Chúng ta

FPT - Từ nhà ra phố

Thứ tư, 21/2/2007 | 21:37 GMT+7

“Anh bị bọn Tây nó lừa rồi!”. Đó là nhận xét của Nam già với anh ChâuHM trong buổi bảo vệ chiến lược truyền thông của FCC hôm vừa rồi. Ờ, mà có khi mình bị nó lừa thật! Tây nó đang lừa cả lũ ngoài phố: nào là VNPT, nào là Viettel, nào là EVN Telecom mà chẳng thấy ai làm sao cả. Nhìn quanh nhìn quẩn lại thấy yên tâm cứ để cho Khoai Tây nó lừa. Lại tự an ủi, nó lừa sao được mình. Mình thuê toàn là Tây xịn, chứng tỏ Thương hiệu FPT đang được lãnh đạo thực sự chú trọng bảo vệ và phát triển.

Cũng đúng thôi! Trị giá của FPT bây giờ xấp xỉ 2 tỷ USD. Cộng tất tần tật những gì đếm được, sờ được, cầm được chỉ vẻn vẹn có hơn 100M; rộng rãi ra thì cứ cho là 200M. Vậy là có đến 90% còn lại thì bồng bềnh đâu đó trong vốn cộng đồng, trong đội ngũ nhân viên, trong STCo, trong suy nghĩ của người tiêu dùng, trong tên tuổi và uy tín FPT, trong… tương lai và chẳng có ai có thể gìn giữ và bảo vệ nó như những vật hữu hình.

Và cũng bởi vô hình, nó là thứ khó bảo vệ hơn những cái hữu hình rất nhiều lần dẫu chúng ta đã xây dựng thành công thương hiệu này với số kiến thức thương hiệu đáng gọi là ít ỏi.

Hàng loạt các sự kiện lớn của FPT trong năm 2006 như mua bản quyền WC2006, TPG-Intel Cap mua 10% CP FPT, Đại học “tự chủ” FPT, lên sàn đã làm náo động thiên hạ. Bà con ngoài phố quan tâm ghê lắm. Các nhà đầu tư thì hàng tuần đọc báo Chúng ta chăm hơn cả nhân viên FPT. Các bậc cha mẹ mong ngóng những tín hiệu tốt từ Đại học FPT. Cộng đồng thấy bọn FPT giàu có, người tiêu dùng mong đợi nhiều hơn từ một công ty niêm yết, báo chí săn lùng các anh… Nói chung là những ngày ẩn dật đã qua.

Lại thấy các anh “bị” vào danh sách những người giàu nhất Việt Nam thấy cũng thương thương, lo lo. Kể từ bà bán nước đầu phố đến hội mát-xa chân đều biết các anh có bao nhiêu CP. Nhưng nghĩ lại cứ thấy tự hào thế nào ấy. Hôm vừa rồi có ông bạn hồi phổ thông gọi điện, xanh rờn một câu: “Mày bây giờ triệu phú rồi, mấy năm trước kiểu gì mày chẳng mua được khoảng 500tr, bây giờ gấp 60 lần là 30 tỷ rồi”. Sững sờ cả người nhưng cũng không khỏi cảm giác lâng lâng. Bà con đều nghĩ bọn FPT giàu thật.

Giờ còn đâu những ngày ăn tục nói phét mà không phải suy nghĩ? Không gian của chúng ta giờ đâu còn chỗ cho “bập bập”? Mỗi hành động của người FPT giờ đây đều bị xã hội quan sát, theo dõi và quy kết. Hơn 7,000 người FPT đã trở thành những điểm nóng và chính họ sẽ trở thành những người đầu tiên bảo vệ hoặc phá bỏ một thương hiệu giờ có giá trị hàng tỷ đô-la Mỹ như cách tính ở trên.

Lũy tre làng giờ đã ở sau lưng. Chúng ta đang ở giữa phố đông, nơi cơ hội thì nhiều mà cạm bẫy cũng lắm. Thất bại của các công ty không giống nhau nhưng có không ít công ty đã suy sụp do thương hiệu bị phá hỏng. Nike từng đã phải chi hàng chục triệu USD nhằm khôi phục thương hiệu khi bị người tiêu dùng Mỹ tẩy chay vì mấy cái nhà máy gia công giầy cho họ do người Đài Loan mở ở Việt Nam bị quy kết là “bóc lột công nhân Việt Nam”.

Chúng ta giờ phải ý thức khác, làm khác: bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn trong mỗi dự án, mỗi kế hoạch của mỗi đơn vị và thậm chí là hành động của mỗi FPTer. Không còn xa lạ nữa khi nhận định về mỗi hành động của chúng ta giờ là những câu đại loại: “Bọn FPT đấy...”.

Không phải ngẫu nhiên mà ngân sách hàng năm cho FCC giờ đây là lên tới con số hàng triệu đô-la Mỹ. Khối lượng công việc khổng lồ vì một giá trị thương hiệu cũng khổng lồ. Nỗi lo công việc dù vậy chẳng lớn bằng nỗi lo phải cấp tốc giải quyết những vụ media crisis có thể xảy ra bất cứ lúc nào, có khi chỉ vì sự vô ý của ai đó.

Chiến tranh nhân dân đã thực sự bắt đầu, kể từ hồi chuông lên sàn ngày nào. Cái nghiệp nó phải thế rồi, có muốn lùi vào ẩn dật cũng không được nữa. Ai có súng thì dùng súng, ai có “cổ” thì dùng “cổ”. Thôi thì cứ WeGục thôi!

Ý kiến

()