Chúng ta

Giới công nghệ phản ứng khi Mỹ ngừng cấp visa lao động

Thứ tư, 24/6/2020 | 10:05 GMT+7

Tổng thống Donald Trump vừa gia hạn sắc lệnh ngừng cấp visa lao động, trong đó có loại thị thực cho nhóm công nghệ cao, đến Mỹ, nhằm bảo vệ việc làm sau đại dịch.

Ngày 22/6, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh mở rộng chủ trương ngừng cấp visa lao động cho người nước ngoài ít nhất đến cuối năm 2020, bao gồm visa L-1 và H-1B vốn được các tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Mỹ sử dụng nhiều cho lao động nước ngoài, theo CNN.

Các thị thực lao động tạm thời bị đóng băng bao gồm visa H-1B, loại thường được cấp cho lao động ngành công nghệ và gia đình họ, visa H-2B cho lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp theo mùa vụ, visa J-1 cho lĩnh vực trao đổi văn hóa và visa L-1 cho quản lý và nhân sự then chốt trong các tập đoàn đa quốc gia.

Lý do của ông Trump là bảo vệ công ăn việc làm cho nhân sự Mỹ khi hàng chục triệu người đã thất nghiệp do dịch Covid-19. Theo một quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ, quyết định này sẽ giúp tạo 525.000 việc làm cho người lao động Mỹ từ nay đến cuối năm 2020.

xe2-RNAQ-7314-1592967834.jpg

Bên ngoài văn phòng Google. Ảnh: timescolonist

Theo đó, đến tháng 12/2020, các hồ sơ xin cấp thẻ xanh mới được xem xét phê duyệt. Việc cấp các loại thị thực làm việc như H-1B cho các đối tượng lao động người nước ngoài tại các công ty công nghệ, H-2B dành cho lao động nông nghiệp tạm thời, cũng như các đối tượng khách trao đổi, người lao động chuyển nhượng giữa các công ty, đến cuối tháng 12 mới được nối lại.

Điều này đồng nghĩa những người hết hạn thị thực trong khoảng thời gian này sẽ buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động và rời Mỹ.

Kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn dần mở cửa trở lại, nhưng các nhà kinh tế dự báo tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.

CNN cho biết, sắc lệnh của Tổng thống Trump sẽ có hiệu lực từ hôm nay - ngày 24/6. Viện Chính sách di trú có trụ sở tại Washington DC, ước tính khoảng 219.000 lao động nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng, tức không thể đến Mỹ làm việc.

Các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là nhóm công nghệ vốn phụ thuộc vào lao động nhập cư trình độ cao, lên án chính sách trên là sự cản trở đối với phát triển và sáng tạo.

"Nhập cư đã đóng góp lớn cho thành công kinh tế của Mỹ, biến đất nước thành lãnh đạo toàn cầu về công nghệ, và giúp Google trở thành một công ty như ngày nay. Chúng tôi thất vọng vì tuyên bố của tổng thống, chúng tôi sẽ tiếp tục đứng về phía người nhập cư và mở rộng cơ hội cho tất cả", CEO Google - Sundar Pichai viết trên Twitter ngay sau thông báo của Nhà Trắng.

Cùng quan điểm, bà Jessica Herrera-Flanigan, lãnh đạo bộ phận chính sách công của Twitter, chia sẻ: "Sắc lệnh sẽ gây hại cho tài sản lớn nhất của nước Mỹ: sự đa dạng. Đơn phương đóng cửa một cách không cần thiết đối với nguồn tài năng tay nghề cao là hành động thiển cận, gây hại sâu sắc cho sức mạnh kinh tế của Mỹ".

Trong khi đó, Amazon gọi động thái này là "thiển cận", cho rằng việc ngăn cản những người có chuyên môn, kỹ năng cao đến và cống hiến cho sự hồi phục của kinh tế Mỹ "gây rủi ro cho sức cạnh tranh toàn cầu của Mỹ".

Hiệp hội Internet Mỹ (bao gồm các thành viên Amazon, Google, Facebook, Microsoft, Twitter, Uber, Paypal) thì tỏ ra quan ngại khi chương trình visa H-1B bị ông Trump đưa vào tầm ngắm. "Các lao động mang visa H-1B đã giúp nước Mỹ tạo thêm công ăn việc làm, đưa kinh tế phát triển. Mọi ngành nghề đều có lợi nhờ những cá nhân giỏi nhất, không quan trọng họ đến từ đâu" - hiệp hội này ra thông cáo.

Theo Guardian, Mỹ cấp 85.000 thị thực H-1B mỗi năm cho người "có kiến thức chuyên môn cao" và điều kiện tối thiểu phải có bằng cử nhân, thường trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, giảng dạy và kế toán. Các nhà phê bình cho rằng những công ty công nghệ cao đã sử dụng visa làm công cụ thuê mướn lao động nước ngoài nhằm thay thế người Mỹ.

>> myFPT trên đường trở thành ‘siêu ứng dụng’ công sở

Hải Ninh

Ý kiến

()