Chúng ta

FOX - những ngày đầu thành lập

Thứ tư, 29/11/2017 | 16:01 GMT+7

Ngày 31/1/1997, anh Trương Gia Bình (lúc đó là TGĐ FPT) bổ nhiệm Trương Đình Anh làm Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Trực tuyến, viết tắt là FOX.

Khác với các đơn vị trong FPT thường chọn ngày 13 làm ngày thành lập, chúng tôi chọn ngày 31 nên có lẽ cách làm thường trái ngược với cách làm truyền thống của FPT một cách định mệnh chăng?

Cả tuần trước đó, tôi ôm cuốn từ điển tiếng Anh tra xem đặt tên đơn vị mới là gì. Theo yêu cầu của anh Bình, tôi trình lên 5 phương án. Cuối cùng, cả anh và tôi dừng ở phương án FPT Online eXchange - FOX (tiền thân của FPT Telecom ngày nay).

Chắc khi đặt tên FOX (con cáo), anh Bình và tôi đã rất có tiên kiến về những hoạt động mà FOX phải đương đầu sau này..

truong20dinh20anhaea54-JPG-8118-15118561

Anh Trương Đình Anh là một trong 4 người khởi động FOX, cùng với chị Chu Thị Thanh Hà, anh Lã Hồng Nguyên và chị Nguyễn Thị Thu Huệ. Ảnh: Internet.

Cáo không phải là một loài khỏe như trâu hay hổ báo hoặc oách và sang như rồng nhưng lại rất khôn ngoan, khéo léo. Điều này rất phù hợp với FOX vì trong hoạt động kinh doanh Internet và viễn thông, FOX không phải là người hùng cơ bắp để có thể dàn trận vồ mồi đánh đồn, đẽo lô cốt như các anh hùng khác trong FPT thường tự hào. 

18h ngày 31/1/1997, sau khi chuẩn bị xong các giấy tờ thủ tục, tôi đem đến gặp anh Bình thì anh đã đi ăn tiệc ở khách sạn Daewoo. Tôi bèn đến sảnh khách sạn và chờ anh Bình ký luôn.

FOX khởi động với 4 người: Trương Đình Anh, Chu Thị Thanh Hà (nay là Chủ tịch FPT Telecom), Lã Hồng Nguyên (hiện là chuyên gia công nghệ của Trung tâm Dịch vụ hạ tầng và công nghệ mới FPT IS) và Nguyễn Thị Thu Huệ (hiện làm tại Viện Quản trị Kinh doanh FPT). Chị Hà và Nguyên là nhân viên FSS (Xí nghiệp Giải pháp phần mềm FPT) cùng với tôi, còn Huệ là thư ký riêng của anh Bình.

Sau này tôi phát hiện ra điều thú vị: Cứ đơn vị nào mới thành lập hoặc có nhiều khó khăn thì các anh lãnh đạo FPT lại cử ngay thư ký riêng của các anh xuống tăng cường nhân sự. 

Văn phòng của chúng tôi rộng 6 m2 ở tầng 3 tòa nhà FPT 89 Láng Hạ, Hà Nội. Tài sản quý nhất là một chiếc PC Server IBM chạy phần mềm TTVN Server và 12 cái modem xếp chồng lên nhau trong một chiếc chạn bát bằng nhựa mua ngoài siêu thị và được một chiếc quạt cây thổi liên tục cho mát. 

Lúc đó, báo chí nói chúng tôi có tới 10.000 thành viên Trí Tuệ Việt Nam. Chúng tôi cũng tự tin và bị mê hoặc bởi con số đó.

Giờ đây, với kinh nghiệm quản lý khai thác viễn thông, tôi tự nghĩ với hạ tầng lởm khởm như vậy, chắc khi đó chúng tôi có không quá vài trăm khách hàng. Tuy nhiên, nhưng gì chúng tôi làm hồi đó nghĩ lại vẫn thấy hào hùng. 

Tôi vẫn nhớ chị Hà, anh Dương Thành Nam (một trong những nhân viên bán hàng đầu tiên của FOX) ra hàng nghìn hộp phần mềm Trí Tuệ Việt Nam đóng gói khá đẹp để bán cho khách hàng. Nhiều khách hàng đã mua nhưng số tồn được nhập kho với giá 10 USD/hộp đã làm chúng tôi nhức đầu dài dài sau này. Đó là sản phẩm đóng gói đầu tiên của FOX. 

Ở TP HCM, Trí Tuệ Việt Nam cũng được thành lập và hoạt động ở tầng 2, ngôi nhà xây thêm ở 96 Nguyễn Thị Minh Khai. Hằng ngày, chúng tôi qua modem nối Hà Nội - TP HCM để đồng bộ dữ liệu hai nơi cho giống nhau. Điều này làm mất hàng tiếng đồng hồ kết nối điện thoại liên tỉnh nhưng khi đó FPT chưa hạch toán rạch ròi giữa các đơn vị nên hình như chi phí nào HO cũng chịu hết. 

Anh Nguyễn Hoàng Anh Dũng (cựu FOXer) là người được phân công cai quản TTVN Sài Gòn. Anh Dũng hồi đó rất có kỹ năng cộng đồng và đã lôi kéo được khá nhiều gương mặt công nghệ thông tin phía Nam tham gia TTVN. 

Cả năm 1997, chúng tôi lúc nào cũng như ngồi trên lửa. Hằng tuần, đau khổ nhất đối với tôi là phải nghĩ cách đối phó với anh Bình vào các buổi họp giao ban sáng thứ Hai khi anh hỏi câu quen thuộc: Mạng TTVN có tiến bộ gì?

