Chúng ta

Cuộc đời và những kỳ thi

Thứ hai, 11/7/2016 | 15:50 GMT+7

Cuộc đời cũng là một chuỗi các kỳ thi, với những ban ra đề và những vị giám thị nghiêm khắc. Nếu lúc nào cũng vượt qua được thì đương nhiên bạn sẽ là một người thành đạt.

Thấy khắp nơi loạn lên, hết cải cách nội dung, lại đến đổi mới phương pháp giảng dạy. Chủ nhật tuần trước, tại Mộc Lâm quán, một doanh nhân trẻ thành đạt, cựu nhân viên FPT, tỏ vẻ thất vọng sau một hồi tranh luận không lại với luật sư Trần Vũ Hải: Em cứ tưởng luật sư là thế nào, hóa ra là chỉ “cả vú lấp miệng em”, từ nãy tới giờ chưa thấy anh đưa ra một dẫn chứng gì cả. 

Thấy luật sư điềm tĩnh chỉ điểm: "Thế chú không biết dân ta gọi luật sư là thầy cãi à. Nghĩa vụ của anh là phải bảo vệ thân chủ, chứ không phải là đưa ra cho chú những dẫn chứng khoa học. Thế nếu thân chủ anh có tội rành rành, anh cũng cãi bay cãi biến à. Nghe cho rõ nhé, người ta chỉ bị kết tội bằng một phán quyết có hiệu lực của tòa án, em hiểu chưa. Và dù chỉ thêm được một ngày vô tội cho thân chủ của anh, anh cũng sẽ cãi. Đó là đạo đức nghề nghiệp".

Cũng như nghề thầy thuốc ấy. Nghĩa vụ của họ là cứu người bệnh khỏi cái chết. Còn sống tức là chưa chết. Nên thầy thuốc dù có biết người bệnh sẽ chết, dù người nhà và đôi khi bản thân người bệnh không muốn sống nữa, họ vẫn tìm mọi cách để cứu. Vì điều đó họ được dạy từ ngày đầu tiên khi bước vào nghề. 

Cứu người, bằng cách nào cũng được. Có khoa học thì tốt. Không khoa học, đoán mò cũng chẳng sao. Một người không cứu được, thì hội chẩn gọi cả đám đến cùng bàn, cùng cứu. 

Bởi thế hai loại thầy trên luôn thanh thản. Dù cho không phải lúc nào họ cũng cứu được thân chủ/bệnh nhân của họ. Riêng thầy giáo bị mắc kẹt.

Tôi không nói đến khái niệm “người thầy” chung chung trong đời, mà nói đến những thầy giáo chuyên nghiệp, đang dạy trong các trường, hằng ngày lên bục giảng và hằng tháng lĩnh lương.

Nhiệm vụ của trường giao đơn giản. Dạy môn xxx, trong thời gian yyy cho zzz học sinh. Nhưng thế nào là “xong” thì chẳng có một định nghĩa nào rõ ràng cả. Họ bị mắc kẹt. Giữa cái vị thế cao sang mà người đời gán cho là “kỹ sư tâm hồn”, “trồng người”… Và đám học trò lờ đờ, uể oải, lúc nào cũng thiếu ngủ, không cần gì hơn là thầy cô cho pass ngay càng sớm càng tốt để chúng còn làm việc khác.

Nhà trường với đủ kiểu KPI và phụ huynh luôn sẵn sàng xù lông với bất cứ ai có ý định “dìm hàng” con cái nhà mình. Trong khi đó, thầy giáo không có một quy tắc đạo đức nội tại nào cho chính họ để hành xử.

Vậy làm “thầy giáo” tức là làm gì? Tôi đem câu hỏi này ra hỏi tại Hội nghị phương pháp giảng dạy của Đại học FPT tổ chức cuối tuần rồi.

Có bạn cao siêu: Là dạy cách làm người. Anh em cười ồ. Trách nhiệm cao cả thế, gánh sao được. Mà về mặt sinh học thì ai chẳng là người rồi, có dạy thành khỉ mới khó.

Có bạn bảo: Là truyền đạt kiến thức. Xưa chắc là đúng, nhưng bây giờ chắc lạc hậu, kiến thức tra Google có vẻ ra nhanh hơn.

Có bạn hăng hái: Là truyền cảm hứng. Vụ này thì cá nhân tôi có trải nghiệm, nghi lắm! Truyền cảm hứng được mấy tiếng liền, ngày này sang ngày khác cho lớp học lờ đờ, ngáp vặt? Mình không mất cảm hứng đã là may lắm rồi.

Cuối cùng cũng có bạn thì thầm: Thế chẳng lẽ là làm thầy giáo là dạy cho đúng giáo trình, bảo đảm học sinh thi đỗ à? 

Cứ như là nói điều gì pham tội ghê lắm.

Quá đúng! Nghĩa vụ đầu tiên của giáo viên là giúp học sinh thi đỗ môn mình dạy. Nếu trượt thì không đổ tại học sinh lười biếng hoặc tệ hơn nữa là chê bai ban khảo thí ra đề nhàm chán.

Năm ngoái, trong một cuộc tranh luận thân thiện và căng thẳng với về giáo dục trực tuyến, đặc biệt là làm thế nào để có thể chống việc sinh viên nhờ người khác làm đề thi hộ, một giáo sư của một trường đại học nổi tiếng ở Mỹ đã nói với tôi: "Nam ạ, nếu một con người mà bất cứ việc gì cũng nhờ người khác làm hộ được, chắc chắn nó sẽ là một người thành công, chúng ta có thể yên tâm cấp bằng cho nó".

Xét cho cùng, cuộc đời cũng là một chuỗi các kỳ thi, với những ban ra đề và những vị giám thị nghiêm khắc. Nếu lúc nào cũng vượt qua được thì đương nhiên bạn sẽ là một người thành đạt.

Nguyễn Thành Nam

Ý kiến

()