Chúng ta

Từ chàng sửa máy tính 'dạo' tới Trưởng nhóm kiểm soát nội bộ FPT Retail

Thứ hai, 9/7/2018 | 14:03 GMT+7

“Khi có người gọi sửa máy tính, tôi lại chuẩn bị “đồ nghề”, ngồi trên chiếc xe máy cũ di chuyển hàng chục cây số không kể nắng, mưa, bụi bẩn… tới phục vụ khách hàng. Ban đầu cứ nghĩ chia tay với nghề này, đầu quân vào FPT Retail tôi sẽ không phải di chuyển nhiều nhưng…tôi đi lại nhiều hơn thế”, anh Trịnh Thế Trung, Trưởng nhóm kiểm soát nội bộ FPT Retail chia sẻ.

Tốt nghiệp đại học ngành CNTT, anh Trung bắt đầu kiếm sống bằng nghề sửa máy tính, lập trình Web, cài Win dạo. "Thời điểm đó, công việc chính của tôi là lập trình, cài Win, sửa máy tính... Cứ ở đâu có khách hàng gọi, tôi lại chuẩn bị “đồ nghề” cùng chiếc xe cũ không kể nắng, mưa, xa gần… tới phục vụ khách hàng”, anh kể.

Vì công việc phải đi lại nhiều, nắng mưa vất vả mà thu nhập bếp bênh, anh quyết định “nhảy việc”, tìm một môi trường khác. Như cơ duyên, năm 2010, anh gia nhập FPT Retail, làm việc tại kho ở shop 92 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đến năm 2012, anh được bổ nhiệm vào đội Taskforce miền Bắc hỗ trợ các shop mới mở. Từ cuối năm 2012 đến nay, anh làm việc bộ phận kiểm soát nội bộ FPT Retail.

Chàng kiểm soát trẻ chia sẻ, những ngày đầu làm việc mọi thứ đối với anh đều mới lạ, anh phải nỗ lực ghi nhớ những quy định, nguyên tắc, quy trình khi làm việc… “Thời điểm đó, tôi rất may mắn được hai chị là Phan Tường Linh (nay là giám đốc FPT Retail Hà Nội), chị Vũ Thanh Huyền (Kế toán trưởng FPT Retail) hướng dẫn, chỉ bảo khi làm nghề này”, anh Trung nói.

32721338-1942543165790547-83337754710869

"Nếu không có đồng nghiệp, tôi đã nghỉ việc lâu rồi", anh Trịnh Thế Trung (đứng thứ hai từ phải qua trái), Trưởng nhóm kiểm soát nội bộ FPT Retail, Top 100 cá nhân xuất sắc FPT Retail 2017. Ảnh: NVCC

Năm 2013, vụ thất thoát hàng trị giá hàng tỷ đồng tại Lào Cai là bài học đầu tiên kể từ khi anh “chân ướt chân ráo” bước vào nghề.

“Thời điểm đó, khi về shop ở Lào Cai kiểm kê hàng, tôi thấy số lượng hàng thất thoát lớn nhưng chưa tìm ra người biển thủ. Tôi đành phải giữ bạn quản lý trưởng của hàng lại, ký vào biên bản thất thoát hàng hóa", anh nhớ lại. "Nhưng lúc đó, người nhà bạn quản lý đã tới đòi người, bản thân chúng tôi không phải công an, nên không có quyền giữ người. Giữa sức ép phía gia đình đồng nghiệp, sức ép anh chị ở trên dội xuống, tôi rất lo lắng. Nhưng sau đó, mọi chuyện đã được giải quyết tốt đẹp”.

Sau sự cố “lớn” đầu tiên đó, anh càng đề cao câu nói của chị Linh ngay những ngày đầu bước vào nghề. “Khi làm kiểm soát, em phải ghi nhớ nguyên tắc: Hàng vào có giấy tờ vào, hàng ra có giấy tờ ra. Khi hàng thất thoát, lục lại giấy tờ, mọi chuyện sẽ được giải quyết”.

Theo anh, khi làm kho, xuất hàng, nhập hàng, giấy tờ hóa đơn ghi chép lại chính là những thứ quan trọng nhất. Bởi nếu có sự cố xảy ra, hàng hóa bị thất thoát, tất cả mọi người sẽ phải chịu trách nhiệm. Cách tìm ra thủ phạm nhanh nhất chính là lần theo dấu vết giấy tờ trên. Đây là bài học đầu tiên anh rút ra sau sự cố thất thoát hàng tỷ đồng ở shop tỉnh.

