Gặp Khánh Ly vào một ngày đầu năm 2019, câu chuyện thỉnh thoảng đứt quãng vì chị liên tục phải từ chối cuộc gọi từ số máy lạ. “Dạo trước đi hỏi mua trường nhiều quá, bị nổi tiếng trong giới M&A nên giờ cứ có chỗ nào định bán trường, bán đất là họ gọi”, chị bắt đầu câu chuyện về hành trình Leng Keng xây dựng và phát triển các khối học mới của FPT.
Mục tiêu lãnh đạo FPT Education (FPT Edu) đặt ra là một cấp học nhưng chị đã mạnh dạn xin giấy phép thành lập cả hai cấp và định hướng phát triển thành chuỗi trường Phổ thông liên cấp. Tại sao chị lại có ý tưởng táo bạo này? Tháng 2/2017, tôi được anh Nguyễn Khắc Thành - Hiệu trưởng trường Đại học FPT - gọi lên Hòa Lạc (Hà Nội) để bàn về việc mở một trường mới. Khi đó, các lãnh đạo đang có ý tưởng tổ chức thêm một trường THPT tại Hà Nội vì đã có sẵn hệ thống rồi nên sẽ dễ hơn. Nhưng muốn mở được trường THPT thì Sở GD&ĐT yêu cầu bắt buộc là trường phải sở hữu sẵn cơ sở vật chất phù hợp với việc giảng dạy, mà việc này không có ngay được.
Trong khi nghiên cứu các thủ tục, tôi thấy rằng, FPT Edu lại đang thiếu cấp Tiểu học và THCS. Tôi là một người mẹ nên nếu chọn trường tư cho con học, tôi cũng mong muốn con được học liền mạch đủ các cấp, có một triết lý giáo dục xuyên suốt. Và tôi cho rằng rất nhiều cha mẹ có mong muốn giống mình. Xuất phát từ suy nghĩ đó, tôi đã quyết tâm xin mở cả 2 cấp Tiểu học và THCS để hoàn thiện bản đồ cấp học cho FPT. Nếu thành công thì FPT Edu sẽ là tổ chức giáo dục duy nhất ở Việt Nam có đầy đủ cấp học, từ Tiểu học đến sau Đại học. Đây là một lợi thế hiếm có mà chưa tổ chức giáo dục nào ở Việt Nam có được.
Trong quá trình thực hiện, chị đã gặp khó khăn gì? Sau khi nhận lời mời của anh Thành, tôi mới biết đội dự án có chỉ có mỗi mình tôi. Trong khi đó, sếp Thành ra đề bài: Tuyển 150 học sinh, vận hành luôn năm 2017, tôi muốn làm thế nào thì làm. Như vậy là tôi sẽ chỉ có tổng cộng đúng 5 tháng để nhận dự án, tìm địa điểm, viết đề án thành lập trường, xin giấy phép thành lập và giấy phép hoạt động, xây dựng chương trình đào tạo, tuyển dụng giáo viên, tuyển sinh và đưa trường vào hoạt động.
Với người có kinh nghiệm, có sẵn đội ngũ trong tay, 5 tháng để làm được hết các việc trên cũng là rất thách thức. Trong khi đó, cá nhân tôi lại chưa từng trải qua vị trí quản lý nào tại FPT, không quen quy trình thanh toán hay mua sắm để có thể bố trí được cơ sở vật chất, hoặc bắt đầu chi tiêu như thế nào, lấy tiền từ đâu, làm thế nào để có tiền triển khai. Tôi vốn khá hoạt ngôn, giao tiếp tự tin nhưng lại chưa từng ngoại giao với cơ quan nhà nước, và không hiểu bất kỳ quy trình thủ tục thiết lập một trường học hàn lâm thì không biết nên bắt đầu từ đâu. Mọi việc đã khó lại càng thêm khó.
