Chúng ta

Điểm trường của những giáo viên tay lái cứng

Thứ năm, 1/7/2021 | 09:20 GMT+7

Trên hành trình vào điểm trường Huổi Lếch (Sơn La) nhìn thấy ai ngồi ôm gối khóc giữa đường, người dân sẽ biết ngay đó là cô giáo từ vùng khác mới lên.

“Chắc chắn đó là một ngày mưa, bên cạnh sẽ là chiếc xe máy bết bùn, đổ trỏng trơ, đất đóng đặc hai bánh xe, và áo quần các cô cũng thế”, thầy Tòng Văn Hoài, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đứa Mòn, huyện Sông Mã, kể về những cô giáo mà chỉ nhìn qua thầy cũng biết mới chuyển từ nơi khác đến.

Quãng đường từ Hà Nội lên xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, là 395 km, Google Map xác định nếu đi ôtô chừng 9 giờ 27 phút. Thực tế, để gặp thầy Hoài ở trung tâm xã Đứa Mòn, người từ Hà Nội lên cần gấp rưỡi thời gian đó. Và con đường 15 km vào bản Huổi Lếch sẽ không xuất hiện trên bản đồ.

Bản Huổi Lếch nằm xa trung tâm xã Đứa Mòn nhất, hầu như cả năm không có người tới thăm, trừ cán bộ xã và giáo viên. Hành trình đến bản trải qua những con đường như bị bửa làm đôi, lộ ra vết nứt rộng hoác, sâu hun hút. Thời gian di chuyển tùy thuộc vào thời tiết mưa hay nắng, người đi xe máy tay lái yếu hay chắc, có thể là một giờ, nhưng cũng có hôm kéo dài gấp đôi, ba lần.

Đàn ông địa phương như thầy Hoài nghĩ đến việc vào Huổi Lếch đôi khi cũng nản lòng. 15 năm dạy học là chừng ấy năm chiếc xe máy cũ đi cùng thầy, nhưng ít khi chạy số 3, số 4. Nhiều hôm gặp cơn mưa rừng bất ngờ, thầy cũng phải vứt lại xe hỏng giữa đường, rồi cuốc bộ vào bản.

“Trường tiểu học Đứa Mòn có 7 điểm trường với 1.110 học sinh và điểm trường ở bản nào cũng khó khăn”, thầy Hoài nói. Tuổi trẻ của thầy và đồng nghiệp là những ngày đi về hàng chục cây số đường rừng giữa nhà và trường học.

Con đường “tử thần” đôi khi thích thử thách những tay lái non, khiến cả xe và người lăn xuống chân núi. “Lúc đó còn sớm quá, gọi dân cứu mà không có ai”, một cô giáo ứa nước mắt nhớ lại mùa đông 3 năm trước. Một mình dưới vực sâu, chân tay đau nhừ, ngồi khóc chán, cô lại bám cây trèo lên mặt đường.

Nhưng cũng có những đợt họ bất đắc dĩ phải ở lại điểm trường vài ngày đến vài tuần vì mưa lớn, duy trì cuộc sống bằng ngọn lửa đi xin của người dân và rau, gạo của phụ huynh trong bản. Ngày điện chưa về, điện thoại chưa có, các thầy cô đêm nằm nghe mưa xối vào trong mái tranh dựng tạm, trong ngoài đều tối om, nước hắt lóng bõng dưới nền đất.

Năm học vừa qua, điểm trường Huổi Lếch chỉ còn 39 trẻ, trong đó 21 đứa học lớp 1, còn lại lớp 2. Thầy Hoài vận động phụ huynh cho các cháu ra điểm trung tâm học ở những phòng học xây gạch kiên cố như các anh chị lớp 3-5, nhưng bố mẹ chúng lắc đầu “xa xôi lắm, các thầy cố gắng vào đi”.

“Không chuyển được ý phụ huynh thì thầy cô chiều theo ý họ”, thầy Hoài nghĩ. Năm 2017, khi được phân làm Hiệu trưởng Tiểu học Đứa Mòn, quyết định đầu tiên của thầy Hoài là hội ý cùng các thầy giáo trong trường, ưu tiên không phân công nữ đồng nghiệp giảng dạy ở điểm trường Huổi Lếch.

Từ đó, ở lớp học cheo leo chỉ nghe tiếng các thầy dạy cho tụi trẻ từ múa, hát Quốc ca đến biết đọc, biết viết được tên mình. Có người thắc mắc điều gì khiến các thầy kiên trì với công việc này, thầy Hoài quay xuống đám trò mặt mũi lấm lem, đáp lại không nghĩ ngợi: “Học trò của mình mà, mình không đến thì cũng sẽ có thầy cô khác tình nguyện đến thôi”.

Điểm trường Huổi Lếch, nơi 39 thầy trò dạy học mỗi ngày, dễ khiến khách lạ liên tưởng đến những lớp học chiến khu giữa rừng, trong sách lịch sử, chụp phim đen trắng. Những chiếc bàn học bốn ngăn, mặt bàn dốc, lồi lõm, thủng từng mảng. Chúng được xin từ điểm trường khác, hoặc do bố mẹ tụi nhỏ góp gỗ đóng chung, chẳng theo quy cách nào, chiếc cao chiếc thấp. Học sinh phải chọn chỗ mặt bàn ít thủng nhất, đặt vở lên đó viết, hơi tì mạnh là chân bàn lại cập kênh.

