Chúng ta

TS. Lê Trường Tùng: 'Giáo viên sẽ không còn là người giảng dạy nữa'

Thứ hai, 27/11/2017 | 14:35 GMT+7

Theo Chủ tịch ĐH FPT Lê Trường Tùng, để giúp học sinh có thêm các kỹ năng mềm ngoài kỹ năng truyền thống như tính đọc, viết, tính toán, sự trải nghiệm trong quá trình học sẽ là yếu tố quyết định. Để đạt được điều đó, định nghĩa người thầy sẽ không phải là "teacher" (người giảng dạy) nữa, mà sẽ là "mentor" hay "coacher" (người hướng dẫn, đồng hành).

Ngày 26/11, Hội nghị giáo dục FPT Educamp 2017 đã diễn ra tại Campus Hòa Lạc (Hà Nội) với sự tham gia của hơn 200 khách mời là cán bộ, giảng viên Tổ chức Giáo dục FPT, cán bộ Tập đoàn FPT và chuyên gia giáo dục đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng uy tín trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Educamp 2017, TS. Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT ĐH FPT) chia sẻ về “Tự học và Trải nghiệm” ở ĐH FPT cũng như ở toàn Tổ chức Giáo dục FPT. Anh Tùng cho rằng, khác với thế kỷ trước, trong thế kỷ 21 này, ngoài các kỹ năng đọc, viết, tính toán, học sinh sinh viên cần học thêm 4C gồm: Critical Thinking (kỹ năng phản biện), Collaboration (Làm việc nhóm);,Communication (Kỹ năng giao tiếp) và Creativity (Kỹ năng sáng tạo).

“Để có được những kỹ năng này, sự trải nghiệm trong quá trình học là yếu tố quyết định”, anh Tùng nói.

DSC00020-JPG-3525-1511760000.jpg

Chủ tịch HĐQT ĐH FPT Lê Trường Tùng. Ảnh: FPT Education

Bên cạnh đó, Internet of Things (IoTs) kết hợp cùng MOOC (Khóa học trực tuyến đại chúng mở) sẽ thay đổi toàn bộ bức tranh học tập hiện nay. Và cách thức học sẽ dịch chuyển từ học một lần, dùng kiến thức suốt đời sang học suốt đời.

Ngay từ lứa sinh viên khóa đầu, ĐH FPT đã chú trọng phát triển ý thức tự học và đưa vào chương trình nhiều hoạt động trải nghiệm cho sinh viên: “Tự học và trải nghiệm ở ĐH FPT thể hiện qua các hoạt động như OJT (On job Training), Tháng Rèn luyện tập trung, các hoạt động trao đổi sinh viên trong nước (giữa các campus) và nước ngoài, phương pháp học tập mới, triển khai các hoạt động trải nghiệm giữa các học kỳ cho sinh viên, khuyến khích sinh viên khởi nghiệp”.

Anh Tùng định nghĩa FPT Edu là “cơ quan tổ chức và quản trị việc tự học của người học”. Ở Tổ chức Giáo dục FPT, triết lý này được thể hiện một cách rõ ràng. "Dạy gì, dạy thế nào cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là người học học được gì", và quan trọng nhất là cách học, cách trưởng thành trong quá trình học.

DSC06428-JPG-4184-1511760001.jpg

Từ khóa sinh viên đầu tiên, ĐH FPT luôn nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo môi trường khuyến khích sự tự học và trải nghiệm của sinh viên. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo FPT Edu sẽ phải giải quyết được các vấn đề như phải thực sự đặt học sinh sinh viên là trung tâm; Thay đổi vai trò của định nghĩa "người thầy", sẽ không còn là "teacher" (người giảng dạy) nữa mà sẽ trở thành "mentor" (người hướng dẫn, định hướng) của người học; Chương trình học phải được cá thể hóa đến từng học sinh - sinh viên và; Cuối cùng, phải áp dụng được cách công nghệ mới, thay đổi cách dạy, cách học để các bài học thực sự trở nên trực quan và mang lại được hiệu quả cho người học. 