Tôi mất hàng giờ vắt óc nghĩ ra những biểu đồ phức tạp để minh họa cho sự tiến bộ từng ngày. Tôi thậm chí gần như bị stress khi lòng kiên nhẫn và sự sáng tạo bị vắt kiệt. 

Khi chúng tôi thành lập FOX, anh Nguyễn Thành Nam (nay là Hiệu trưởng trường ĐH trực tuyến FUNiX) có khuyên: Hoặc các chú phải kiếm ra thật nhiều tiền cho công ty hoặc phải tiêu ngay một khoản lớn thì các anh lãnh đạo mới quan tâm. Điều này giờ đây khó thay!

Lộ trình xin giấy phép ISP vẫn còn dài trước mắt. Lịch trình hằng ngày của tôi là đeo bám Tổng cục Bưu điện. 

Tháng 8/1997, dự đoán FPT được phép cung cấp dịch vụ Internet, tôi trình Ban tổng giám đốc FPT đề án xin đầu tư thiết bị để cung cấp dịch vụ Internet. Số tiền rất khiêm tốn - khoảng 70.000 USD. Sau nhiều vòng thẩm định, anh Bình vẫn không hài lòng với đề án trong khi tôi có cảm giác cơ hội đang rất gần. Tôi đi đến quyết định sẽ rời khỏi FPT để tìm cơ hội mới cho mình. Trong 4 năm làm việc tại FPT, tôi chưa từng nghỉ phép. 

8h sáng, tôi nộp đơn xin nghỉ phép gộp 4 tuần. Dự định sau khi đi chơi về sẽ chính thức xin nghỉ việc.

9h sáng, anh Bình triệu tập tôi lên và đồng ý đầu tư số tiền 70.000 USD để khởi động việc chuẩn bị cung cấp dịch vụ Internet. Tôi rút lại đơn xin nghỉ phép.

Một tháng sau. Vào sáng ngày 13/9/1997, đang ở trên sân vận động Quán Thánh dự Olympic FPT, tôi nhận được cuộc điện thoại của anh Mai Linh - GĐ Trung tâm Tin học, Bộ Văn hóa Thông tin (lúc đó đang thụ lý hồ sơ xin giấy phép của chúng tôi) thông báo là Bộ đã ký giấy phép ICP cho FPT. Một ngày định mệnh.

cuuceofpttruongdinhanhtungsuyt-4929-2719

Diễu hành 13/9 của FOX. Ảnh: Internet.

17h ngày 14/11/1997 (ngày sinh nhật lần thứ 27 của tôi), đang thu dọn giấy tờ để rời văn phòng, tôi nhận được cuộc điện thoại định mệnh thứ hai của anh Nguyễn Minh Hồng - Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông. Khi đó, anh Hồng là chuyên viên Vụ Viễn thông, thông báo Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực vừa ký giấy phép ISP cho FPT.

Ngày 20/11/1997, FOX dọn về văn phòng mới ở 75 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đối với chúng tôi, 75 Trần Hưng Đạo là đất khởi phát và góp phần cực kỳ quan trong đối với sự thành công sau này của FOX.

Ngôi nhà quả là một thế giới bao la với khuôn viên 432 m2. Tôi tự hỏi không biết bao giờ mới dùng hết khi FOX có vẻn vẹn 17 nhân viên. 

Tôi, anh Nguyễn Văn Khoa (nay là TGĐ FPT Telecom), anh Lã Hồng Nguyên biến thành các công nhân đi cáp thực thụ khi mất cả tháng trời ròng cáp khắp cả tòa nhà. Chúng tôi gần như chỉ làm, ăn, ngủ tại công trình. 

Ngôi nhà ngốn hết một khoản ngân sách khổng lồ khi đó - 2.900 USD/tháng cả thuế. Đó là cái giá mà tôi đã vô cùng vất vả thuyết phục cả chủ nhà lẫn Ban lãnh đạo FPT. 

Trước khủng hoảng kinh tế châu Á, chủ nhà vẫn nhận 8-10.000 USD/tháng. Còn FPT, oai như anh Đỗ Cao Bảo (nay là PTGĐ FPT) khi đấy cùng chỉ thường thuê văn phòng giá dưới 2.000 USD/tháng. 

Nhiều người khi đến thăm 75 Trần Hưng Đạo cho rằng chúng tôi sẽ toi sau vài tháng trả tiền thuê nhà. Còn chúng tôi cho rằng, chết một cách lịch sự thì cùng là một lựa chọn tốt. 

Năm 1997, FOX (tiền thân của FPT lỗ khoảng 50.000 USD.

Trương Đình Anh

(Theo sách "FOX tự hào có anh") 

Kể từ thời điểm Việt Nam chính thức kết nối với thế giới qua World Wide Web - 19/11/1997, Internet đã làm thay đổi sâu sắc đời sống sinh hoạt và thói quen của người dân. Đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có hạ tầng Internet, viễn thông hiện đại phủ khắp lãnh thổ. Những ý tưởng kinh doanh mới lạ, táo bạo và quyết liệt của FPT ngay từ khi tham gia thị trường đã góp phần xóa bỏ thế độc quyền về Internet và viễn thông trong nước, trở thành một trong những nhà cung cấp mang lại nhiều lợi ích và dịch vụ giá trị gia tăng cho người dùng nhất.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam (1997-2017) và hướng tới 30 năm thành lập Tập đoàn FPT (1988-2018), Chungta.vn trích đăng các bài viết từ thời sơ khai của mạng Trí tuệ Việt Nam đến khi trở thành nhà cung cấp “Mọi dịch vụ trên một kết nối” của FPT.

Ý kiến

()