Chúng ta

Ai sẽ là người toàn cầu hóa FPT?

Thứ hai, 3/2/2014 | 11:00 GMT+7

Cái chính là cần động lực.
Có động lực sẽ có người đi.
Có người đi, khắc sẽ có đường!

Trong một quán ăn ở Vientian, các bạn FPT ở Lào bảo: “Bọn em chứ còn ai làm. Các sếp toàn cầu hóa thế nào được!”.

Các bạn đó đều sinh năm 1985. Tuổi này tôi cũng đang tham gia toàn cầu hóa bằng cách áp tải thép từ Hải Phòng về 224 Đội Cấn (Hà Nội). Không khéo các bạn này nói có lý. Mình ngồi đây đâm thừa.

Về nhà liền tức tốc tra sách: Toàn cầu hóa (Globalization) là gì? Theo định nghĩa của Geneva Centre for Security Policy (19/6/2006), Toàn cầu hóa tạm dịch là động lực, phương thức, hậu quả của các chuyển động bao gồm cả người và vật có phạm vi xuyên văn hóa, xuyên quốc gia. IMF chia làm 4 loại chuyển động: Buôn bán hàng hóa, Đầu tư vốn, Di dân, Phân tán tri thức.

“Soi” lại mấy làn sóng toàn cầu hóa của ta. Tôi không được trực tiếp tham dự vào lần thứ nhất: Bán máy sang Liên Xô nên cũng không thực sự hiểu rõ lắm động lực là gì, nhưng có thể phỏng đoán là do “bản năng sinh tồn”. Tức là không có hợp đồng đấy có thể “ngoẻo”. Phương thức khá đơn giản: Mua của bạn mới, bán cho bạn cũ. Bạn mới hiển nhiên là đế quốc sài lang. Bạn cũ là các thầy cô đáng kính. Tóm lại là “buôn xuyên màn đêm”. Có kết quả gì không? Hiển nhiên. Olivetti, Rub chuyển nhượng, IBM… Công ty bắt đầu có hình hài quốc tế.

Rồi đến tháng 10/1998, chúng ta lại hô hào toàn cầu hóa. Động cơ của anh Bình là gì vậy? Tôi cũng không rõ lắm. Có vẻ vì tương lai đất nước, hay ít nhất là tôi nghĩ thế. Và rất đồng cảm. Còn động lực của tôi? Tôi cũng là một người thích đi. Từ năm 1995 đã bị anh em phần mềm phê là “đi nhiều hơn cả anh Bình”. Đối với tôi, động lực cho mỗi chuyến đi là một dịp va chạm với một nền văn hóa khác, để hiểu bản thân mình hơn.

Nhưng nếu ngẫm thật kỹ, có lẽ cũng tại bí. Đầu năm 1996, về Láng Hạ, chúng tôi có cả Đình Anh, Lâm Phương, Khắc Thành, Khánh “Hói”… Làm cái gì cũng chỉ nhoáy là xong. Hợp đồng 5-7 cái, sản phẩm gần một chục, TTVN nổi như cồn. Công nghệ làm chủ không thiếu thứ gì, kể cả Note lúc đó đang như Facebook bây giờ. Vậy mà cuối 1996 cũng chỉ có khoảng ba chục mống, công nghệ không biết áp dụng vào đâu. Đặt kế hoạch phấn đấu đến năm 2000 có doanh thu 1M mà thấy sao xa vời, bí rì. Khánh “Hói” bỏ đi, Đình Anh xin nghỉ. Anh Bình không quyết tâm xuất khẩu phần mềm có lẽ tôi cũng xin nghỉ.

Phương thức sản xuất lần này cũng khá rõ ràng: Bán sức lao động đã qua xử lý. Có thể liệt vào hạng “Phân tán tri thức”. Đến giai đoạn cuối, có phần bắt đầu di dân. Role Model cũng có luôn: Infosys. Lại một lần nữa chúng ta đã chọn đúng “người trong mộng”, như năm 1993 chọn IBM.

Kết quả lần này là lớn lao, có cả tá văn phòng nước ngoài, lâm vào mấy vụ kiện tụng, muốn đóng cũng không dễ. Ít nhất là một đơn vị thành viên không thể nào sống được nếu quay về chế độ cũ.

Năm 2010, anh Bình lại đề xuất chiến lược OneFPT trở thành tập đoàn kinh tế hùng mạnh. Tôi cố gắng thòng vào chữ “Toàn cầu”. Tập đoàn toàn cầu hàng đầu Việt Nam. Nhưng thú thật lúc đấy, tôi chỉ nghĩ là cái chữ đó không có thì không được, cũng chưa thực sự nghĩ sâu là phải làm thế nào.

