải được ăn, ở đúng như sinh viên địa phương, di chuyển thì hạn chế tối đa đi máy bay, để vừa giảm chi phí vừa được trải nghiệm cuộc sống sinh viên thực sự của đất nước đó. Chúng tôi bàn luận sôi nổi, làm thế nào để đóng gói những chuyến đi này thành một bài học thực sự và đưa vào trong chương trình giảng dạy chính thức của các trường thành viên. Khi đó không chỉ là sinh viên mà các giáo viên cũng sẽ phải biết hết năm 2015, ASEAN sẽ trở thành cộng đồng kinh tế chung, hơn 500 triệu dân, có khả  năng cạnh tranh lành mạnh với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản tại châu Á.

Chiang Mai là một thành phố hiền hòa, xanh, sạch miền bắc Thái Lan. Đúng những ngày đảo chính, giới nghiêm tại Thái Lan mà vẫn không thấy một bóng cảnh sát hoặc quân đội. Người Thái đã nghĩ ra một cách tự giải quyết các xung đột chính trị, khi hệ thống bầu cử dân chủ phương Tây bất lực, mà không cần bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Sự khôn ngoan đã giúp họ đứng ngoài tất cả những cuộc xung đột gay gắt nhất của chủ nghĩa thực dân và chiến tranh lạnh, rồi mới đây nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nằm giữa những dãy núi, Chiangmai từng là thủ đô của đất nước Lan Na (Triệu cánh đồng) từng hùng cứ cùng Lanxang (Triệu Voi), Siam, Champa, Đại Việt, Khơ me… tại khu vực này. Vật đổi sao dời, từ thế kỷ 19, Lạn Na trở thành phụ thuộc rồi bị sát nhập hoàn toàn vào Siam, trở thành Thái Lan ngày nay. Tuy nhiên phong tục, ăn mặc, người bắc và nam Thái vẫn khác nhau. Khách du lịch cũng vậy, họ phải chọn: nếu chọn sky, sand, sea thì đi phía nam, còn muốn xem những đặc sắc văn hóa đa sắc tộc thì lên phía bắc. Kiểu như ta chọn đi Đà Nẵng hay Sapa vậy.

Đạp xe hơn một tiếng đồng hồ, tôi và Vinh ngồi lại trên bờ kênh. Nắng vàng ruộm, mơ đến một ngày tất cả sinh viên ĐH FPT cũng được Đi xuyên ASEAN như giấc mơ của giáo sư Ourairat.

Nguyễn Thành Nam

Ý kiến

()