Chúng ta

Viết sử ký dễ hay khó?

Thứ sáu, 7/6/2013 | 09:26 GMT+7

Viết gì hay viết như thế nào là những băn khoăn của CBNV FPT khi thời gian gửi bài sử ký chỉ còn một tuần nữa. Một loạt giải thưởng cùng với phạt “ trừ thưởng” vẫn đang treo lơ lửng.
> 'Viết sử ký về con người dễ dàng hơn' / FPT Telecom dẫn đầu với gần 700 bài viết sử ký / 'Sẽ sung quỹ từ thiện tiền phạt CBNV không viết sử ký'

Dưới đây là bài gợi ý cách viết sử ký dịp FPT tổ chức viết "Sử ký FPT 13 năm".  

Có lẽ nhiều người vẫn đang trăn trở với câu hỏi “Viết gì?”. Là người từng tham gia đội sử ký từ những ngày đầu tiên, người từng chứng kiến nhiều gương mặt rầu rĩ vì không được nhận thưởng ngày 13/9 năm FPT 10 tuổi, xin được chia sẻ một chút kinh nghiệm của bản thân, hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ dễ dàng trả lời câu hỏi “Viết gì?”, “Viết như thế nào?” và tự tin gõ những dòng đầu tiên.

Người FPT có thể sửa những bản báo cáo gắn liền với một sự kiện quan trọng thành một bài sử ký. Ảnh: C.T.

Người FPT có thể sửa những bản báo cáo gắn liền với một sự kiện quan trọng thành một bài sử ký. Ảnh: C.T.

Viết gì?

Bạn có thể viết về bất cứ chủ đề nào miễn là liên quan đến công ty, con người FPT. Bạn có thể viết về một trong số những chủ đề sau:

- Công việc: Công việc hằng ngày của bạn, của phòng hoặc trung tâm là những việc đáng ghi lại. Các quá trình thực hiện dự án, quá trình chuẩn bị cho một hội nghị, hội thảo, quá trình tạo ra một sản phẩm... là những đề tài cho một bài sử hay.

- Con người: Có thể viết về bản thân, anh bạn/cô bạn ngồi kề. Viết về một điển hình trong kinh doanh, trong hoạt động văn hóa. Bạn cũng có thể viết về một người bình thường, không có gì đặc biệt, nhưng lại ẩn chứa một sự bất ngờ mà bạn mới khám phá.

- Kinh nghiệm: Những kinh nghiệm kinh doanh, tổ chức, quản lý đặc biệt quý cho bộ sử ký FPT để lưu truyền lại thế hệ sau. Bạn có thể viết về kinh nghiệm của một lần đấu thầu, một lần thuyết phục được khách hàng hay một lần tổ chức thành công/thất bại hoạt động STCo, thậm chí kinh nghiệm về một cuộc tình.

- Hoạt động văn hóa: Các lễ hội của FPT rất đáng được ghi vào sử sách. Quá trình chuẩn bị của bản thân, của chi đoàn cho một lễ hội nào đó mà bạn tham gia, có lẽ bạn vẫn còn nhớ và có thể ghi lại. Đặc biệt, những lễ hội lớn của FPT như Lễ hội 10 năm, các cuộc thi ấn tượng bạn phải chuẩn bị rất công phu, tại sao bạn lại không ghi lại.

- Kỷ niệm đáng nhớ: Những bước ngoặt đáng nhớ, những tranh luận về một hướng đi, những kỳ thi căng thẳng, kỷ niệm thuở ban đầu, kỷ niệm về một lần thất bại/thành công, kỷ niệm với một đồng nghiệp, những bất ngờ ngoài mong đợi... đó là những đề tài hay cho bài sử ký.

Chỉ cần bạn gạch đầu dòng và kể ra những sự kiện, thời gian, địa điểm... là bạn đã có một bài sử ký để nộp. Ảnh: C.T.

Chỉ cần bạn gạch đầu dòng và kể ra những sự kiện, thời gian, địa điểm... là bạn đã có một bài sử ký để nộp. Ảnh: C.T.

Viết như thế nào?

Có nhiều người cứ kêu ca “dốt đặc môn văn, chẳng biết viết gì” nhưng viết sử thực ra không cần thiết phải giỏi văn. Chỉ cần nhớ sự kiện, bạn hoàn toàn có một bài sử hay. Bạn có thể chọn một trong những cách viết sau:

- Tin tức: Hãy cố gắng trả lời được càng nhiều câu hỏi dạng What, Where. When, Who, Why, How càng tốt. Như vậy bài viết của bạn sẽ chi tiết, cụ thể. Bạn có thể sắp xếp thông tin theo khối hoặc theo trật tự thời gian.

- Nhật ký, ký sự: Đây là cách viết dễ nhất. Chỉ cần gạch đầu dòng kể ra những sự kiện, thời gian, địa điểm, người thực hiện... Như vậy với một tuần làm việc, một quá trình làm dự án, một khóa đào tạo, một hoạt động văn hóa... bạn đã có một bài sử ký để nộp và không bị mất khoản thưởng.

- Ghi chép, phóng sự: Để có một bài phóng sự hay thì khó, nhưng một phóng sự theo dòng thời gian, ghi chép lại những câu chuyện xảy ra trên đường đi của bạn khi thực hiện một công việc nào đó chắc không phải là khó khăn.

- Báo cáo, tổng kết: Hầu như ai cũng từng làm báo cáo, từng phải viết bản mô tả công việc. Bạn hoàn toàn có thể chỉnh sửa những bản báo cáo gắn liền với một sự kiện quan trọng nào đó thành một bài sử ký.

- Tản mạn: Bạn có những băn khoăn, trăn trở, bạn đang có suy tư về một mô hình quản lý, về phương pháp thực hiện, phương thức kinh doanh... Hãy viết ngay những suy nghĩ đó ra, bạn sẽ có bài sử ký đáng giá.

- Mô tả chân dung: Người đồng nghiệp ngồi cạnh có khuôn mặt bầu bĩnh, có đôi mắt lúng liếng, có nước da trắng hồng, rất hay cười và giúp đỡ người khác. Người đó đã thực hiện được một loạt công việc mà bạn cứ tưởng rằng sức liễu yếu đào tơ không thể làm nổi. Cứ lần lượt liệt kê những tính cách, công việc, những bất ngờ mà bạn khám phá được, bạn sẽ có một bức chân dung sống động về người đồng nghiệp của mình.

- Viết truyện: Đây là một thể loại văn học, hơi khó viết nhưng hấp dẫn hơn. Có thể từ những sự kiện, nhân vật trong công ty, bạn xây dựng thành một câu chuyện dã sử với những tình tiết rùng rợn hoặc bất ngờ.

- Làm thơ: Làm văn... vần, nhạc kịch hay bất kỳ một thể loại nào có thể ghi lại cảm xúc của bạn đều được chấp nhận. Thơ là thể loại có thể viết nhanh nhất. Vài câu văn vần xuống dòng, bạn đã có một bài thơ được coi là hoàn chỉnh.

5 bước "kinh điển" để thực hiện một bài viết:

- Hình thành ý tưởng.

- Thu thập dữ liệu.

- Phân tích dữ liệu và lập dàn bài.

- Viết bản thảo: Hãy viết nhanh ngay những gì mình nghĩ ra. Đừng chần chừ, cầu toàn.

- Đọc lại và hoàn thiện bài viết.

(Chúng ta số 144)

Ý kiến

()