Chúng ta

Về quê ăn Tết

Thứ tư, 18/1/2012 | 14:51 GMT+7

Quanh năm tất bật với công việc, Tết là dịp để những cán bộ nhân viên (CBNV) FPT được nghỉ ngơi và đoàn tụ với gia đình.

Cặm cụi gõ những con số vô hồn từ trang giấy lên màn hình máy tính, chốc chốc chuông điện thoại lại reo lên khiến Phạm Thị Tú Anh, Kế toán tổng hợp của Công ty TNHH Bán lẻ FPT (FPT Retail Hà Nội), phải tạm gác việc để nhấc máy. Cô đang cố gắng giải quyết đống sổ sách để ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết có thể “nhấc mông” khỏi văn phòng sớm hơn một chút.

Phạm Thị Tú Anh du Xuân trong dịp Tết 2010 tại quê nhà. Ảnh: NVCC.

Phạm Thị Tú Anh du Xuân trong dịp Tết 2010 tại quê nhà. Ảnh: NVCC.

Năm ngoái, cố gắng lắm cũng phải 6h chiều (2/2/2010) cô mới từ công ty về nhà trọ. Tranh thủ đi mua quà cho người thân đến 8h, sau đó cô gái trẻ lại phải nhanh chóng ra ga để kịp giờ tàu chuyển bánh về Vinh ăn Tết.

Từ Hà Nội về TP Vinh mất khoảng 8 tiếng đi tàu. Nhưng thời gian để Tú Anh có thể mua được vé là từ hai tháng trước. Cô phải trực tiếp ra tận ga để xếp hàng mua vé. “Nếu chậm chân, chỉ có nước ngồi ghế phụ kê dọc hành lang, vừa mỏi vừa bất tiện. Còn đen đủi nhất thì không mua được vé tàu”, Tú Anh nói.

Cô cho biết, có năm vì không mua được vé, cô phải chịu trận ngồi ở ghế phụ. Đau khổ nhất là tàu đông, ghế của cô bị dồn ngay sát phòng vệ sinh của tàu, báo hại cô được “tận hưởng trọn vẹn” một chuyến đi mệt lử và khó chịu vô cùng. Do đó, rút kinh nghiệm những năm sau, cô luôn phải mua vé thật sớm để có ghế ngồi cố định.

Thân gái xa nhà, Tú Anh không có nhiều thời gian để cùng với bố mẹ sắm Tết. Thời gian nghỉ ngơi và đi chơi năm mới cùng không được trọn vẹn như nhiều đồng nghiệp, bởi chỉ tính riêng thời gian về nhà và từ nhà lên Hà Nội cũng đã “ngốn” mất 2 ngày.

Nhiều khi nghĩ cũng cực, nhưng Tú Anh chia sẻ, cô muốn ở lại Hà Nội và làm việc tại FPT vì văn hóa công ty không phải ở đâu cũng có được. Điều cô mong nhất bây giờ là Tết năm nay sẽ được thưởng một khoản kha khá để có thêm tiền mừng tuổi cho bố mẹ.

Nhắc đến việc tàu xe đi lại trong dịp Tết, Lại Hoàng Sơn, Công ty TNHH Dịch vụ Hệ thống thông tin FPT (FPT IS Services, thuộc FPT IS), cũng không quên được kỷ niệm “thương đau” của mình. Năm trước, anh mua vé ôtô về nhà ăn Tết. Quãng đường từ Hà Nội đến Thanh Hóa chỉ có 4 tiếng nhưng vì là dịp cuối năm, nhà xe tranh thủ kiếm khách nên thời gian đi kéo dài gấp đôi.

“Xe đi mất 8 tiếng, ghế cho 4 người bị nhồi tới 8 người khiến tôi bị kẹt cứng và không thể cử động được”, Sơn nhớ lại.

Sau lần ấy, anh cũng rút kinh nghiệm trực mua vé tàu trước Tết hai tháng. Cảm giác là một trong ba người cuối cùng mua được tấm vé của chuyến tàu khiến mỗi khi nhớ đến anh đều thấy “bồi hồi” nhớ Tết.

Sơn tâm sự, đây là Tết đầu tiên anh đi làm, do đó, gần Tết anh sẽ mua quà cho người thân và sắm sửa một chút đồ cho mình.