Một thách thức lớn nữa đặt ra với tôi là tìm địa điểm phù hợp để kịp xin giấy phép, nhưng lại không được bỏ trống trong khoảng thời gian chờ lấp đầy cơ sở. Với tôi khi đó, mọi thứ đều trong tình trạng khẩn cấp. Chỉ cần trượt nhịp kế hoạch là dự án sẽ phải chờ thêm một năm tiếp theo. Chưa từng có kinh nghiệm quản lý hay làm việc với cơ quan nhà nước, chị làm cách nào để xin được giấy phép hoạt động cho trường? Tôi vốn là một nhà khoa học chân chính nhưng lại được sinh ra trong một gia đình kinh doanh, vì vậy liều và quyết tâm đến cùng đã là một tố chất tôi được rèn luyện từ nhỏ. Việc càng khó càng kích thích tôi có động lực vượt qua. Hơn nữa, nếu làm được bài toán khó này, tôi sẽ học được những bài học kinh nghiệm lớn mà cả đời không dễ gì có được. Tôi đi nhiều đến mức bảo vệ của Sở, Phòng Giáo dục cũng nhớ cả mặt lẫn tên. Không có kinh nghiệm nên nếu có cơ hội gặp những người có chuyên môn, tôi đều nhờ tư vấn, ghi lại và nghiên cứu để tìm ra hướng làm thích hợp nhất. Một điều nữa cần ghi nhận là tôi rất may mắn được gặp những người bạn chân thành, sẵn sàng giúp đỡ không vụ lợi và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để tôi có thể hoàn thành được công việc. Có lẽ mọi người thương quý tôi bởi chính sự Leng Keng rất quyết tâm. Qua vụ này, tôi rút ra rằng, dù con đường bạn đi không trải hoa hồng, nhưng nếu có quyết tâm thì thành công nhất định sẽ đến. Chưa có hệ thống nhân sự nhưng ngay khi có giấy phép, chị đã mạnh dạn tuyển sinh luôn và sau đó 2 tháng đưa trường vào hoạt động. Vậy động lực nào khiến chị có những bước đi táo bạo như vậy? Sau khi tạm xa công việc phát triển chương trình tại ĐH FPT, tôi đã có một start-up nho nhỏ với một trung tâm tiếng Anh và đang hoạt động rất tốt. Được trực tiếp làm việc với nhiều phụ huynh, được tự tay chăm chút xây dựng đội ngũ, chương trình, được lắng nghe mong muốn của học sinh, tôi từng ao ước được làm điều gì đó lớn lao hơn cho lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Vì vậy, khi nhận nhiệm vụ do Hiệu trưởng ĐH FPT giao phó, tôi đã có một cái nhìn rất rõ ràng về những việc mình sẽ phải thực hiện.
Gần 10 năm kinh nghiệm về xây dựng và phát triển chương trình cho ĐH FPT, việc xây dựng một khung chương trình cho cả hai khối Tiểu học và THCS theo những tiêu chuẩn khắt khe của FPT Edu là việc tôi có thể đảm bảo được. Tôi còn nhận được sự cổ vũ tích cực từ gia đình, đặc biệt là chồng tôi và gia đình bên chồng vốn có truyền thống làm giáo dục. Tất cả yếu tố đó đã trở thành động lực thúc đẩy tôi phải nhanh chóng tuyển sinh và đưa trường vào hoạt động.
Hè năm 2018, khi được hỏi về việc tuyển sinh luôn cấp 2, chị đã trả lời là không tuyển. Nhưng chỉ khoảng một tháng sau lại thấy thông tin khắp nơi về việc khối THCS FPT tuyển sinh lớp 6. Phải chăng làm người khác bất ngờ là cách làm việc của chị? Có nhiều người hỏi câu đó và tôi rất muốn trả lời là có, nhưng tôi đã không thể bởi chưa chắc chắn có địa điểm mới. Chúng tôi âm thầm chuẩn bị xong chương trình, lực lượng từ lâu nhưng vẫn phải hồi hộp “ém hàng”, chờ đến khi chắc chắn 100% có địa điểm mới thì chúng tôi mới thông báo tuyển sinh khối 6. Liều lĩnh là bản tính, nhưng chắc chắn là đức tính mà tôi đã phải học thật nhanh qua quá trình triển khai trường trong một năm vận hành. Điều gì khiến chị phải có những cân nhắc kỹ lưỡng như vậy? Đó là một câu chuyện dài. Khi những học sinh đầu tiên trong khối lớp 1 đi vào hoạt động cũng là lúc tôi liên tục nhận được câu hỏi từ phía các phụ huynh về lộ trình phát triển tiếp theo như thế nào. Dù vẫn tích cực tìm địa điểm từ trước nhưng đến thời điểm đó chưa thể có bất kỳ câu trả lời nào chắc chắn cho đến khi hợp đồng được ký kết. Vì vậy, chúng tôi không thể đưa ra bất cứ phát ngôn nào về địa điểm dù có một số phụ huynh quan tâm thái quá còn dọa đốt trường nếu tôi không có câu trả lời hợp lý. Cùng lúc đó, lại có một số vướng mắc đối với địa điểm mà chúng tôi đang tổ chức hoạt động. Không còn con đường lùi nào khác, chúng tôi phải cùng một lúc triển khai nhiều hướng khác nhau, đi xin đất, đi thuê địa điểm, đi tìm trường để M&A. Ban đầu tôi tưởng cứ có tiền là mua được trường. Nhưng sự thật không dễ. Trường mình thích thì không bán. Trường bán thì lại không hợp, đắt quá hoặc đang gặp những rắc rối nào đó… Vì vậy, tôi lại bước vào hành trình rong ruổi khắp nơi, đi giày bata cưỡi xe máy trên khắp nẻo đường Hà Nội để hỏi mua trường. Tôi đi nhiều đến mức trở nên nổi tiếng trên “thị trường đen” mua bán trường học. Mọi người liên tục rỉ tai nhau về việc có “con mẹ” nào đó đang đi mua trường nên cứ có mối nào là họ lại gọi tôi. Ngoài quyết tâm thì cái lớn nhất tôi có là sự tự tin. Tôi không ngại cách người ta nhìn tôi dò xét, đánh giá, cũng không sợ sai. Cứ chỗ nào cần bán trường là tôi lại lao đến gặp gỡ, lấy giá rồi về trao đổi với lãnh đạo FPT Edu.

