Chúng ta

24 đội tham gia SMAC Challenge

Thứ bảy, 5/7/2014 | 15:00 GMT+7

Ban tổ chức tiếp tục gia hạn cho các đội đăng ký cuộc thi viết ứng dụng trên thiết bị Android - SMAC Challenge 2014 đến ngày 7/7.
> FPT phát động cuộc thi viết ứng dụng điều khiển robot lần 2

Tính đến ngày 30/6, chỉ sau gần hai tuần phát động, Ban tổ chức SMAC Challenge đã nhận được đăng ký của 24 đội đến từ 8 trường đại học trên địa bàn Hà Nội gồm: ĐH Bách khoa, ĐH FPT, ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Thành Đô, ĐH Điện lực, ĐH Khoa học tự nhiên, Học viện Bưu chính Viễn thông và ĐH Giao thông Vận tải.

v

Tính đến 30/6, đã có 24 đội đăng ký tham gia SMAC Challenge 2014. Ảnh: Lâm Thao.

Trong đó, ĐH Bách khoa 7 đội tham gia, tiếp theo là ĐH FPT - 6 đội, Học viện Bưu chính Viễn thông - 3 đội. ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Điện lực mỗi trường đều có 2 đội tham gia. ĐH Thành Đô và Giao thông mỗi trường có 1 đội.

BTC đã gia hạn ngày đăng ký tới ngày 7/7, nhằm tạo cơ hội cho sinh viên yêu thích CNTT tham gia.

Năm nay, mỗi đội đăng ký tham dự SMAC Challenge gồm 3 đến 5 sinh viên, yêu cầu biết lập trình Android. Ngoài tiền thưởng cho giải Nhất (15 triệu đồng), Nhì (10 triệu đồng) và Ba (5 triệu đồng), các thành viên trong đội đạt thứ hạng cao còn có cơ hội tham gia vào dự án nghiên cứu khoa học của Ban Công nghệ FPT sau này.

SMAC Challenge sẽ diễn ra từ nay đến tháng 10 gồm ba vòng. Vòng loại 1 (từ 18/6), thông qua phần thi “Viết ứng dụng hỏi đáp thông minh trên nền tảng Android”, Ban tổ chức sẽ chọn 16 đội vào giai đoạn 2 (giữa tháng 7). Cuối tháng 7, các đội tham gia chương trình trại hè công nghệ do FPT tổ chức.

f

Vòng Chung kết cuộc thi diễn ra vào tháng 10 tới. Ảnh: Nguyên Anh.

Trong vòng loại 2 (cuối tháng 8), Ban tổ chức chọn ra 4 đội mạnh nhất tham gia vòng chung kết, sau phần thi thuyết trình và demo ứng dụng AI trên robot Smartoshin của 16 đội dự thi.

Vòng Chung kết cuộc thi diễn ra vào tháng 10. Nội dung thi có 3 phần: Nghệ thuật, Trí tuệ và Sức mạnh. Ở phần Nghệ thuật, các đội sẽ lập trình cho robot nhảy múa trên nền nhạc. Ở phần Trí tuệ, các đội lập trình cho robot nghe hiểu và trả lời bộ câu hỏi ngẫu nhiên từ Ban tổ chức. Ở phần Sức mạnh, các đội sẽ thi đối kháng với nội dung tìm đường trong sân đấu và hoàn thành nhiệm vụ do Ban tổ chức đưa ra.

Từ năm 2012-2013, FPT đã có bước thử nghiệm công nghệ quan trọng là phát triển nền hệ thống (platform) cho robot SmartOshin. Cụ thể, các kỹ sư FPT đã hoàn thiện bộ công cụ lập trình, công cụ mô phỏng và thư viện AI.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Trần Thế Trung cho biết: “Thông qua cuộc thi, các bạn trẻ được tham gia nghiên cứu và tìm hiểu nhiều công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn trong học tập và định hướng công việc sau khi ra trường. FPT mong muốn sẽ phát hiện và bồi dưỡng được nhiều cá nhân có tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ mới, đặc biệt là xu hướng SMAC”.

Năm 2013, đội SRC PTIT đến từ Học viện Bưu chính Viễn thông đã vượt qua 29 đội thi để trở thành nhà vô địch Mobile Robot Challenge mùa đầu tiên.

Triệu Mẫn

Ý kiến

()