Ngoài ra, trong kỳ nghỉ lễ dài này, anh đang lên kế hoạch liên hoan một vài buổi, đi chơi, ăn uống cùng với bạn bè tại quê nhà. Còn trong năm tới, Sơn sẽ cố gắng làm việc và học hỏi để gắn bó lâu dài với FPT IS vì anh rất thích môi trường làm việc ở đây.

Công tác ở xa nhà nên cả năm Huỳnh Long Vũ, FPT Trading Cần Thơ, chỉ về nhà được một lần vào đúng dịp Tết. Thế nhưng, Vũ vẫn chưa mua được vé tàu về TP HCM mặc dù đã đặt mua qua mạng từ rất sớm. Hiện, anh hy vọng bạn bè có thể mua giúp để không bị lỡ thời gian về nhà.

Vũ cho hay, là đàn ông nên Tết với anh cũng đơn giản. Anh chưa chuẩn bị gì nhiều và chưa có kế hoạch gì. Nhưng do ở xa nên năm nay anh sẽ xin nghỉ sớm một ngày để kịp về Sài Gòn đón năm mới.

Cùng chung tâm trạng ấy, Lâm Hoàng Sơn (FPT Software Đà Nẵng), chia sẻ, anh không chuẩn bị gì nhiều ngoài việc chờ thưởng và lo đặt vé máy bay giá rẻ về quê mỗi khi năm mới sắp về.

Chàng trai đất Cảng tâm sự, về quê ăn Tết, anh rất vui vì sẽ được thưởng thức những món ăn yêu thích từ ngày bé. Không khí cả nhà chuẩn bị đón Tết đầm ấm cũng là một trong những động lực mạnh mẽ để anh mong sớm được về nhà.

Hoàng Sơn có sở thích khá đặc biệt là nuôi chim sẻ. Do Tết năm nay nghỉ dài hơn mọi năm, nên việc chăm sóc cho những chú chim nhỏ là điều khiến anh bận tâm nhất khi về quê ăn Tết. Cuối cùng, anh cũng tìm ra được giải pháp để có thể yên tâm về Hải Phòng mà chim không bị bỏ đói, đó là chia cho mỗi chú chim nhỏ một khẩu phần ăn trong vòng 10 ngày.

Nhớ về kỷ niệm của mình trong dịp Tết, Sơn cho biết, năm 2009, anh về quê nghỉ 5 ngày. Ngay hôm mùng 1, anh đến nhà người bạn thân uống rượu, vì vui quá mà không nghĩ tới hậu quả khôn lường. Kết cục, anh bị say đến cả 4 ngày hôm sau. Người mệt lử, chỉ có uống nước và nôn khan.

Cũng may, run rủi thế nào vào đúng ngày phải lên máy bay vào Đà Nẵng đi làm, anh đã hồi phục. Từ đó, anh “cạch” kiểu “ăn Tết” như vậy.

Đón chào năm mới, Sơn đang lên kế hoạch nuôi thêm được nhiều chim hơn nữa để có thể thỏa mãn niềm đam mê của anh với loài sinh vật cảnh đáng yêu này.

Là con gái nhưng với tính cách thích bay nhảy, Ngô Thị Ngọc Loan (FPT Trading HCM), đã quyết định lập nghiệp tại TP HCM. Như mọi năm, Tết Nhâm Thìn tới, chị sẽ về Thanh Hóa ăn Tết với ba mẹ. Từ ngày còn là sinh viên, chị đã sống xa nhà. Do đó, những dịp được đoàn tụ cả gia đình, nhất là Tết, không thể vắng mặt.

Hành trình về quê ăn Tết của chị trải dài đúng dọc chiều dài đất nước. Sau khi từ Sài Gòn bay ra Hà Nội, chị thuê xe để về Thanh Hóa. Chị cho biết, thuê xe tiện lợi hơn rất nhiều. Dù đắt hơn vé tàu nhưng lại được ngồi thoải mái chứ không phải chen lấn như xe khách. Cái chính vẫn là chị có thể tiết kiệm được khoảng thời gian đứng chen chân ở ga để mua vé tàu và không bị nhỡ xe.

Ngô Thị Ngọc Loan (thứ 2 từ phải sang) cùng bạn bè trong đêm Giao thừa. Ảnh: NVCC.

