Chúng ta

Sếp lên sân khấu

Chủ nhật, 21/9/2014 | 08:00 GMT+7

Dù xa ánh đèn sân khấu đã lâu, nhưng mỗi khi nhắc đến họ, lớp hậu thế FPT vẫn ngả mũ kính phục sự thông minh, dí dỏm trong mỗi tiểu phẩm và những đóng góp của thế hệ đầu cho văn hóa STCo tập đoàn.
> Những vở kịch tỏa sáng trên sân khấu STCo

Anh Nguyễn Duy Hưng (Hưng “Đỉnh”), Phó TGĐ F9 - FPT Trading, Viện sĩ STCo, nhớ lại, lần đầu tiên FPT kéo nhau lên sân khấu là Tết Âm lịch năm 1993-1994 với vở nhạc kịch chế dân ca ba miền “Đời máy tính”. Đa số ca khúc do anh Nguyễn Thành Nam chế biến và anh em lượm lặt từ ngoài xã hội. Bên cạnh đó còn có phần trình diễn của các người mẫu, ca sĩ nổi tiếng thời bấy giờ.

a

Anh Hưng “Đỉnh” có hai lần đảm nhận vai trò diễn viên với tiết mục “Carmen trong hồ thiên Nga” và “Trương Chi ở thành Bát-đa”.

Năm 1996, FPT lần đầu tiên tách Hội thao và Hội diễn. Nhận thấy khán giả đông là nhân tố quan trọng quyết định tới sự thành công nên CBNV được khuyến khích mời bạn bè, gia đình tới dự. Quả thật, từ sau đó, người thân rất hay nhắc đến Hội diễn FPT.

Thông thường, trước 13/9 khoảng một tháng, các đội đã tưng bừng nhậu nhẹt, bàn kịch bản và tìm diễn viên. Bút chiến, bàn tán, thách đấu giữa các đội trên phương tiện truyền thông nội bộ cộng với sự “bơm bít, thổi nấu, PR” từ BTC và Hội đồng nghệ thuật (tự phong) cũng làm bầu không khí lễ hội nóng lên từng ngày.

a

Ngày đó, công ty còn ít người nên hầu hết các sếp đều phải lên sân khấu.

Bàn cả tháng nhưng thường chốt lại vào khoảng một đến hai tuần trước Hội diễn vì hay dở thì cũng đến lúc phải “thượng đài”. Ngày đó, công ty còn ít người nên hầu hết các sếp đều phải lên sân khấu, từ anh Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT FPT), Đỗ Cao Bảo (Chủ tịch FPT IS), Nguyễn Thành Nam (Phó Chủ tịch ĐH FPT), Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch FPT Software), Nguyễn Khắc Thành (Phó TGĐ FPT phụ trách nhân sự Toàn cầu hóa)...

Văn hóa STCo xưa và nay luôn có sức hút mãnh liệt. Bản chất vẫn thế, chỉ có cách thể hiện khác đi cho phù hợp với thời đại”, Lê Đình Lộc, Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT.

Trong các tác phẩm, anh Hưng “Đỉnh” vẫn luôn nhớ vở ballet (tự xưng) “Carmen trong hồ thiên nga”. Vở diễn có chủ đề tình yêu, hình ảnh đẹp, nhạc hay, không cố “cù” khán giả, diễn xuất cẩn thận kiểu như anh nông dân tập đi “mốt hai mốt”…

Với lời từ xuất sắc do anh Nguyễn Thành Nam viết và đọc, cộng sự ghép nhạc thiện nghệ của anh Lê Đình Lộc (Trưởng ban Văn hóa - Đoàn thể FPT), phần biên đạo và đạo diễn do anh Hưng “Đỉnh” đảm trách đã làm vở diễn gây ấn tượng mạnh với khán giả năm ấy. Cũng với cách làm này, năm 1997, vở “Trương Chi ở thành Bat-đa” đã giành giải Nhất Hội diễn.

“Trải qua 26 năm, FPT từ vài trăm người nay đã hơn 17.000 người, Trung tâm Hội nghị Quốc gia cũng không đủ chỗ. Vé Hội diễn phải phân phối, các chương trình công phu, hoành tráng và chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Nhưng cái không khí nghiệp dư cũ kỹ ngày xưa ấy cũng hay hay”, anh Hưng bồi hồi.

a

Anh Khắc Thành cùng nghệ sĩ Thanh Ngoan trong một vở diễn.

Nhắc đến Hội diễn STCo, người FPT không thể nào quên anh Nguyễn Khắc Thành - vốn được coi là "nghệ sĩ nhất trong các viện sĩ". Anh đã tham gia Hội diễn FPT từ khi ra đời, trong vai trò kịch bản, đạo diễn kiêm diễn viên.

Quan trọng là tạo đất cho nhân dân từ già đến trẻ thoả sức sáng tạo thì lo gì STCo không phát triển”, Viện sĩ FPT Nguyễn Khắc Thành.

Tên tuổi của anh luôn gắn với nhiều tiết mục STCo nổi tiếng, trong đó có “Tư vấn tình yêu”, sau này được nguyên Trưởng ban Văn hóa - Đoàn thể FPT Đinh Tiến Dũng phát triển lên thành “Hỏi xoáy đáp xoay” nổi tiếng trên kênh truyền hình VTV3. Một tiết mục ấn tượng ghi dấu ấn “Khắc Thành” là “Bao Công hý Thúy Kiều". “Kịch bản bằng thơ (chủ yếu là lẩy Kiều), đọc từ trong cánh gà, diễn viên bên ngoài chỉ cần diễn không phải nói. Dàn diễn viên có Nguyễn Đức Quỳnh (GĐ FPT Software HCM) đóng vai Thuý Kiều, Nguyễn Đắc Việt Dũng (Chủ tịch Sendo.vn) vai Kim Trọng, Phạm Minh Tuấn (TGĐ FPT IS) đảm nhận vai Bao Công…

a

Các lãnh đạo FPT với những ca khúc STCo đình đám đã trở thành dấu ấn khó phai.

