Chúng ta

Bài học từ một lần đi xin việc

Thứ năm, 31/3/2016 | 10:54 GMT+7

Các buổi phỏng vấn thường bị hạn chế về thời gian. Kinh nghiệm của một lần đi xin việc cho tôi những bài học quý giá mà tôi thường vận dụng trong công tác tuyển dụng nhân sự sau này.

Năm 1986, tôi còn trong quân ngũ. Như các bạn cũng biết, quân đội thời bình không có nhiều việc để làm. Vì thế, những kỹ sư trẻ chúng tôi lúc đó thực sự chỉ làm việc một phần ba thời gian, còn lại thì chả khác gì những kẻ vô công rồi nghề. Chơi mãi cũng chán nên tôi rất muốn chuyển ra ngoài công tác.

Tôi nộp đơn xin việc vào một công ty nước ngoài. Bà Trưởng phòng Nhân sự trực tiếp phỏng vấn tôi. Bà hỏi tôi khoảng dăm bảy câu gì đó, câu nào tôi cũng không biết. Khi ấy, tôi quá chán nản và định đứng lên chào cám ơn rồi ra về.

Nhưng bà Trưởng phòng hỏi tôi: “Có điều gì anh muốn nói, mà tôi lại chưa hỏi không?"

Tôi lưỡng lự đứng lại. Đúng thế, có rất nhiều điều mình biết nhưng bà ấy chưa hỏi. Vì thế tôi trả lời: “Những gì bà hỏi thì rất tiếc là tôi không biết, nhưng tôi biết một số điều có thể có ích cho công ty bà”.

Bà Trưởng phòng khuyến khích tôi trình bày. Bà hỏi tôi giỏi môn gì nhất, điểm mạnh của tôi là gì? Cuộc phỏng vấn kéo dài thêm khá lâu. Kết quả, tôi được công ty này nhận vào làm việc.

Mặc dù, sau đó quân đội chưa cho tôi xuất ngũ nên tôi không có cơ hội để thử sức trong môi trường của một công ty nước ngoài, nhưng lần đi xin việc này cho tôi những bài học quý giá mà tôi thường vận dụng trong công tác tuyển dụng nhân sự sau này.

Tôi hiểu, một kỹ sư bình thường tốn không ít hơn 15 năm ăn học. Họ tích lũy được không ít kiến thức. Nhưng các buổi phỏng vấn thường bị hạn chế về thời gian. Các ứng viên thường chỉ có 15 phút để tự giới thiệu về bản thân mình, về 15 năm ăn học. Trong trạng thái hồi hộp căng thẳng, rất ít ứng viên đủ tự tin giới thiệu hết khả năng của mình cho nhà tuyển dụng. Vì vậy, phải giúp các bạn ấy thể hiện bản thân.

Tôi thường nói với họ, không biết việc A, B, C... cũng chẳng sao. Không ai biết hết mọi việc. Quan trọng là bạn có giỏi việc gì không? Công ty sẽ sử dụng bạn trong những việc mà bạn giỏi nhất. Vì thế các ứng viên không còn lo lắng về điểm yếu của mình. Tôi cho họ đủ thời gian để nói ra tất cả những ưu điểm của bản thân.

Và câu hỏi cuối cùng trong các buổi phỏng vấn luôn là câu tôi học được trong lần đi xin việc: “Có điều gì bạn muốn nói, mà tôi lại chưa hỏi không?"

>> Hãy viết ra nhận xét

Hoàng Minh Châu

Ý kiến

()