Chúng ta

'Ăn bánh mì' để viết phần mềm cho xe tự hành

Thứ tư, 25/4/2018 | 15:00 GMT+7

Phần mềm này sẽ được ứng dụng trên xe ô tô, giúp nó có thể nhận biết các làn đường, vật cản và tự đưa ra cách xử lý chính xác.

Những ngày này, các thành viên của đội DUT Stark của ĐH Bách khoa Đà Nẵng đang miệt mài tập luyện, chỉnh sửa các phần mềm để chuẩn bị cho vòng chung kết “Cuộc đua số” sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 5 tới.

Miệt mài hoàn thiện, chỉnh sửa phần mềm

Vừa trở về sau chiến thắng thuyết phục tại vòng bán kết “Cuộc đua số” khu vực phía Nam (gồm 8 đội tham gia), Trần Duy Hùng (đội trưởng) cùng hai đồng đội của mình là Hoàng Thị Minh Khanh, Nguyễn Tri Viên (Khoa Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa Đà Nẵng) đã bắt tay vào cuộc đua “tranh vàng”.

DSC-6394-JPG-8503-1524559769.jpg

Các thành viên đội DUT Stark miệt mài luyện tập để chuẩn bị cho cuộc "tranh vàng" tại Hà Nội sắp tới.

“Xe tự hành đang được thiết kế và sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Nó áp dụng các phần mềm để xử lý nhanh các chướng ngại vật, sự cố trên đường đi mà không cần sự tác động của tài xế. Đó là một kỹ thuật mới trong cuộc cách mạng 4.0”, Hùng cho biết.

Cùng cháy bỏng niềm đam mê khoa học, muốn ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, nhóm bạn của Hùng đầu tư tìm hiểu, lập trình phần mềm cho xe tự hành.

Lần lượt trãi qua các cuộc thi cấp trường, vòng loại khu vực Đà Nẵng và vòng bán kết khu vực miền Trung và miền Nam, phần mềm của DUT Stark ngày càng được hoàn thiện và “thông minh hơn”.

Nhớ lại những ngày đầu bắt tay viết phần mềm này, Khanh chia sẻ: “Tụi em đã mày mò gần 4 tháng mới cho ra đời phần mềm xe tự hành. Với lợi thế học công nghệ thông tin nên các thành viên đều nắm rõ phần mềm nhưng về phần xe tự động thì không thông thạo lắm. Mọi người lại phải học hỏi, tìm kiếm tài liệu phần xe máy tự động để từ đó đưa vào phần mềm. Việc tìm kiếm tài liệu cũng rất gian nan vì trên mạng thì có rất nhiều hướng dẫn nhưng phải chọn nguồn chính xác. Các nguồn tin cậy thì đều được viết bằng tiếng Anh nên nhóm phải dịch ra để sử dụng”.

Trong phần mềm có rất nhiều bài toán, giải quyết một vấn đề riêng và mỗi bạn được giao một nhiệm vụ chuyên biệt. Sau khi giải được các bài toán này thì đội trưởng sẽ là người đứng ra lắp ráp các thuật toán và tạo thành một phần mềm hoàn chỉnh.

Chia sẻ về phần mềm xe tự hành, Viên nói: “Phần mềm này được lập trình để xe có thể chạy được với điều kiện mô phỏng ánh sáng ngoài trời, nhận diện biển báo giao thông, rẽ trái/phải theo quy định…Với công nghệ dẫn đường, camera lắp trên xe, khi gặp vật cản, xe sẽ tự động xử lý để tránh va chạm một cách nhanh nhất. Quá trình xử lý này chỉ khoảng 0.01 - 0.02 giây ngay khi nhận biết vật cản”.

Kỳ vọng một phần mềm Made in Việt Nam

Sau những giờ miệt mài trên thư viện rồi quần quật trên máy tính, nhóm của Hùng lại đưa sản phẩm ra sân bãi thử nghiệm, luyện tập. Có những hôm, cả nhóm phải ăn bánh mỳ để “luyện xe”, chỉnh phần mềm đến gần nửa đêm mới về đến phòng trọ.

DaoduyHungBachkhoa-JPG-2464-1524559769.j

Đội trưởng Trần Duy Hùng lắp ráp các thuật toán để chiếc xe tự hành.

“Do không có sân bãi chuyên nghiệp (loại sa hình) nên tụi em phải mượn sân trường để làm bãi tập. Nhiều hôm vừa mang sản phẩm ra sân thì trời mưa nên cả nhóm phải về. Vì nếu để xe chạy thì có thể dẫn đến chập mạch điện, hư hỏng”.

Đội trưởng DUT Stark chia sẻ thêm, để vượt qua được các đối thủ nặng ký đến từ hai miền Nam - Bắc, các bạn đã viết lại toàn bộ phần mềm và thay đổi chiến thuật. “Vào trận chung kết thì sân bãi sẽ thay đổi nên đội phải tính toán lại phần mềm (chỉnh sửa thuật toán). Vòng chung kết, 8 đội sẽ thi trên sân nhưng làn đường một bên sẽ bị mất đi, thay vào cỏ. Ban tổ chức sẽ chọn ra 4 đội vào đấu ở một sân bí mật và xe tự hành phải tự thích nghi”, Hùng bật mí.

Không chỉ tạo ra sản phẩm để dự thi, nhóm của Hùng còn hy vọng phần mềm này sẽ được hoàn thiện và ứng dụng vào thực tiễn. “Để có thể ứng dụng vào thực tiễn thì phần mềm này cần phải chỉnh sửa, nghiên cứu rất nhiều. Ví dụ như phải thêm các chức năng về tránh người đi bộ, an toàn về thời tiết, làn đường ở ngoài...”.

Hùng và các bạn tự tin sẽ làm nên một sản phẩm xe tự hành “Made in Việt Nam” có chất lượng ngang ngửa với các hãng xe lớn trên thế giới.

DSC-6587-JPG-6579-1524559769.jpg

ừ trái qua: Đội trưởng Trần Duy Hùng, Hoàng Thị Minh Khanh và Nguyễn Tri Viên của DUT Stark, đội duy nhất hoàn thành sa hình dài hơn 42m trong thời gian hơn 22 giây. So với các đối thủ đầu Hà Nội (đều dưới 20 giây), họ phải chính sửa nhiều, cả phần cứng và thuật toán để cải thiện kết quả trong trận quyết định ở Chung kết.

“Qua va chạm, cạnh tranh với các đội dự thi, tụi em đã rút ra được nhiều bài học về ứng dụng công nghệ. Nó tạo cơ hội cho em có thêm được nhiều kiến thức hơn, ngoài những kiến thức đã học ở nhà trường”, Khanh nói.

Thầy Huỳnh Hữu Hưng, Phó khoa Công nghệ thông tin (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cho biết, để tham gia cuộc thi này, các bạn phải nghiên cứu và tìm hiểu về học máy (trí tuệ nhân tạo), một xu hướng của cách mạng 4.0 hiện nay.

“Kết quả các bạn đạt được (dự vòng chung kết Cuộc đua số) cũng là kết quả việc học thông qua dự án. Đây là phương pháp giảng dạy tích cực, cũng là xu hướng trong đào tạo của các trường đại học tiên tiến. Qua cọ xát với các đội đã giúp các bạn vững tin về bản thân cũng như các kiến thức, các kỹ năng phục vụ cho việc nghiên cứu và học tập và làm việc sau này”, thầy Hưng nói.

>> Đà Nẵng toàn thắng tại bán kết Cuộc đua số

Tấn Tài

Ý kiến

()