Chúng ta

Vừa canh vợ sinh con, vừa trực bão

Thứ tư, 20/9/2017 | 16:20 GMT+7

Khi tâm bão số 10 đổ bộ, quần thảo với sức gió ở cấp 12-13 (115-150 km/h), giật cấp 15, chị Nguyễn Thị Lệ Thủy trở dạ. Không còn phương tiện nào khác, Lê Văn Hải, cán bộ phòng Hạ tầng, FPT Telecom Hà Tĩnh, đành dùng xe máy vượt qua mưa lớn, cây ngã đổ, trời tối vì điện cắt để đưa vợ đi sinh.

Hải kể, dự báo ngày 15/9 bão vào Hà Tĩnh nên trong ngày 14/9, anh cùng đồng nghiệp xuống Kỳ Anh để giám sát triển khai hạ tầng, đẩy tiến độ cũng như rà soát đài trạm, tuyến cáp... Đầu giờ chiều xong việc, chàng cán bộ phòng Hạ tầng lại di chuyển 60 km về thành phố Hà Tĩnh để thực hiện các công việc tương tự theo quy trình phòng chống bão của FPT Telecom.

hai-fpt-ha-tinh-JPG_1505893914_150589394

Lê Văn Hải, cán bộ phòng Hạ tầng, FPT Telecom Hà Tĩnh, đi kiểm tra một container chứa thiết bị kỹ thuật của đơn vị.

Lúc 17h, theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn trung ương, tâm bão số 10 đang cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khoảng 470 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (100 đến 135 km/giờ), giật cấp 15. Tối 14/9, chi nhánh Hà Tĩnh cắt cử nhân sự trực bão, Hải được bố trí ở nhà và lịch trực của anh là ngày 15/9.

20h, sau khi hoàn thành công việc ở hiện trường và bàn giao các "điểm đen" cần chú ý cho đồng nghiệp, Hải trở về nhà nghỉ ngơi sau một ngày căng sức. Ăn vội bữa cơm tối, anh lại mở máy để kiểm tra hạ tầng, đài trạm và cập nhật thông tin cho đồng nghiệp, quản lý cấp trên.

Nửa đêm về sáng ngày 15/9, bão số 10 bắt đầu đổ bộ miền Trung. Đúng lúc vợ anh là chị Nguyễn Thị Lệ Thủy (26 tuổi) trở dạ. “Khoảng 2h sáng, vợ tôi kêu đau bụng. Trước đó một ngày, đi khám, bác sĩ còn bảo nếu 3-5 ngày nữa mà chưa chuyển dạ thì nên nhập viện”, Hải nhớ lại. Hai vợ chồng động viên nhau, cố chờ đến sáng mai rồi vào bệnh viện kiểm tra. “Vợ chồng thầm nhủ chắc vài bữa nữa mới sinh chứ không sớm thế này”.

Tuy nhiên, ôm bụng đi lại trong nhà, cơn đau của chị Thủy càng lúc càng dữ dội và dồn dập. Biết vợ sắp sinh nhưng ngoài trời gió bão rất to, chàng cán bộ quản lý hạ tầng không biết phải làm sao. Gọi taxi và xe cứu thương đều không được vì gió bão quật liên hồi, không xe nào dám chạy.

Ngoài trời, những trận cuồng phong của bão đã quật đổ cả những gốc cổ thụ, tốc mái hàng loạt ngôi nhà nên Hải rùng mình khi nghĩ đến cảnh đưa vợ vào viện bằng xe máy. “Quá nguy hiểm”, Hải lắc đầu.

Bão ngày một lớn. Người vợ trẻ càng kêu đau, dữ dội và dồn dập hơn. “Nếu không đưa vào bệnh viện kịp, cả mẹ và con đều nguy hiểm”, Hải kể lại.

Tình huống bí bách và nghẹt thở, đôi vợ chồng trẻ quyết định đi viện, đành đánh cược tính mạng trong cơn cuồng phong vần vũ của đất trời. Treo những túi đồ dành cho công cuộc sinh nở đã chuẩn bị sẵn lên xe trước khi mặc áo mưa thật kín cho vợ, Hải đề xe và nhấn cần gạt số phi vào bão lúc 4h sáng. Lúc này, vị trí tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình 180 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.

Từng cơn gió giật tưởng chừng có thể cuốn bay chiếc xe chở hai vợ chồng. Lo lắng tột độ, Hải cố ghìm xe thật chặt trong màn đêm đen đặc quánh do mưa bão, mất điện trên cung đường vắng tanh. Từng trận cuồng phong quét hất xe. Đường từ nhà đến bệnh viện bình thường gần thế nhưng đêm đó 7 km dường như vô tận. Thật may, cuối cùng Hải cũng đưa vợ đến được bệnh viện an toàn.