Tại phần Key Note buổi sáng, FPT Educamp có sự tham gia diễn giả của PGS-TS. Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội. Ông cho biết bản thân đến đây không chỉ chia sẻ mà cũng để lắng nghe, thu nạp và trải nghiệm thêm nhiều kiến thức, phương pháp giảng dạy mới của người FPT Edu.

Đồng ý với quan điểm “Quan trọng hơn là người học học được gì” của TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, việc giảng dạy, học tập của sinh viên cần hướng tới việc “Học để làm được gì, có năng lực gì, để đạt được hiệu suất công việc như thế nào là rất quan trọng”.

Là người điều hành trường đại học giàu truyền thống, PGS. TS Hoàng Minh Sơn cho rằng việc đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tài năng, hiện nắm giữ những vị trí chủ chốt trong các cơ quan, doanh nghiệp lớn, mang lại không ít lợi thế và danh tiếng cho Đại học Bách khoa nhưng nó cũng đặt ra nhiều thử thách cho lãnh đạo trường làm sao để duy trì truyền thống này trong thời đại công nghệ đang phát triển như vũ bão hiện nay.

PGS. TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

PGS. TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

“Như nhiều đơn vị giáo dục công lập khác, trường cũng đang đứng trước những thách thức mới như làm sao để đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao cơ sở vật chất, cân bằng giữa hoạt động đào tạo và nghiên cứu… nhất là trong thời điểm ĐH Bách khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho tách ra tự chủ”, ông Sơn nói.

“FPT nói gì làm nấy nhưng Bách khoa nói gì chưa chắc đã làm được”, ông Hoàng Minh Sơn thẳng thắn thừa nhận. Hiện tại, ngoài vấn đề về phương pháp giảng dạy hiệu quả, ĐH Bách khoa còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác như nguồn thu kinh phí hạn hẹp, thu nhập của cán bộ thấp, khó tuyển và giữ người giỏi; Cơ cấu tổ chức công kềnh, số lượng cán bộ hành chính, phục vụ lớn; Tư duy quản lý lạc hậu, năng lực quản trị kém; Cơ sở vật chất kém xa so với yêu cầu, có những phòng thí nghiệm, thiết bị được xây dựng từ những năm 1960 tới bây giờ vẫn phải dùng; Môi trường sinh hoạt và học tập chưa thu hút được sinh viên quốc tế.

Trong phần chia sẻ, người tham gia cũng đã được nghe PGS. TS Hoàng Minh Sơn đưa ra 6 định hướng phát triển và 1 tam giác chiến lược của ĐH Bách khoa Hà Nội, ông đặc biệt nhấn mạnh vào chất lượng đầu ra của trường: “Bách khoa Hà Nội coi sự thành công của sinh viên làn quan trọng nhất, và chính điều đó đã và đang làm nên thương hiệu của trường. Tầm nhìn của chúng tôi là trở thành đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, tiên phong trong hệ thống giáo dục Việt Nam".

DSC06426-JPG-8727-1511760001.jpg

Phần Key note buổi chiều diễn ra với sự tham gia chia sẻ của Phó Giám đốc phụ trách quản lý và phát triển của Singapore Polytechnic SOH Kim Fai về chủ đề “Tự học và tự trải nghiệm dựa trên mô hình C-D-I-O”.  

CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive - Design - Implement - Operate, có nghĩa là: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành, khởi nguồn từ Viện Công nghệ MIT (Hoa Kỳ). Về bản chất, CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic, có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau.

Trong bài phát biểu kéo dài gần 2 giờ, ông Soh Kim Fai đã giới thiệu tới người tham dự cơ sở vật chất, trang bị trong các phòng học và hoạt động trong các tiết học tại Singapore Polytechnic.