32765924-1679079098874820-35637024404463

"Đi công tác các tỉnh liên tục, đến khi nghỉ vì tai nạn, tôi lại thấy nhớ bứt rứt", chàng trưởng nhóm kiểm soát nội bộ FPT Retail (thứ 3, từ phải qua) bộc bạch. Ảnh: NVCC

Những năm tháng sau đó, chàng trai làm kiểm soát vẫn liên tục xách balo tới những vùng đất, tỉnh thành – nơi có cửa hàng bán lẻ của FPT Retail. Tại đó, anh quen thên nhiều người bạn mới, những đồng nghiệp mà số lần gặp nhau đếm trên đầu ngón tay.

“Nếu không có đồng nghiệp, tôi đã nghỉ việc lâu rồi”, anh Trung lặp đi lặp lại câu nói. Với anh, mỗi chuyến đi luôn có những đồng nghiệp tận tình bên cạnh. “Mỗi khi shop mới khai trương, tôi và đồng nghiệp trong nhóm cùng các bạn ở tỉnh phải làm việc tới 5-6 giờ sáng, liên tục trong vài ngày liền. Lúc đó, hầu như chúng tôi ăn, ngủ nghỉ cùng với nhau ngay tại shop”, anh Trung trải lòng.

Sau mỗi chuyến đi đó, chàng trai kiểm soát nội bộ nhận ra tình đồng nghiệp thiêng liêng và đáng trân quý. Bởi nếu không có họ, anh sẽ chẳng làm được điều gì. “Công việc kiểm soát của tôi sẽ nhàm chán nếu không có sự giúp đỡ, đồng thuận của đồng nghiệp – những người sát cánh bên tôi lúc khó khăn nhất”.

16299776-1552538528109525-68711405256106

Bố mẹ, vợ con là chỗ dựa vững chắc cho tôi hoàn thành tốt công việc hiện tại. Ảnh: NVCC

Trưởng nhóm kiểm soát nội bộ FPT Retail nhận định: “Làm nghề kiểm soát cũng giống như công an, nếu bạn nhát gan, bạn sẽ không tìm ra sự thật”. Bởi theo anh, ngoài những khoảng sáng bên ngoài, vẫn có những góc khuất- nơi có những người sẵn sàng “ăn thịt” bạn. Không chỉ có tâm vững, kỹ năng nghề tốt, yêu nghề, theo anh Trung, làm nghề kiểm soát còn phải có “duyên”.

Anh từng bị tai nạn giao thông trong một chuyến đi công tác tại Quảng Ninh. Thời điểm đó, FPT Shop mở thêm cửa hàng tại tỉnh này, anh là người được cử tới giám sát hàng hóa nhập vào cũng như chuẩn bị các khâu để khai trương cửa hàng.

Sau khi shop khai trương thuận lợi, anh trở về Hà Nội thì gặp tai nạn. Lúc đó, anh bị đứt dây chằng ở đùi và phải nghỉ việc tại nhà. Tưởng chừng sau sự cố đó, anh sẽ chia tay với nghề, nhưng vì đồng nghiệp động viên, gia đình chăm sóc, anh đã sớm trở lại.

Trải qua rất nhiều thăng trầm trong quá trình làm việc, năm 2017, anh trở thành Trưởng nhóm kiểm soát nội bộ FPT Retail. Đây là phần quà xứng đáng anh nhận được sau 7 năm làm việc không ngừng nghỉ. Niềm vui nhân đôi khi anh trở thành 1 trong 100 nhân viên xuất sắc của FPT Retail năm 2017.

Thành công hôm nay đối với anh Trung ngoài nỗ lực bản thân còn có sự hỗ trợ đắc lực từ gia đình. "Gia đình là chỗ dựa vững chắc cho tôi khi làm việc. Vì thế, tôi không phải lo lắng khi vác balo tới các tỉnh, thành phố để làm việc”.

>> FPT Retail bất ngờ vượt FPT Telecom về tỷ lệ luân chuyển cán bộ

Thúy Ngân

Ý kiến

()