Chúng ta

'Trong mơ cũng thấy việc sửa chữa, bảo trì'

Thứ tư, 4/6/2014 | 15:44 GMT+7

"Trận bão lớn năm 2012 làm đứt dây cáp khiến cả khu vực đường Hoàng Hoa Thám mất mạng. Để khắc phục sự cố, cả nhóm đã đứng phơi nắng dầm mưa giữa đường suốt một ngày", anh Nguyễn Quốc Thắng, phòng Bảo trì Hạ tầng FPT Telecom, xúc động kể.
> Một ngày của nhân viên hạ tầng FPT Telecom

Ở FPT, có rất nhiều CBNV làm những công việc thầm lặng. Bao vất vả, lo toan lẫn những trăn trở và cả lòng yêu nghề của họ được ít người biết đến. Trong số đó có các kỹ thuật viên bảo trì hạ tầng - những người gắn bó công việc ở những đài trạm, đường xá và cả...cột điện.

a

Công tác bảo hộ lao động cho anh em luôn được anh Đức nhấn mạnh.

Phòng Bảo trì Hạ tầng khu vực 1 Hà Nội (thuộc FPT Telecom) có 33 nhân viên, toàn Hà Nội có 105 người, cả nước có khoảng hơn 200 CBNV. Phạm vi xử lý của bộ phận Bảo trì Hạ tầng là các công trình giao thông, khu đô thị, làm cầu… và hạ tầng cáp của FPT (trên cột điện lực, các cống bể ngầm).

Theo anh Nguyễn Xuân Đức, Phó phòng Bảo trì Hạ tầng, công việc của các kỹ thuật viên khá vất vả, do phải xử lý sự vụ khá nhiều. Trung bình mỗi ngày có khoảng 15 sự cố ở nội thành Hà Nội và các huyện lân cận, 3 đến 5 ngày lại phát sinh sự cố ở tỉnh. Các vụ việc này thường theo mùa và do thời tiết, đặc biệt là mùa khô thường do chập cháy điện gây ra.

Ngoài giờ hành chính, mỗi tháng sẽ có khoảng 14 nhân viên trực ngoài giờ các buổi tối trong tuần và ngày Chủ nhật. Ban đêm cũng sẽ phải làm việc nếu có sự cố ảnh hưởng lớn đến khách hàng. Một tuần thường có khoảng hai vụ việc phải làm đêm. Ngoài ra, trong phòng còn có một đội trực liên tỉnh phải làm việc 24/24h, luôn túc trực để sẵn sàng hỗ trợ xử lý các sự vụ lớn ở chi nhánh tỉnh khi cần.

Bên cạnh công việc bảo trì ở các đài trạm FPT (POP), kỹ thuật viên còn phải xử lý các sự cố ngoại vi như kéo cáp, hàn nối cáp trên cột điện lực. Ở Hà Nội thường có cột hạ thế cao từ 8 đến 10,5 m, còn ở các tỉnh dao động từ 10 đến 12,5 m. "Chiều cao như vậy cũng là thử thách với mỗi kỹ thuật viên nhưng chúng tôi luôn đảm bảo công tác bảo hộ an toàn lao động ở trạng thái tốt nhất, cho đến nay chưa có tai nạn đáng kể nào xảy ra", anh nói.

a

Anh Bân cho biết công đoạn vất vả nhất là kéo cáp.

Còn anh Nguyễn Lý Bân, người đã gắn bó rất lâu năm với bảo trì hạ tầng cho biết, công đoạn vất vả nhất của kỹ thuật viên là kéo cáp. Nếu đưa cáp qua đường đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các nhân viên, tránh để cáp rơi xuống, ảnh hưởng đến giao thông và người đi lại. Ngoài ra, công việc này diễn ra ngoài trời, đối mặt với mưa nắng, bụi bặm nên đòi hỏi người làm phải chịu khó, không ngại khổ và có sức khỏe tốt.

Trong ký ức của anh, sự cố đáng nhớ nhất là việc di dời tủ cáp số xuyên đêm ở 519 Kim Mã, Hà Nội. Khi ấy, Ban Quản lý tòa nhà yêu cầu di dời tủ cáp đặt trước cửa trong thời gian rất gấp. Do vụ việc liên quan đến khách hàng quan trọng nên cả nhóm anh đã nhận được lệnh cắt chuyển ngoài giờ hành chính. Hành trình kéo dài từ 19h30 đến 4h30 sáng hôm sau mới kết thúc trong thời tiết mưa gió và lượng công việc rất nhiều.

“Đêm đó trời lại mưa lớn, vì nước mưa đọng trên áo mưa và các mảnh nilon trượt xuống, chúng tôi lo hỏng thiết bị nên phải lấy thân che máy hàn suốt đêm. Rất may, cuối cùng mọi việc đều hoàn thành tốt đẹp, ai cũng mệt nhưng trong lòng đều cảm thấy phấn chấn, vui vẻ", anh Nguyễn Nhân Tùng, kể thêm.

a-thang-858054-1413024361.jpg

Anh Thắng chia sẻ về khó khăn của nhân viên bảo trì hạ tầng.

