Chúng ta

'Văn hóa công ty cần được thẩm thấu trong mỗi người FPT'

Thứ sáu, 20/12/2013 | 15:21 GMT+7

"Văn hóa cá nhân hoàn toàn có thể thay đổi khi vào môi trường doanh nghiệp. Tại đây, cái chung và cái riêng sẽ được dung hòa để tạo nên bản sắc riêng cho công ty. Tôi rất mừng vì FPT làm được điều này", bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ.
> ‘Hãy tìm ra giá trị lõi của mình’

fli-tonnuthininh-457768-1413015547.jpg

"Ai cũng có thể trở thành những vị đại sứ cho đất nước, đơn vị nếu họ có phương pháp", nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh châu Âu khẳng định cùng người FPT trong chương trình FLI Club tháng 12.

Theo nữ ngoại giao kỳ cựu, văn hóa ở mỗi công ty có thể ảnh hưởng đến lối nghĩ của từng cá nhân. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau do quá trình ứng xử giữa đồng nghiệp. Chính vì thế, "văn hóa doanh nghiệp cần mang tính hai chiều để nhân viên có thể hưởng ứng mà tránh áp đặt theo suy nghĩ của lãnh đạo. Đồng thời, văn hóa ấy cũng có thể thay đổi để phù hợp với thời đại", bà Ninh khẳng định.

Với văn hóa dân chủ trong làm việc mà FPT đang xây dựng, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh châu Âu vui mừng trước nét đẹp này. "Đây là văn hóa tốt, cần được khuyến khích. Nhưng áp dụng thì các sếp cũng cần bản lĩnh để có thể kiểm soát tốt cảm xúc trước những câu nói "động chạm" của nhân viên. Đồng thời, khi cấp dưới phản ánh đúng thì cần biết sửa sai. Phía nhân viên cũng cần tránh lạm dụng để gây xáo trộn nội bộ".

Bên cạnh đó, bà cũng thích thú khi FPT có văn hóa "không biếu quà sếp". Theo bà, đây là nét đẹp cần được duy trì. Nhưng cần phân biệt giữa quà tinh thần và quà mang dụng ý. "Nếu quà tinh thần thì các sếp hoàn toàn có thể nhận. Chẳng hạn, nhân viên tặng bánh thì lãnh đạo có thể mời cả phòng dùng chung để tránh ái ngại cho cấp dưới. Nhưng nếu đằng sau là giá trị mang tính quy đổi thì nên tránh. Các bạn có thể vận dụng linh hoạt, tránh máy móc", Phó Chủ tịch Quỹ Hòa Bình Việt Nam chia sẻ.

a

Phong thái tự tin trong giao tiếp của bà làm người đối diện nể phục.

Nét văn hóa ấy còn phụ thuộc rất lớn vào bản dạng của xã hội Việt Nam. Theo đó, người Việt đã tôi luyện các nét riêng có vào cốt cách dân tộc qua những cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ dân tộc. Qua thực nghiệm, bà Ninh cho rằng, người Việt Nam có các nhóm yếu tố tính cách chính: Lạc quan, năng động cầu tiến, đàng hoàng, tự tin. "Chúng ta còn được bạn bè thừa nhận yếu tố thông minh. Tuy nhiên một người Việt có thể "chọi lại" một người Nhật. Nhưng một nhóm Việt Nam làm việc sẽ thua hẳn nhóm Nhật Bản. Đấy là do chúng ta thiếu phương pháp trong áp dụng thực tế", bà nhấn mạnh.

Từ những yếu tố thuận lợi trong văn hóa Việt, kết hợp văn minh thời đại, dân tộc ta đang dần thích nghi tốt với sự tiến bộ của thế giới. "Dân tộc Việt Nam cởi mở với người nước ngoài. Đồng thời hưởng ứng mạnh mẽ cách mạng công nghệ kỹ thuật số. Đây là động lực to lớn để chúng ta tiến lên", cựu Đại sứ nói thêm. Bà dẫn chứng, một lãnh đạo của truyền hình Mỹ khi sang thăm Hà Nội từ Nhật Bản đã bất ngờ trước sự chuyển mình của Việt Nam và thốt lên: "Hà Nội - Việt Nam đa kết nối".

a

Buổi trò chuyện diễn tại tòa nhà FPT Tân Thuận, quận 7, TP HCM. Chương trình thu hút khá đông CBNV tham dự.

