Chúng ta

Bộ tứ công nghệ mê ‘chăm sóc trẻ’

Thứ năm, 17/12/2015 | 12:26 GMT+7

Ý tưởng lớn gặp nhau, bốn chàng trai trẻ của đội 3TM từ ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP HCM) đã cùng tạo nên một ứng dụng hữu ích chăm sóc trẻ. Ứng dụng này là một trong bốn sản phẩm tranh tài tại chung kết SMAC Challenge năm nay. 

Ứng dụng "Mimi - Người máy giao tiếp", được điều khiển bằng giọng nói. Dựa trên số liệu do chính người dùng cung cấp, Mimi giúp gia đình theo dõi sự phát triển của bé, tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý, tra cứu những triệu chứng, cách phòng bệnh cho bé… Ứng dụng nhắm đến đối tượng khách hàng là những bậc phụ huynh còn trẻ.

Ý tưởng không tự nhiên mà có. Cả nhóm phải ngồi họp bàn với nhau tìm một sản phẩm ưng ý để cùng phát triển. Trong lúc thảo luận có thể làm gì, Tạ Văn Minh và Trần Văn Vũ Toàn gặp nhau ở suy nghĩ tạo nên ứng dụng chăm sóc trẻ. Không chần chừ thêm, cả nhóm bắt tay vào thực hiện.

“Lúc đầu tôi chỉ có ý định làm ứng dụng đọc truyện và trông trẻ nhưng lại nảy thêm nhiều sáng tạo khác nên dần định hình được Mimi. Không ngờ là khi thi có đội khác đã làm app tương tự nên chúng tôi không phát triển ý tưởng này nữa”, Minh bật mí. Bỏ thì cũng hơi tiếc nhưng chàng sinh viên khẳng định không muốn trùng lập ý tưởng nên đã không thêm vào chức năng thú vị ấy cho ứng dụng.

DSC-2217-JPG-6782-1450259734.jpg

4 chàng sinh viên của đội 3TM trong ngày thi Bán kết. Họ là hai cái tên ở TP HCM lọt vào Chung kết SMAC Challenge 2015. Ảnh: Hà Dương

“Sau khi bàn bạc, cả nhóm muốn tạo một ứng dụng có thể giúp mẹ quan sát, chăm sóc bé từ xa. Nhưng qua thời gian phát triển thì nội dung đã thay đổi như hiện tại”, trưởng nhóm Lê Văn Tiên cho hay. Trong thời gian đó, 4 thành viên đã phân chia công việc cụ thể. Trần Thạch Thảo đảm nhiệm tìm dữ liệu, Tiên và Minh viết ngôn ngữ AIML trong khi Toàn thực hiện công việc lập trình ứng dụng.

Nghĩ ra ý tưởng đã không dễ thì khi bắt tay vào làm lại càng khó hơn. Tất cả thành viên trong nhóm hầu như chưa bao giờ chính thức thực hiện các dự án lớn nào ngoài những môn học ở trường. “Trở ngại lớn nhất là tiếp cận công nghệ mới vì cái gì mới cũng khó hết”, Minh chia sẻ. Trong khi đó, Tiên nói cái khó là ở chỗ 3TM chọn nền tảng Android để phát triển nhưng chỉ mỗi Toàn là từng tiếp xúc qua. “Nhóm phải bỏ ra 2 tuần để hoàn thiện ý tưởng, học công nghệ. Sau đó chỉ có một tuần thực hiện phần mềm”, Toàn phân bày.

Tính năng chính của “Mimi - Người máy giao tiếp” là theo dõi sự phát triển và bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Các giải pháp cụ thể được đưa ra gồm đánh giá sự phát triển của bé dựa vào số liệu mẹ cung cấp (chiều cao - cân nặng), gợi ý chế độ dinh dưỡng theo từng giai đoạn, giúp mẹ tra cứu các triệu chứng bệnh thường gặp ở trẻ và cách phòng tránh.

Các công nghệ được 3TM áp dụng có nhận dạng giọng nói tiếng Việt của Google (Google Speech Recognition), tổng hợp giọng nói (Text To Speech) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên AIML.

“Thú thật là trước vòng 2, sản phẩm trông rất kỳ. Sau đó, qua từng vòng cả đội đã tút tát toàn diện cho ứng dụng của mình”, Minh thành thật cho biết. Trong buổi thuyết trình ở các vòng trước, sản phẩm của 3TM được Ban giám khảo đánh giá khá tiềm năng nhưng vẫn còn một số thiếu sót. Tuy nhiên, vượt qua từng vòng thi cho đến trước khi chung kết chính thức diễn ra, 4 thành viên khá hài lòng với sản phẩm của đội mình mặc dù cũng lo lắng trước 3 đối thủ còn lại.

DSC-3042-JPG-8115-1450259735.jpg

3TM giới thiệu sản phẩm trước Ban giám khảo tại vòng 2. Ảnh: V.N

Đây là cuộc thi lớn đầu tiên mà các sinh viên đến từ trường ĐH Công nghệ thông tin tham gia nên lẽ hiển nhiên là họ không khỏi bỡ ngỡ và hồi hộp từ lúc bắt đầu tham dự cho đến chặng đường cuối. Trưởng nhóm tâm sự, ban đầu cả bốn bạn chỉ muốn có cơ hội được tiếp cận công nghệ của FPT để học hỏi. “Mục tiêu ban đầu của đội là tham gia cho vui và sử dụng sản phẩm làm đồ án cho hai môn học ở trường”, Toàn tiếp lời.

Trong khi đó, Minh bảo muốn thi để tìm hiểu thực tế xem doanh nghiệp làm những gì, có như các kiến thức đã được học trong trường không. Song Mimi giờ đây đã đi khá xa so với tưởng tượng ban đầu của 3TM. “Hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng về kết quả”, Minh bồi thêm.

“Theo tôi được biết thì chưa có ứng dụng nào thực sự làm theo hướng mà 3TM đang theo đuổi. Chúng tôi tự hào vì là những người tiên phong. Nhưng cũng không biết như vậy có là quá ảo tưởng sức mạnh không”, Minh hóm hỉnh nói.

Dù có là ảo tưởng hay không cũng chẳng phải vấn đề gì quan trọng. Điểm mấu chốt ở đây là 3TM đã dám bước vào cuộc thi, dám chinh phục nhửng thử thách và dám vượt qua những ảo tưởng của tuổi trẻ để hành động thật sự chứ không phải là những phác thảo viển vông trên giấy. Bốn sinh viên năm thứ ba ngành Công nghệ phần mềm đang viết những giấc mơ đẹp bằng chính đôi bàn tay và khối óc của mình.

18h30 tại Nhà thi đấu Đại học Bách khoa TP HCM, làng Đại học Thủ Đức, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, với 4 đội: Infinity (Học viện Bưu chính Viễn thông Hà Nội), UET-TNA (ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội), Feed&Quit (ĐH FPT) và 3TM (ĐH CNTT, thuộc ĐH Quốc gia TP HCM). Chungta.vn, Truyền hình FPT, VnExpress sẽ trực tiếp chung kết.

>> Truyền hình FPT và VnExpress trực tiếp chung kết SMAC Challenge

Yến Nhi

Ý kiến

()