Tranh thủ phút giải lao, anh Nguyễn Quốc Thắng, tâm sự, việc vất vả nhất của nhân viên bảo trì hạ tầng là đi thay ắc quy cho các POP vào mùa hè vì thời tiết nóng nực, hay mất điện do dùng quá tải nên phải có thiết bị dự phòng. Mỗi chiếc ắc quy thường nặng từ 30 đến 40 kg mà phải bê lên tầng 4, tầng 5. Trung bình, một ngày phải thay hai trạm với khoảng 48 chiếc. Nhất là nhiệt độ POP bao giờ cũng chênh với bên ngoài khoảng 10 độ C do máy móc nhiều, không gian hẹp, điều hòa không tải được. “POP nào rộng còn đỡ, có POP hẹp chỉ đứng được nửa người để thay thế, rất khó khăn”, anh nói.

Trong POP cũng có rất nhiều bụi nhất là khi vệ sinh các thiết bị bên trong, những trạm nào gần mặt đường lại càng nhiều bụi hơn. Ngoài ra, nếu gặp chủ nhà khó tính cũng khiến anh em vất vả hơn về thời gian làm việc. Nhiều khi việc chưa xong đã bị đuổi ra để họ nghỉ trưa. Những lúc mất điện mà chạy máy phát ồn ào lại bị hàng xóm nhắc nhở rất nhiều. Anh bộc bạch: “Lúc đó, mình lựa tình hình mà ứng xử, có thể nhẹ nhàng thuyết phục hoặc nhượng bộ để xin làm thời gian khác hợp lý hơn".

a

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của anh Thái (trái) và anh Tùng (phải).

Không chỉ gắn bó với việc bảo trì, trước đây anh Thắng còn kiêm luôn cả xử lý sự cố. Anh nhớ lại, có đợt bão lớn năm 2012 làm đứt dây cáp khiến cả khu vực đường Hoàng Hoa Thám không có mạng. Suốt ngày hôm đó, anh và các đồng nghiệp đã đứng phơi nắng giữa đường sau đó lại hứng phải cơn mưa rất to lúc 16h30 mà không có gì che chắn. “Khi hoàn thành công việc, thông suốt được mạng cho khách hàng, chúng tôi mới yên tâm. Mọi vất vả tan biến hết, chỉ còn lại niềm vui”, anh nói.

Gia nhập hàng ngũ bảo trì chưa lâu nhưng anh Nguyễn Văn Thái đã bắt nhịp rất nhanh với công việc. Anh cũng đã quen với việc làm xong mới nghỉ ngơi ăn uống, cơm trưa cũng là cơm tối của anh em kỹ thuật. “Nhiều khi đói cũng muốn đi ăn nhưng người nhiều mồ hôi, bụi bẩn, chưa xong việc, ăn cũng không ngon nên tôi và các đồng nghiệp thường để xong hết việc mới nghỉ ngơi. Lúc đói thì ăn bánh mỳ ngay trên cột điện, uống nước hoặc làm cốc bia giải khát”. Theo anh, công việc cũng có lúc nhàn vì ít sự cố, song cũng có lúc làm xuyên ngày đêm là chuyện thường.

a

Anh Sâm đang xử lý một sự cố ngoại vi ở đường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội.

“Do tính chất công việc, tôi không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Con tôi mới gần một tuổi nhưng cũng ít có thời gian gần cháu, chủ yếu do vợ chăm sóc. Tuy nhiên, những lúc rảnh rỗi, tôi đều cố gắng dành thời gian cho gia đình”, anh Đào Quang Sâm bộc bạch.

Công việc gắn liền với những kỷ niệm về sự cố, đôi khi trong mơ anh cũng thấy việc đi sửa chữa, bảo trì. Trong ký ức của anh hiện tại là những ngày tháng xử lý sự cố thâu đêm suốt sáng, rõng rã hai ngày rưỡi không nghỉ ở POP 197 Hồ Tùng Mậu. Đó là những ngày đầu hè, trời quá nắng nóng gây ra sự cố chập cháy điện.

“Lúc đó, với mục tiêu không để khách hàng bị gián đoạn việc vào mạng không quá 24 giờ, chúng tôi đã lên đường khắc phục ngay”, anh kể. Rất nhiều việc dồn lên nhau, từ kéo cáp, măng sông, bấm rệp, hàn nối… Năm người cùng làm mà vẫn mất hơn hai ngày để khắc phục hoàn chỉnh.

Với những nhân viên bảo trì hạ tầng, công việc tuy có vất vả nhưng ổn định nên mọi người muốn gắn bó lâu dài. Khi nói điều đó, trong ánh mắt các anh ánh lên niềm vui lẫn sự ưu tư. Ai cũng bày tỏ mong muốn được quan tâm hơn về chế độ đãi ngộ, từ đó sẽ càng có thêm nhiều động lực để làm việc tốt.

Nhàn Nhã - Triệu Mẫn - Tô Ngà

Ý kiến

()