Tồn tại cùng những thuận lợi văn hóa, người Việt ở trong và ngoài nước còn đang vướng khá nhiều thói xấu. Bà Ninh tỏ ý buồn cho thói quen dùng tiếng nước ngoài xen lẫn không cần thiết hay dùng hẳn trong giao tiếp với chính người Việt (biết tiếng Việt). Hay sự đi xuống của một bộ phận người dân trong ứng xử hằng ngày: "Tôi không hiểu tại sao người ta lại có thể "hôi" bia của người tài xế khi anh ta đang gặp nạn. Thay vì mỗi người có thể chung tay giúp đỡ".

"Ở mỗi tính cách xấu và đẹp, chúng ta cần có những ứng xử phù hợp: Phát huy cái đẹp và cải thiện điều xấu. Đây là trách nhiệm của mỗi người và cần được Nhà nước điều phối cụ thể". Theo bà, tại Hàn Quốc đã có một ủy ban chuyên trách về vấn đề này. Và bà cũng mong Việt Nam sẽ có cơ quan tương tự.

a

Nhiều lãnh đạo các công ty thành viên của FPT tới dự: Trong ảnh: GĐ Nhân sự FPT Telecom Phạm Thị Thanh Toan (trái) và chị Nguyễn Thị Hồng Hà, phòng Chiến lược FPT.

Khi nhắc đến các vấn đề xã hội, bà Ninh rất hăng say nhưng khi nói về bản thân thì người làm công tác đối ngoại ấy lại đằm thắm như bao người phụ nữ Huế. "Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có lối sống giản dị. Cha mẹ tạo tính tự lập từ nhỏ. Tôi không để họ nhắc nhở mà tự làm các công việc có thể. Điều này dần tạo thành tác phong", bà tâm sự.

Ở định hướng tương lai, bà sẽ tiếp tục theo đuổi và cổ vũ cho hai đối tượng chính là phụ nữ và thanh niên. Cựu đại sứ còn mong muốn "truyền lửa" cho các thế hệ đi sau về công tác truyền thông, quan hệ đối ngoại: "Ai cũng có thể trở thành những vị đại sứ cho đất nước, đơn vị nếu họ có phương pháp. Tôi sẽ cố gắng truyền tải các phương pháp này đến mọi người".

a

GĐ Nhân sự Đặng Thị Huệ Chi và Giám đốc Công nghệ FPT Online Đinh Lê Đạt (ngoài cùng bên phải) chăm chú theo dõi chương trình.

Những chia sẻ của bà Tôn Nữ Thị Ninh đã làm ấm lòng người FPT trong buổi trò chuyện do FLI Club tổ chức tại tòa nhà FPT Tân Thuận (TP HCM), vào tối ngày 19/12. Với bà, đây là lần thứ ba tiếp xúc với người FPT. "Các bạn cho tôi cảm giác thú vị. Người FPT luôn cởi mở và sẵn sàng đưa ra ý kiến. Mỗi người trong chúng ta cần biết mình là ai, biết chắc cá nhân và gốc gác bản sắc dân tộc. Thỉnh thoảng, hãy dừng lại để nhìn lại quá khứ. Một dân tộc sẽ không có tương lai nếu không biết lịch sử. Tôi mong những bạn trẻ FPT sẽ đóng góp nhiều và nhanh hơn cho sự phát triển của công ty, đất nước", bà nhắn nhủ.

Buổi trò chuyện khép lại để đằng sau là sự tiếc nuối của nhiều người FPT. "Tôi còn mong hỏi thêm cô về các sản phẩm thủ công Việt Nam nhưng tiếc là thời gian của chương trình đã hết. Diễn giả tạo cho tôi sự gần gũi, đằng sau nền tảng kiến thức sâu rộng", chị Phạm Thị Hồng Trâm, FPT Online, chia sẻ mong muốn có thêm dịp được gặp bà Tôn Nữ Thị Ninh.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh sinh ngày 30/10/1947, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia như Bỉ, Hà Lan... Bà cũng đã giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam. Bà có vai trò tích cực trong lĩnh vực đối ngoại của Việt Nam.

Cuối tháng 2 vừa qua, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noël Poirier đã trao huân chương Bắc đẩu Bội tinh hạng Ba (cao nhất là hạng Năm), huân hương cao quý nhất của Cộng hòa Pháp, cho bà Tôn Nữ Thị Ninh tại TP HCM.

Dy Khoa

Ảnh: Nghệ Nguyễn

Ý kiến

()