Sau rất nhiều nỗ lực, tôi tìm được một ngôi trường mới xây, lại chưa tuyển sinh nên đã quyết tâm thuyết phục lãnh đạo FPT Edu và Tập đoàn đồng ý để nhanh chóng tiến hành thủ tục M&A. Ban đầu các anh khá e ngại và lo lắng khi tôi đề xuất. Thậm chí, anh Thế Phương (PTGĐ FPT) còn bảo sao lại để một cô giáo không biết gì về M&A như tôi đi làm thương vụ này. Một số lãnh đạo khác thì đưa ra danh sách dài lời khuyên và cảnh báo về những rủi ro nếu tôi làm vụ M&A này. Dù tôi biết có nhiều khó khăn nếu tiến hành M&A nhanh chóng nhưng vẫn quyết tâm xin làm và cuối cùng cũng nhận được sự đồng ý của lãnh đạo.

Ngay khi biết có cơ sở mới, tôi đã quyết định tuyển sinh luôn cả cho khối THCS. Chỉ trong một tháng, tôi đã tuyển được 330 học sinh chính thức. Ngày 21/5/2018 nhận trường mới nhưng đến ngày 8/6, tôi đã cho vận hành khoá học hè đầu tiên với 100 học sinh.
Hẳn là sau khi mua được trường, chị đã trút được gánh nặng địa điểm và yên tâm lo công tác chuyên môn giáo dục? Ban đầu tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng sự thật lại luôn không giống như mình mơ. Ngày ký M&A, tôi đi giày cao gót, mặc váy đẹp đến để bắt tay ký kết, chụp ảnh thật đẹp. Nhưng không ngờ họ “đập” ngay cho tôi tập tài liệu về 3.000 thiết bị và yêu cầu đi đếm từng cái một xong để ký biên bản bàn giao. Thay vì đi guốc, tôi phải mua ngay 3 đôi dép lê để cùng với nhân viên đi khắp các tầng, các phòng đếm cho đủ 3.000 thiết bị, từ bóng đèn cho đến nắp cống.
Để hoàn thành cơ sở vật chất kịp tiến độ, tôi - giám đốc - vẫn thường xuyên trong tình trạng mặc áo dài để dự lễ, xong thay đồ quần xắn móng lợn để đi thị sát tiến độ. Ngày nghỉ thì mang cả hai con đi cùng để làm việc. Ơn giời, đến giờ sau nửa năm đi vào hoạt động, mọi thứ bắt đầu vận hành trơn tru và tôi đã có nhiều thời gian hơn để tập trung làm… Giám đốc. Nhìn lại năm 2018, những hành động Leng Keng nhất mà chị đã thực hiện là gì? Thứ nhất là sau khi nghiên cứu, theo đuổi cả chục dự án trường học, có một danh sách dài các trường cần bán, cần chuyển nhượng, tôi đã thuyết phục được các sếp đầu tư một trường học khang trang hiện đại như hiện nay cho một phụ nữ, nhà khoa học với cực ít kinh nghiệm quản lý nhưng rất yêu trẻ con.

Thứ hai là xây dựng được một đội ngũ cán bộ cùng Leng Keng và đồng lòng với mình triển khai mục tiêu đã đề ra.

Thứ ba, tôi đã tìm hiểu quy trình và tiến hành xin thành công đất xây trường phổ thông liên cấp FPT tại một quận nội thành của Hà Nội. Dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Hết mình vì công việc, đâu là những giá trị mà chị nhận được? Tôi nhận được rất nhiều. Trước hết là hai con gái tôi được học tập trong môi trường mà mẹ chúng mong ước, ngay tại Việt Nam, chất lượng ngoại, giá nội. Tiếp theo là tôi có được hàng loạt kinh nghiệm, kỹ năng mới như: khả năng ngoại giao với các cấp chính quyền, các cấp lãnh đạo, bố trí và vận hành một trường học thế nào, thậm chí là giờ tôi còn đọc các bản vẽ kỹ thuật chả kém ông kỹ sư xây dựng nào. (Cười)
Đặc biệt, tôi có được sự tín nhiệm của lãnh đạo, được làm công việc xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao, học thật, thi thật, chất lượng thật, chuẩn bị đủ kỹ năng công dân toàn cầu cho các bạn nhỏ. Năm 2019, chị có những dự định Leng Keng nào cho bản thân và hệ thống giáo dục của FPT? Năm nay, tôi sẽ tiếp tục phát triển FPT School Cầu Giấy và đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi năm 2018. Tôi dự kiến sẽ đóng gói chương trình cấp Tiểu học và THCS FPT để triển khai ở các cơ sở mới trên toàn quốc. Tôi cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm thị trường và phát triển sản phẩm mới, góp phần mở rộng hệ thống FPT School theo kế hoạch đề ra, ví dụ như mở thêm hệ mầm non chẳng hạn.
Không biết như vậy đã Leng Keng chưa nhỉ!
Nội dung: Bích Hải
Ảnh: Nguyễn Thắng/FPT Edu
Thiết kế: An Nhiên