Chúng ta

Ăn và chơi

Thứ năm, 19/2/2015 | 09:08 GMT+7

Tôi chợt hiểu vì sao ngày đầu năm 2015, Google chọn Flappy Bird làm biểu tượng. Chợt hiểu tại sao Nguyễn Hà Đông có thể thành công một cách vang dội như vậy, làm cho cả ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam bất ngờ và thậm chí không tin.

Panem et circen - thành ngữ Latin này có nghĩa là Bánh mỳ và Giác đấu - được coi là phương châm quản trị mới của các hoàng đế La Mã.  Hệ thống chính trị nào cho dân chúng được hai điều đó là họ hài lòng, bất kể nguồn gốc, tư tưởng…

Tiếng Việt ta cũng có chữ rất hay tương tự là ĂN CHƠI. Ăn và Chơi là mơ ước của nhân dân từ bao đời nay. Đến giờ vẫn vậy thôi.

Trong lúc hàng tỷ người Á, Phi, Mỹ Latin vẫn còn đang vật lộn để tìm cái ĂN, thi thoảng mới dám CHƠI.

Thì có một đám đông không nhỏ dân chúng ở các nước phát triển cũng đang loay hoay đi tìm cái CHƠI khi đã quá đủ cái ĂN.

Nên không lạ là ngành công nghiệp giải trí phát triển rất mạnh mẽ ở các nước phát triển.

Tôi chợt hiểu vì sao ngày đầu năm 2015, Google chọn Flappy Bird làm biểu tượng. Chợt hiểu tại sao Nguyễn Hà Đông có thể thành công một cách vang dội như vậy, làm cho cả ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam bất ngờ và thậm chí không tin.

Trước Đông, tôi và rất nhiều tiền bối và chuyên gia CNTT ở  Việt Nam khác chỉ nghĩ CNTT là công cụ để giúp người ta thông minh hơn, tăng năng suất lao động... Work Smarter, Hạ tầng của hạ tầng… chung quy cũng chỉ để kiếm ĂN dễ hơn. Mà không hiểu rằng đó không phải là điều quan tâm hàng đầu của thế giới phát triển. Nên chúng tôi rất chật vật trong việc tìm đường đưa trí tuệ Việt Nam ra thế giới.

Thế giới đã thay đổi trong khoản chục năm gần đây. Smartphone bùng nổ. Game trên điện thoại di động không còn là vấn đề công nghệ. Họ dùng công nghệ để giải trí, chẳng khác gì nghe những ca khúc đằm thắm, hoặc những vở nhạc kịch đắt tiền…

Những trò chơi đơn giản như Flappy Bird đã đáp ứng đúng nhu cầu CHƠI của dân Mỹ, Nhật, châu Âu.

Flappy Bird không phải là một sản phẩm công nghệ mà là một sản phẩm giải trí. Người ta chơi nó, không khác gì nghe đi nghe lại một bản nhạc mà mình yêu thích. Vì thế mà Rolling Stones, một tạp chí hàng đầu thế giới về văn hóa, đã phải phỏng vấn Hà Đông bằng được.

Vì thế mà bảo tàng hàng đầu thế giới về Art and Design: Victoria and Albert Museum đã chọn Flappy Bird làm sản phẩm đại diện cho một dòng nghệ thuật mới.

Bằng trực giác của nghệ sĩ hiểu biết sâu sắc về công nghệ, Đông đã nắm bắt được đúng xu hướng đó. Nhưng điều làm tôi lạc quan hơn cả, đó là Đông, một người con bình thường của làng lụa Vạn Phúc, là một sản phẩm hoàn toàn của xã hội và nền giáo dục Việt Nam. Bởi thế tôi tin chắc chúng ta còn hàng ngàn, hàng vạn bạn trẻ tài năng như vậy trên khắp miền đất nước.

Hà Đông là tấm gương chỉ cho các bạn ấy một con đường khác để chinh phục thế giới.

Chúc các bạn trẻ Việt Nam một năm mới tràn đầy hứng khởi. Thi thoảng có thời gian về nhậu cùng chém gió là lũ già chúng tôi đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi.

Nguyễn Thành Nam

Phó Chủ tịch ĐH FPT

Ý kiến

()