Huo-i-Le-ch-1-8796-1625105835.jpg

Học sinh lớp 1 ở điểm trường Huổi Lếch kê vở viết trên mặt bản gỗ đã thủng. Ảnh: Thanh Lam

Người Huổi Lếch gọi nơi đó là lớp học, song thực ra là nhà văn hóa cộng đồng. Dạo mới dựng lên, ngôi nhà quây bằng gỗ là kiến trúc khang trang nhất bản Huổi Lếch. Sau nhiều năm, các ván thấm nước, đen mục, dân bản vá víu lại.

Lớp học chưa có, trẻ con Huổi Lếch phải sang điểm trường khác học nên nhà văn hóa được ngăn đôi, trở thành nơi cho tụi nhỏ mượn làm lớp. Những người già nhất bản cũng không nhớ nó trở thành điểm trường mượn từ khi nào.

Lớp học xập xệ, con cháu học hành vất vả, nhưng dân bản Huổi Lếch không thể giúp gì hơn vì nghèo. Trong ký ức của ông bố 30 tuổi Ly A Nao, mùa thu năm 1997, chính tại căn chòi quây liếp, lợp rạ ở mỏm đất cao đầu bản ấy, anh đã viết những chữ đầu đời. 23 năm sau, đến lượt con gái Nao, hạ tầng ấy hầu như không thay đổi. Hai đời cha con họ đã ngồi học cùng một mái trường đi mượn.

Vợ chồng Nao và Phúa là số ít người trong bản đi học hơn lớp 12. Trong căn nhà nền đất rộng chừng bốn cái giường đôi chập lại của vợ chồng trẻ và 2 con gái, ngoài những bộ quần áo trẻ con và máy khâu của Phúa đặt ở góc, thứ quý nhất là mấy quyển giáo trình ngành y từ thời học trung cấp tại thành phố Sơn La. Mười năm qua Nao không nỡ vứt đi. Lúc rảnh, Nao mang ra đọc cho đỡ quên.

Học hết trung cấp, chưa kịp xin việc làm, đôi trẻ cưới nhau, hai đứa nhỏ lần lượt ra đời. Các đợt tuyển viên chức của trạm y tế xã, vợ chồng Nao lại cắm cúi cùng nhau ôn tập, thi cử, nhưng chỉ tiêu có hạn. Ngắm lại chồng sách vở cuối nhà, Nao và Phúa chẹp miệng, nhớ tiếc, nhưng nỗi lo cơm áo cuốn họ đi.

Mùa lúa năm kia gặp đúng kỳ hạn, nửa năm trời công chăm bón, vợ chồng Nao chỉ thu được 6 bao thóc. Đứa con nhỏ khi ấy vừa 2 tuổi, Nao dặn vợ ở nhà cố chăm con, để mình theo bạn bè xuống Hà Nội kiếm việc làm. Được 9 tháng thì dịch bệnh ập tới, Nao khăn gói về Sơn La.

Tháng lương cuối, hơn 4 triệu đồng, cũng là khoản tiền lớn cuối cùng ông bố được cầm trong suốt năm qua. Những ngày túng thiếu lại bắt đầu. Nao cùng vợ lên nương trông sắn, đến mùa thu hoạch, xắt lát phơi khô và mong giá mỗi cân đừng xuống dưới 4.000 đồng.

Mỗi sáng, Phúa lên nương sớm, Nao gửi đứa bé vào lớp mầm non, rồi thả con lớn vào học lớp 1. Đứng dưới dốc nhìn lên hai phòng học mượn liêu xiêu, Nao thấy buồn. Những ông bố Mông nghèo như Nao thi thoảng đi quanh hai phòng học, xem ván gỗ nào mục thì thay, đến mùa mưa gió thì rủ nhau góp tiền mua bạt, chằng chống lại mái trường.

Thi thoảng thầy giáo phải ngủ lại vì mưa, họ đến hỏi han, ấn vào tay thầy dúm gạo, bó cà xanh hay quả trứng, mong thầy không vì xa mà bỏ con cái họ.

Huo-i-Le-ch-2-6275-1625105835.jpg

Điểm trường Huổi Lếch, thuộc trường Tiểu học Đứa Mòn. Ảnh: Thanh Lam

Bạn bè cùng lứa với Nao đã nghỉ học từ lớp 5, đã làm ăn tích luỹ, giờ có trâu có bò có nhà. Hỏi Nao “đi học cao nhưng lại nghèo hơn bè bạn thì học làm gì?”, mắt ông bố sáng lên, khoe “cả bản này, chỉ có vợ chồng em là dạy kèm được con học đấy. Bọn em khổ, con bọn em sẽ bớt khổ. Nhà không còn bao sắn, nhưng con em phải được học hết mới thôi”.

Nao vẫn đọc lại sách, chuẩn bị hồ sơ cho lần thi viên chức tiếp theo. Anh bảo, đi Hà Nội làm thuê được nhiều tiền đấy, nhưng phí ba năm học, cũng không giúp gì được cho quê mình. Tối tối, bốn vợ chồng con cái vẫn chụm đầu quanh bàn học của gái lớn, xem nó viết chữ, đánh vần.

Nao quyết cho hai đứa học hành tử tế, nhưng vẫn thấp thỏm “chỉ sợ đường sá, trường lớp khổ quá, các thầy sẽ không vào dạy chúng nó nữa”.

Huổi Lếch là điểm trường tiếp theo Quỹ Hy vọng, do FPT và VnExpress vận hành, mong muốn xây dựng, thuộc chương trình “Ánh sáng học đường” nhằm cải thiện môi trường học tập cho trẻ em vùng cao. Sự đóng góp của bạn đọc, dù nhỏ, sẽ góp phần thêm những viên gạch hồng thay thế các lớp học ván gỗ xiêu vẹo. Bạn đọc có thể xem thêm chương trình và ủng hộ tại đây.

Thanh Lam

Ý kiến

()