Ngày ấy, anh Khắc Thành ngồi sau cánh gà để đọc lời. Yếu tố không ngờ đến là lúc bắt đầu diễn màn tắt tối om, không nhìn thấy gì. Cả đội phải dùng bật lửa, cầm nóng đến cháy tay, phải bỏ. May mà kịch bản anh tự viết nên thuộc, sau toàn phải đọc theo trí nhớ. Còn vai Thuý Kiều do Nguyễn Đức Quỳnh đóng, yểu điệu che quạt đi ra. Đến lúc bỏ quạt, một em bé dưới sân khấu kêu lên: "Mẹ ơi, sao Thuý Kiều xấu thế!".

Không chỉ được người FPT nhớ đến với vai Bao Công trong vở kịch “Bao Công hý Thúy Kiều”, Phạm Minh Tuấn còn được nhiều người biết đến với vai diễn chính trong tiểu phẩm“Tiễn anh lên đường” năm 2000. Vở diễn đã vượt ra khỏi biên giới FPT để xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia. Ngoài ra, anh chuyên làm vai phụ, sáng tác kịch bản bên… bàn nhậu ở quán bia hơi.

“Vai diễn nào cũng thấy “phê” cả. Trước khi lên sân khấu đều phải uống mấy ly rượu để diễn cho nó bốc. Tuy nhiên, tôi vẫn ấn tượng nhất vai diễn của Hưng “Đỉnh” năm 1997, cứ tưởng anh hát Opera bản giao hưởng Beethoven số 5 trên sân khấu thật, choáng đến hết vở kịch”, anh Tuấn kể.

Nổi danh là nhà ghép nhạc tài ba ở FPT, anh Lê Đình Lộc từng lên sân khấu vài lần. Đó là vai hoàng tử trong vở “Carmen trong hồ thiên nga” năm 1996, sau đó tham gia vai quần chúng ở Hội diễn 1997. Ngoài ra, anh viết kịch bản và đạo diễn các vở kịch từ năm 1996 đến khoảng 2003. Anh tâm sự: “Lần đầu lên sân khấu, tôi run bần bật vì đóng vai hoàng tử lại phải múa ballet”.

a

Chị Lại Hương Huyền (trái) cho rằng, trên sân khấu Hội diễn vẫn nên có “sếp to” để khuấy động phong trào, giúp nhân viên mới thêm hiểu và yêu mến văn hóa công ty hơn.

Cũng là một diễn viên đình đám trên sân khấu STCo một thời, chị Lại Hương Huyền, Chánh Văn phòng HĐQT FPT, không giấu được sự bồi hồi khi nhớ lại vở “Giao ban FPT HO” năm 1996. Đó là thể loại kịch câm mới nhất thời đó do nghệ sĩ Đức Hải dàn dựng và hướng dẫn đội FPT tập. Động tác diễn là hai tay cho vào ngăn bàn và một số hành động khác. Diễn viên gồm anh Trương Gia Bình, Hoàng Nam Tiến… Dù sau đó mọi người đều không hiểu là mình diễn kịch gì nhưng cũng có giải… đông lãnh đạo lên sân khấu nhất.

Anh Nguyễn Đắc Việt Dũng, một trong “Bát Tiên” của FPT - người sở hữu gương mặt "nhìn đã buồn cười", giọng nói "nhanh nhảu" với nhiều vai diễn rất "duyên" và khó quên trên sân khấu STCo.

Anh đều đặn tham gia Hội diễn từ năm 1997 đến 2002. “Ấn tượng nhất là vở trăm trứng của FPT Software năm 2000 vì có cảnh 100 lập trình viên gần như “khoả thân” trên sân khấu”, anh hào hứng kể.

a

Anh Nguyễn Văn Khoa (thứ hai từ trái sang) nhận định, các Hội diễn trước kia chỉ ở khán phòng nhỏ, hầu như mọi người đều biết nhau nên cảm giác ấm cúng, gần gũi. Ngày nay, quy mô hoành tráng, sân khấu lớn, các vở diễn ngày xưa không còn phù hợp.

TGĐ FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa cũng là một diễn viên năng nổ của FPT. Anh chính thức lên sân khấu STCo từ năm 1998. Trong 10 năm đầu tiên, anh tham gia rất nhiều vai diễn, chủ yếu là múa và nhạc kịch. Anh từng đóng các vai giả gái múa Ấn Độ, hề Sác-lô, Hai bà một ông... để lại nhiều ấn tượng cho người FPT. Những năm gần đây, anh lui vào “hậu trường” đảm nhiệm vai trò đạo diễn, tổng duyệt, tư vấn, khích lệ và truyền lửa cho đàn em sáng tạo, duy trì văn hoá STCo.

Thời gian qua đi, công việc quản lý đã khiến nhiều người lơi tay bút và níu bước lên sân khấu. Nhưng người FPT vẫn tin có một ngày, "con tằm" Khắc Thành, Lê Đình Lộc, Hưng “Đỉnh”… lại tiếp tục nhả tơ, loại tơ mềm từng vương vấn trong lòng người nhiều năm trước, để nối dài tấm lụa kịch nghệ FPT.

Tây Hạ


Ý kiến

()