Nhanh chóng hoàn tất thủ tục nhập viện, chị Thủy được đưa vào phòng chờ sinh. Lúc sau, ông bà nội ngoại cũng kịp đến trợ giúp. Bão mỗi lúc một nặng thêm. Bồn chồn chờ đón đứa con đầu lòng, Hải cũng nóng lòng về hạ tầng của đơn vị. Trong khi ngồi bên ngoài chờ, chàng trai Hạ tầng dùng cả hai chiếc smartphone vào VPN để cập nhật thông tin các tuyến trục, cáp, đài trạm, POP, tập điểm… “Thời điểm bão rất căng thẳng với những người làm Hạ tầng. Ví dụ, khi mất điện, ắc quy cạn kiệt khiến đài trạm có thể nóng bất thường. Chúng tôi phải cập nhật liên tục để đảm bảo tổn thất tối thiểu”, Hải phân trần. Đôi tai cậu ngóng phòng sinh trong khi mắt và tay liên tục xử lý thông tin.

hai-fpt-ha-tinh-1-JPG_1505894371_1505894

Lê Văn Hải và 'Nữ tướng" Nguyễn Thị Thu Phượng, Giám đốc Trung tâm Quản lý đối tác phía Bắc (TIN), người đang chịu trách nhiệm điều hành 70 nhân sự từ Hà Nội vào hỗ trợ chi nhánh Hà Tĩnh và Quảng Bình khắc phục hạ tầng sau bão.

May mắn mỉm cười, 10h ngày 15/9, chị Thủy đã hạ sinh một bé trai an toàn. Để nhớ lần sinh “chạy bão”, vợ chồng anh Hải - chị Thủy dự định đặt tên con là Lê Hải Phong, ghép từ tên bố và "gió bão". “Khi ‘mẹ tròn con vuông’, tôi báo tin cho anh em chi nhánh. Mọi người cùng chúc mừng trong thời khắc đặc biệt bởi ai cũng đang căng thẳng chống bão”.

Có thời gian chưa đến một ngày vừa chăm vợ con vừa làm việc online, sáng 16/9, Hải trở lại công việc. “Trước đó, vợ có hỏi là khi sinh con chồng có được nghỉ phép không. Tôi đáp chắc nịch: "Có chứ. Anh sẽ nghỉ 3-5 ngày chăm em và con". Lâu rồi tôi cũng chưa nghỉ phép bởi công việc cứ cuốn đi. Giờ vợ sinh đúng bão, ở nhà được một ngày lại lên đường. Nhưng vợ tôi hiểu và thông cảm cho công việc của chồng”, Hải trầm tư.

Sáng 16/9, Hải cùng đồng nghiệp phi xe vào Kỳ Anh, địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất của Hà Tĩnh, để ứng cứu và xử lý sự cố. Ngay trong chiều, anh lại quay về thành phố Hà Tĩnh để tiếp tục công việc ngoài hiện trường trong cơn mưa chưa dứt. Tối đó, tranh thủ vào viện thăm vợ con, vừa về nhà thay đồ, Hải nhận được điện thoại thông báo hạ tầng khu vực Kỳ Anh gặp sự cố. 23h đêm, anh cùng đồng nghiệp khênh máy phát điện lên taxi để vào xử lý cho kịp. Ông bố trẻ thức trắng hai đêm liên tiếp.

Theo anh Phạm Trần Phúc Hậu, Giám đốc FPT Telecom Hà Tĩnh, trong công việc thường ngày, Hải là người nhiệt tình, xông xáo. "Tôi rất đồng cảm với câu chuyện của vợ chồng Hải khi vượt bão sinh con. Và trong hoàn cảnh "nước sôi lửa bỏng", bên cạnh trách nhiệm của người chồng - người cha, Hải vẫn đau đáu về công việc, vẫn tranh thủ hỗ trợ đồng nghiệp theo dõi, xử lý sự cố", anh Hậu bày tỏ.

Ngày 20/9, chia sẻ qua điện thoại khi đang trên đường xử lý hậu quả của bão, Hải cho hay, sau 4 ngày sinh con, chị Thủy vẫn bị tắc sữa nên em bé đang phải dùng sữa ngoài. “Người thân và đồng nghiệp có con cũng chia sẻ kinh nghiệm và bài thuốc dân gian. Các dấu hiệu có vẻ tốt. Hy vọng con sẽ sớm có sữa mẹ”.

Cơn bão số 10 đi qua miền Trung đã để lại hậu quả nặng nề nhưng cũng có những câu chuyện xảy ra trong bão khiến nhiều người không thể nào quên. Anh Hải kể, mỗi lần tranh thủ ghé nhà thấy bé con ngủ ngoan, yên bình trong vòng tay mẹ, bỏ lại sau lưng là kỷ niệm không thể quên của đêm giông bão con chào đời.

>> FPT Telecom 'ẵm' trọn giải Internet viễn thông Top ICT VN 2017

Nguyên Văn

Ý kiến

()