Bẵng đi một thời gian, không có gì mới. Rồi anh Bình tuyên bố “Việt Nam hết chỗ, phải đi”. Có ai tin điều đó không? Động lực là gì? Ai đi? Phương thức nào: Di dân, đầu tư hay tổng hợp? Quá nhiều câu hỏi.

Lại quay ra chuyện Tây. Châu Âu khám phá ra châu Mỹ. Năm 1492, Hoàng gia Tây Ban Nha cấp cho Columbus ba con thuyền: Santa Maria, Pinta và Nina theo điều kiện của ông đưa ra, kèm theo thời hạn một năm và chức danh “Great Admiral of the Ocean”, đồng thời là Thống đốc của tất cả các vùng đất mà ông phát hiện được cùng 10% thu nhập từ các vùng đất đó.

Hoàng gia Tây Ban Nha đồng ý tất cả các điều kiện trên, cộng thêm được quyền đề xuất ba người cho triều đình lựa chọn một, cho mọi vị trí chính và mua thêm 1/8 lợi ích của bất cứ doanh nghiệp nào trong các vùng mới. Đến 1499, Columbus mang về cho Tây Ban Nha 1.700 hòn đảo kèm theo bộ máy chính quyền cai trị.

Hãy thử gọi tên cho chính xác làn sóng Toàn cầu hóa lần này của FPT.

Tại sao phải đi?

Bản thân tôi cũng đang phải tự hỏi mình. Không thể nói khoác là nền giáo dục đang ngắc ngoải, cần ra đi tìm đường cứu nước vì tôi đâu có kinh nghiệm gì về giáo dục. Tôi cũng không phải là vua để có thể xua quân mở mang bờ cõi.

Tại sao anh Lê Trường Tùng lại quyết tâm toàn cầu hóa Đại học FPT? Làm một điều rõ ràng là không tưởng. Anh thực sự nghĩ là trong nước không còn cửa hay anh đang muốn vượt mặt một trường nào đó? Hay đơn giản anh “ăn phải bả” marketing của QS? Là gì cũng được, chỉ có điều nó phải rất mạnh thì mới đi tiếp được.

Nhìn sang bên ‘hàng xóm’

FPT Trading, FPT Telecom có vẻ coi toàn cầu hóa nhẹ nhàng. Tiện tay dắt dê. Cáp đã kéo đến biên giới Campuchia, thêm tí nữa là có thị trường mới. Hạn mức tín dụng Ngân hàng cấp đang thừa, chấp nhận tí rủi ro, coi ông bạn Myanmar cũng như một đại lý mới nên họ hành xử đơn giản, không đao to búa lớn. Làm đến đâu có tiền đến đó. Chắc khó khăn lại rút về. Cũng là một con đường.

Ai sẽ đi?

Columbus là ai? Là những nhà thám hiểm thành danh, tự tin đến mức “liều”, chỉ xin tối thiểu để được cái tối đa và sẵn sàng đánh đổi bằng sự nghiệp của mình.

Tôi không nghĩ chúng ta thiếu Columbus. Cứ cho là 1.000 người mới có một thì chúng ta cũng phải có ít nhất 15 bạn. Tôi chỉ biết FPT Software. Có thể là Hoàng Nam Tiến, cũng có thể là Bùi Hoàng Tùng hay Trần Xuân Khôi, Bùi Thiện Cảnh? Các đơn vị khác, chắc cũng không ít.

Thủy thủ đoàn: Rõ là không thiếu

Trước đây đã có Quách Liễu Hoàn xung phong nhận FPT Japan khi các anh đang bí. Giờ thì em Mơ, Trưởng phòng Non-degree của Đại học FPT. Chấp nhận đi làm chỉ để hỗ trợ chồng thoát khỏi “phá sản”. Vậy mà “dụ” được cả trăm sinh viên Thái sang Việt Nam học, kể cả học tiếng Anh.

Tôi cũng rất thích Nguyễn Hữu Huynh, FPT IS ở Lào, lụi cụi một mình mỗi năm cũng kiếm trên triệu đô. Em chỉ có một ước mơ là được cấp tiền mua ôtô, để khỏi phải gửi xe máy ở xa rồi đi bộ đến chỗ khách hàng.

Phương thức nào?

Để chiến dịch lần này thành công, chắc chắn cần phải đến nhưng dòng chảy cực lớn về nhân lực và đầu tư. Tuy nhiên cá nhân tôi không cho đó là vấn đề chính. Cái chính là cần động lực. Có động lực sẽ có người đi. Có người đi, khắc sẽ có đường!

Nguyễn Thành Nam

Ý kiến

()