Ngô Thị Ngọc Loan (thứ 2 từ phải sang) cùng bạn bè trong đêm Giao thừa. Ảnh: NVCC.

Tết đến, Loan thích nhất là được cùng gia đình đón đêm Trừ Tịch (Giao thừa) và ngắm pháo hoa chào mừng năm mới. Mặc dù ở quanh năm trong Nam, chị vẫn duy trì những tục lệ Tết truyền thống ngoài Bắc. “Chiều 30, tôi với mẹ làm cơm cúng tất niên. Rồi đêm thì làm cơm cúng Giao thừa ngoài trời. Sau khi đồng hồ điểm 12h thì bắt đầu vào chúc Tết và chúc tuổi ba mẹ”, Loan kể.

Nhiều năm được mời đi xông đất, chị cảm thấy thích thú với Tết hơn vì ngoài việc đem đến niềm vui cho người khác, chị cũng được nhận lì xì kha khá dù đã qua cái tuổi “trẻ trâu”.

Tết năm nay với Nguyễn Thanh Ngân (FPT Telecom Hà Nội) chắc chắn sẽ rất khác. Quê ở Hà Nội, đây là năm đầu tiên cô về ăn Tết tại quê chồng ở Việt Trì.

Là dâu mới, Ngân thấy hơi lo lắng. Cô chưa biết phải chuẩn bị Tết ra sao, mua quà gì biếu bố mẹ và gia đình chồng. Đấy là còn chưa kể, lần đầu không được ăn Tết với bố mẹ ruột, thế nào cô cũng khóc vì nhớ nhà.

Hiện tại, hai vợ chồng cô đã lên xong kế hoạch nghỉ Tết. Biết vợ lần đầu xa nhà, nên ông xã của Ngân quyết định trước khi về quê ăn Tết sẽ ở nhà ngoại một hôm. Sau ngày mùng 1 Tết, vợ chồng cô sẽ xuống Hà Nội để thăm họ hàng bên ngoại. Thời gian còn lại sẽ về Việt Trì và nghỉ ngơi ở đây.

Mẹ chồng Ngân rất hiền lại khéo tay nên năm nay, cô sẽ không phải tự mình lo việc nấu nướng mà cùng với bà làm cơm tất niên, cơm Tết cho cả gia đình. “Vừa đỡ mệt, lại là dịp hai mẹ con thêm gắn bó”, Ngân vui vẻ nói.

Cô dự tính cũng chồng đi sắm sửa ít đồ để trang hoàng nhà cửa và chào đón năm mới. Ngân cũng đang hy vọng vào khoản thưởng Tết để có thể chuẩn bị tiền mừng tuổi cho ông bà, bố mẹ và các cháu nhỏ của hai bên gia đình một cách chu đáo.

“Giao thừa ở quê không nhộn nhịp, vui tươi như ở Hà Nội, nhưng được vui cùng với những người thân trong gia đình nên năm nào tôi và bã xã cũng về Phú Thọ ăn Tết”, Nguyễn Khánh Tiệp, Ban Nhân sự FPT (FHR), nói về kỳ nghỉ Tết của mình.

Không có kỷ niệm nào nổi bật khi về quê ăn Tết, nhưng anh kể rằng, năm nào vợ chồng anh cũng cãi nhau với lý do muôn thuở: Ở nhà ngoại mấy ngày? Ở nhà nội bao nhiêu lâu?

Anh Tiệp quê ở Đoan Hùng, vợ anh là gái Hà thành. Vì thế, cứ đúng dịp nghỉ Tết, “kịch bản” trên lại diễn ra. Anh phải giải thích với bà xã rằng cả năm sinh sống ở dưới này, chỉ khi Tết đến mới về quê sum tụ với gia đình mọi chuyện mới êm thấm.

Hai năm trở lại đây, vợ chồng anh đều thuê xe về quê cho tiện. Vừa để được nhiều đồ, lại vừa an toàn và không mất thời gian chờ đợi.

Đón năm mới, anh đang hy vọng sẽ nhận được một khoản tiền thưởng xứng đáng với công sức đã bỏ ra để chuẩn bị sắm sửa một cái Tết sung túc và đầy đủ hơn cho cả nhà. Ngoài ra, vợ chồng anh cũng lên kế hoạch sinh em bé trong năm Nhâm Thìn 2012.

Tô Ngà

Ý kiến

()