Singapore Polytechnic từ lâu đã giảng dạy theo phương thức CDIO cho các em học sinh, sinh viên ngành kỹ thuật có cơ hội được thực hành trực tiếp ngay tại Fablab (phòng thực hành) của trường. Tại đây, các bạn có thể lên ý tưởng về sản phẩm, sử dụng những vật liệu, thiết bị có sẵn hoặc sử dụng máy in 3D để in sản phẩm nếu cần thiết, tiến hành lắp ráp, lập trình sản phẩm sau đó tiến hành chạy thử luôn các sản phẩm do mình tạo ra.

“Sự tập trung của học sinh trong một tiết học lý thuyết chỉ kéo dài tối đa 30 phút và sau đó cơn buồn ngủ kéo đến và chúng ta lại phải tìm cách để kéo sự tập trung của các em lại với tiết học. Việc học kết hợp thực hành khiến cho học sinh, sinh viên cảm thấy hứng thú hơn, tập trung cao độ hơn và nó mang lại hiệu quả lớn hơn so với việc chỉ học lý thuyết”, ông nhấn mạnh.

Phó Giám đốc phụ trách quản lý và phát triển của Singapore Polytechnic SOH Kim Fai

Phó Giám đốc phụ trách quản lý và phát triển của Singapore Polytechnic SOH Kim Fai

Nói về việc học chủ động (active learning), ông Soh Kim Fai cho rằng, sự phát triển của công nghệ thời điểm hiện tại hoàn toàn đáp ứng được việc tự học cũng như học chủ động của mọi người. Ông đưa ra vì dụ từ chính đứa con trai của mình: “Một ngày, tôi thấy con trai mình đang học với những đồ vật lăn lóc trên sàn nhà, tôi hỏi con đang làm gì đấy thì nó trả lời ‘con đang tập làm mô hình như hướng dẫn trên YouTube’. Các bạn có thể thấy, tài nguyên chúng ta cần đã sẵn có trên mạng, trên YouTube, chỉ cần tìm kiếm và làm theo hướng dẫn và chúng ta sẽ có những sản phẩm cho riêng mình”.

Sau các phiên toàn thể, diễn giả và người tham dự EduCamp 2017 bắt đầu tham gia các phần tham luận với thời lượng 30 phút/ phiên, được tổ chức đồng thời ở 6 phòng hội thảo. EduCamp năm nay có 4 chủ đề thảo luận chính gồm Phương pháp dạy học; Phương pháp học tích cực; Trải nghiệm và Hệ thống hỗ trợ, quản lý việc tự học của sinh viên.

Chia sẻ về lần đầu tiên tham dự EduCamp, Lê Ngọc Tuấn, Trưởng phòng IoT (Ban Công nghệ FPT) - FPT Under 35 năm 2016, cho biết, bản thân anh là lập trình viên, nghiên cứu về công nghệ nhưng cũng là người thường xuyên tham gia hướng dẫn tại một số tổ chức, vì vậy, việc được tham gia chia sẻ cũng như lắng nghe kinh nghiệm của những người trong nghề sẽ giúp anh rất nhiều trong việc chia sẻ, truyền đạt kiến thức lại cho người học của mình.

“Hội thảo năm nay nó về 3 key words chính là active learning (học chủ động), mentor (người hướng dẫn) và Self-experiencing (tự trải nghiệm), bản thân tôi cũng luôn khuyến khích những bạn trẻ, người học của mình học tập theo phương pháp này. Lâu nay tôi cũng chỉ hướng dẫn theo kinh nghiệm của bản thân, nhưng khi tới đây tôi thực sự biết được định nghĩa, khái niệm cũng như tên gọi của cá phương pháp mình đã triển khai”, anh Tuấn nói.

FPT EduCamp là hội thảo mở được FPT Edu tổ chức hằng năm nhằm kết nối các giảng viên, chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và FPT Edu nói riêng. Năm thứ ba, FPT EduCamp tập trung vào chủ đề “Hướng tới chuẩn quốc tế trong tổ chức giáo dục". Năm 2014 và 2015 các chủ đề của EduCamp lần lượt là "Đổi mới giáo dục và đào tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa", "Vận hành tổ chức giáo dục".

Đức Anh

Ý kiến

()