Chúng ta

'Vợ ơi, xin đừng buông tay anh nhé!'

Thứ ba, 21/1/2014 | 17:31 GMT+7

Thầm tính trong 5 năm ấy, đã biết bao lần anh Lê Xuân Kỳ, FPT IS FSE, đưa vợ ngược xuôi chặng đường Thanh Hóa - Hà Nội. Mỗi chuyến đi là một lần hy vọng và mang theo khát khao về điều kỳ diệu.
> San sẻ gánh nặng với một nhân viên FPT IS

Chiều cuối năm, trong cái giá buốt cắt da cắt thịt của tiết trời đông, chúng tôi gặp lại anh Kỳ tại sân Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Vóc dáng nhỏ bé, gầy guộc, co ro trong mảnh áo len cũ kỹ, râu tóc bù xù rất lâu ngày rồi chưa được cắt, đôi mắt lõm sâu, quầng thâm vì mất ngủ, chân đi đôi dép lê xỉn màu và bước đi lúc nào cũng chúi về phía trước đầy kham khổ. Đưa tay ra bắt, bỗng chợt ước sao cho bàn tay có thể nhỏ lại, tái xanh đi, đen xạm lại và lạnh thêm chút nữa để không quá khác biệt so với anh.

Anh Lê Xuân Kỳ

5 năm qua, anh Kỳ cùng chiến đấu với căn bệnh nhược cơ của vợ. Ảnh: Thiên Vũ.

Dẫn chúng tôi lên phòng bệnh thăm vợ, nhìn bước chân thoăn thoắt qua từng dãy hành lang, hết quay trái rồi quay phải xong lại leo các bậc cầu thang, một người trong nhóm tếu táo đùa: “Nếu có ai muốn vẽ sơ đồ bệnh viện thì có lẽ người làm tốt nhất chính là ông đấy”. Mọi người cùng cười, nhưng sao trong nụ cười lại chứa nhiều xót xa đến thế.

Nhìn vợ thiêm thiếp trên giường bệnh qua khung cửa kính, giọng anh Kỳ đều đều tâm sự với chúng tôi: “Vợ tôi bị nhược cơ đã 5 năm nay, bệnh này hiện tại y học chưa chữa trị dứt điểm được. Thông thường, chu kỳ phát bệnh là khoảng 3-5 tháng một lần. Mỗi lần như vậy đều phải đến Bệnh viện Bạch Mai để lọc máu. Sau khi lọc máu xong, cơ thể sẽ khá lên một chút nhưng vẫn không thể tự chăm sóc bản thân được mà vẫn cần người hỗ trợ. Chi phí để tiến hành lọc máu trong khoảng 35-50 triệu đồng kèm theo thuốc uống để duy trì cứ 4 tiếng/lần uống mỗi ngày”.

Gia đình

Gia đình khó khăn nên cũng không đỡ đần được gì hai vợ chồng nhiều. Hai đứa con anh đành gửi ông bà chăm sóc. Ảnh: Thiên Vũ.

Thầm tính trong 5 năm ấy, đã biết bao nhiêu lần anh đưa vợ ngược xuôi suốt chặng đường Thanh Hóa - Hà Nội. Mỗi chuyến đi là một lần hy vọng và khi trở về đều mang theo khát khao về điều kỳ diệu. Nhưng điều kỳ diệu thì mãi vẫn chưa đến, tài sản trong nhà thì đã chẳng còn gì đáng giá có thể bán. Hai đứa nhỏ mỗi đứa ở với một bên ông bà. Mà gia đình hai bên nội ngoại cũng thật hoàn cảnh, ông nội vì quá đau buồn mà lên cơn đau tim rồi ra đi mãi mãi. Bà nội và ông bà ngoại thì đã quá già, nửa đời người bán mặt cho đất bán lưng cho trời nuôi con, giờ lại tần tảo chăm lo cho cháu.

“Thôi thì rau cháo có nhau ông à, chỉ thương đứa thứ hai, khi sinh do thiếu tháng nên con nằm trong lồng kính tại Bệnh viện Thanh Hóa còn bố phải đưa mẹ ra đi Bệnh viện Bạch Mai lọc máu. Hơn 1 tuổi rồi mà chẳng mấy khi được ngậm bầu sữa mẹ và nhận sự chăm sóc đủ đầy của cha”. Nhìn vào mắt anh, chúng tôi thấy những giọt nước mặn chát như chực trào ra trên khóe mi. Mới 32 tuổi thôi mà vết thời gian đã giăng kín và nhằng nhịt hết trên khuôn mặt gầy gò.

Con gái lớn của anh học hành trong điều kiện thiếu thốn

Con gái lớn của anh Kỳ thiệt thòi hơn những bạn cùng trang lứa. Ảnh: Thiên Vũ.  

Ngăn vội dòng nước mắt, anh nín thở chăm chú dõi theo cái trở mình của vợ. Và khi những đau đớn đã giảm đi đôi chút trên gương mặt người bệnh thì lời nói kèm tiếng thở dài mới được bật ra: “Còn nước còn tát, tôi chỉ ước mong duy nhất là căn bệnh này sẽ sớm có phương pháp chữa trị hiệu quả. Tốn kém đến đâu tôi cũng không bỏ cuộc. Tôi thường động viên bà xã rằng, chỉ cần em không buông tay, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua tất cả”.

Mọi đóng góp hảo tâm để ủng hộ và san sẻ gánh nặng cho anh Lê Xuân Kỳ, xin gửi về địa chỉ:

Lê Xuân Kỳ

Quê quán: Xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Điện thoại: 0975630110.

Tài khoản: Chủ tài khoản Lê Xuân Kỳ, số 0451001645716 mở tại Ngân hàng Vietcombank Thành Công - Đống Đa - Hà Nội.

Hà Nguyễn

Ý kiến

()