Chúng ta

Trưởng thành từ cuộc thi SMAC Challenge

Thứ ba, 20/10/2015 | 10:27 GMT+7

Vũ Văn Tường, đại diện đội IT PTIT, Học viện Bưu chính viễn thông, đã nắm bắt được nhiều công nghệ mới để áp dụng vào các dự án trong tương lai của mình, nhờ tham gia cuộc thi viết ứng dụng do FPT tổ chức.

Chiến thắng thuyết phục 2 trong số 3 nội dung thi gồm Khởi động và Tăng tốc, Tường và nhóm bạn cùng trường đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Mobile Robot Challenge 2013. Mobile Robot Challenge là cuộc thi lớn nhất mà Tường từng tham dự. Chính vì điều đó, sau khi cuộc thi kết thúc, cậu nhận ra những kiến thức công nghệ quá rộng lớn và luôn nỗ lực học tập tìm hiểu các xu hướng để chuẩn bị hành trang cho mình khi tốt nghiệp sau này.

"Nhiệm vụ chính của em khi ấy là xây dựng một bài nhảy cho robot. Sau nhiều ngày tìm hiểu, em quyết định đi tới ý tưởng bài nhảy múa nón kết hợp với nhảy đương đại. Khá bất ngờ bài nhảy của mình lại được đánh giá cao và điều đó làm em rất vui khi ý tưởng của mình được biến thành hiện thực", Tường nhớ lại.

Vũ Văn Tường (áo trắng ngoài cùng bên phải) đã học hỏi được nhiều kiến thức từ cuộc thi do FPT tổ chức.

Vũ Văn Tường (áo trắng ngoài cùng bên phải) đã học hỏi được nhiều kiến thức từ cuộc thi do FPT tổ chức. Trong ảnh là cuộc thi năm 2013, đội của Tường giành được giải Nhất. Ảnh: Nguyên Anh.

SMAC Challenge 2015 là lần thứ ba Tường tham dự. Năm ngoái, vì lý do sức khỏe nên cậu đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ các bạn trong nhóm, nhưng kết quả thì chưa như mong đợi.

Thành công từ cuộc thi trước không tạo ra áp lực đối với chàng sinh viên năm cuối của của Học viện Bưu chính viễn thông, bởi mục đích chính của Tường là được ôn lại kỷ niệm cũ và được thỏa mong ước trải nghiệm tại các công trình của FPT ở Hòa Lạc.

Theo Tường, tham gia cuộc chơi nào cũng cần có sự "đầu tư" ngay từ ban đầu. Với SMAC Challenge, Tường chỉn chu từ khâu chuẩn bị như tìm các thành viên phù hợp với đội, xác định công việc của từng người. "Mỗi một năm, cuộc thi sẽ có chủ đề khác nhau, việc họp mặt các thành viên, xin sự tư vấn từ các thầy giáo hoặc người có kinh nghiệm để tìm ra ý tưởng cũng phải được chú trọng", cậu chia sẻ.

Năm nay, IT PTIT đăng ký hai ý tưởng là Nhà bếp thông tháiHỗ trợ người bị bệnh tiểu đường, hô hấpCả hai ý tưởng này là một phần trong đồ án tốt nghiệp của các thành viên trong đội. Với kinh nghiệm đi trước, Tường là người hỗ trợ và kết hợp ý tưởng đồ án của các bạn lại để thành một chủ đề chung. "Xuất phát từ việc khi có vùng dịch, việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh gặp nhiều khó khăn và dễ lây lan. Thay vào đó, một phần mềm nhận dạng tiếng ho sẽ giúp bác sĩ nắm bắt được tình trạng của người bệnh", Tường nói.

IT PTIT dự kiến triển khai cả hai ý tưởng trước khi đi đến quyết định lựa chọn cuối cùng. Quá trình này sẽ giúp cả nhóm có động lực tốt hơn để hoàn thành đồ án tại trường, cũng như có thêm trải nghiệm khi áp dụng lý thuyết vào thực tiễn.

Đam mê công nghệ từ nhỏ, thích thú với nhưng xu hướng mới, Tường đã cho ra đời nhiều ý tưởng và biến nó thành hiện thực. Năm 2013, cùng với việc tham gia cuộc thi robot do FPT tổ chức, chàng trai trẻ cũng đã hoàn thành phần mềm tin nhắn điện thoại miễn phí (Magic SMS) cho người dùng. Theo đó, người nhận tin không cần bật kết nối mạng và cũng không cần cài bất kỳ phần mềm nào để sử dụng. Ứng dụng này của Tường đã có mặt trên chợ ứng dụng Playstore. Dù chưa được quảng bá rộng rãi nên số người tải mới dừng lại ở con số gần 500, nhưng app này được đánh giá 5 sao.

"Từ sau cuộc thi Mobile Robot Challenge, em đã có thêm kiến thức và nắm bắt được nhiều xu hướng công nghệ mới. Những ý tưởng khi tham gia cuộc thi cũng giúp cho em rất nhiều trong đồ án của mình từ lên ý tưởng đến động lực triển khai", Tường nhận định.

Nói về tương lai, ước mơ của Tường sau này là xây dựng một thành phố sinh thái, nơi mọi người có thể vui chơi và học tập.

"Trong đợt thực tập vừa rồi, trên đường đến công ty, em chứng kiến khá nhiều cảnh kẹt đường cũng như ô nhiễm môi trường. Hay khi đi chơi, mọi người thường khó tìm kiếm một khu vui chơi bổ ích. Một trong những nguyên nhân là do nhận thức của người dân chưa tốt. Để có một không gian trong lành và thoải mái, em muốn xây dựng một hệ sinh thái xanh, sạch, đẹp", đội trưởng IT PTIT chia sẻ.

Trước mắt, Tường vẫn phải hoàn thành nốt chương trình học tại trường. Cậu mong muốn, sau này sẽ mở một công ty  riêng để thực hiện dự án. Tuy nhiên, kiểm tra tính hiện thực của thành phố sinh thái, Tường dự định xây dựng một thành phố ảo dưới dạng game 3D. Để đưa được hết các tuyến phố và con đường của Hà Nội sẽ mất khoảng 3-5 năm và cần nhiều chi phí. Tường bảo, cậu sẽ cố gắng kiếm thật nhiều tiền để hoàn thành dự định này.

Tô Ngà

Ý kiến

()