Chúng ta

Ý nghĩa của ngày Phật Đản

Thứ sáu, 24/5/2013 | 10:33 GMT+7

Lễ Phật đản là lễ trọng của đạo Phật, diễn ra hằng năm vào ngày Rằm tháng 4 (âm lịch) để kỷ niệm ngày xuất thế và tưởng nhớ Đức Thế Tôn - người khai sáng đạo Phật.
> 'Qua đau khổ, khốn khó mới thấy mình hạnh phúc'

a

Phật Đản là ngày lễ quan trọng của đạo Phật. Ảnh: S.T.

Đức Phật có tên thật là Tất Đạt Đa, là thái tử con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Mada, thuộc bộ tộc Thích Ca, nước Ấn Độ cổ đại. Đại lễ Phật đản được lưu truyền từ ngàn xưa cho đến nay. Trước kia, một số nước ở châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản…đều làm lễ Phật đản vào ngày 8/4 (âm lịch) nhưng đến năm 1950, tại Hội nghị Phật giáo thế giới ở Sri Lanka đã quyết nghị lấy ngày trăng tròn đầu mùa hạ (ngày 15/4 âm lịch) làm ngày kỷ niệm Phật đản chính thức.

Theo thông lệ, hằng năm cứ đến ngày này, hầu hết các nước có Phật giáo và những người con của Phật đều long trọng tổ chức kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Từ năm 1999, Lễ Phật đản đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).

Ở Việt Nam, lễ Phật đản từ lâu đã trở thành lễ hội lớn của dân tộc, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức một cách trang trọng. Nhiều người hay gọi ngày Phật đản là “Mùa Phật đản” để hòa chung niềm vui cùng mọi người trên khắp thế giới mừng ngày Đức Phật ra đời. Đây cũng là dịp để khích lệ truyền thống văn hóa Phật giáo đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta nên được tổ chức long trọng, thu hút rất nhiều người tham gia, kể cả những người không có tín ngưỡng Phật giáo.

Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào đúng ngày Rằm tháng 4, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các tỉnh, thành còn tổ chức xe hoa diễu dành trên các đường phố; làm lễ phóng sinh, thả hoa đăng trên sông; tổ chức văn nghệ chào mừng Phật đản, thuyết giảng Phật pháp, đèn lồng và cờ Phật giáo được treo khắp các chùa, làm lễ đài tổ chức… có hàng nghìn tăng, ni, phật tử tham dự.

Đặc biệt, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành và các chùa cơ sở phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại địa phương tổ chức các hoạt động từ thiện, xây nhà tình thương, thăm hỏi và tặng quà bà con nghèo.

Đồng Bằng (tổng hợp)

Ý kiến

()