Chúng ta

Trần Đức Trí Quang - từ anh chàng mê game đến cán bộ Công nghệ FPT

Chủ nhật, 8/10/2017 | 16:05 GMT+7

Với kinh nghiệm thực tiễn và những đóng góp trong mảng Digital Transformation, giúp 
FPT nâng tầm vị thế ở thị trường Nhật Bản, Trần Đức Trí Quang là đại diện duy nhất của FPT Japan nhận danh hiệu Cán bộ Công nghệ cấp Tập đoàn năm 2017.

14045900-1066221843474243-9489-6605-2866

Trần Đức Trí Quang từng đam mê CNTT một, như mê mẩn game mười lần như thế. Ảnh: C.T

Một ngày đầu tháng 10, hai tin vui cùng lúc đến với Quang khi anh vừa lên chức bố, vừa vinh dự nhận danh hiệu Cán bộ Công nghệ cấp Tập đoàn năm 2017, với Level 3, chức danh Specialist. Là đại diện duy nhất của FPT Japan được trao danh hiệu này trong năm nay, cảm xúc đầu tiên của Quang là "vui, sương sướng vì được tập thể ghi nhận đóng góp của mình".

"Tuy nhiên, quyền lợi thì phải đi kèm trách nhiệm. Với cơ hội này, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm với công việc nhiều hơn và nhất định phải đảm nhận được trọng trách lớn hơn nữa", Quang vui mừng chia sẻ. 

Quang hiện đảm nhiệm vai trò Delivery Leader trong nhóm DT CCG (Digital Transformation – Cloud Consultancy Group), là nhân viên duy nhất của FTP Japan có thể thường xuyên cung cấp dịch vụ tư vấn về Cloud và IoT cho các khách hàng. Các dịch vụ tư vấn này giúp cho FPT Japan nâng tầm vị thế của mình và tiếp cận các nhóm khách hàng khó xâm nhập ở mảng truyền thống. Hiện tại, công việc chính của anh cùng 19 thành viên trong nhóm DT CCG là tập trung hướng đến các dự án cloud, IoT, big data trực tiếp với end user (khách hàng dùng cuối), với mục tiêu được tham gia từ công đoạn đánh giá ý tưởng, tạo yêu cầu đến hỗ trợ đưa sản phẩm vào ứng dụng.

"Khó khăn nhiều lắm nên nói phần khó nhất trong công việc là gì cũng không đánh giá được. Do làm việc trực tiếp với end user, nên kinh nghiệm tương tác, thuyết trình hay đề xuất các phương án luôn cần thiết. Bên cạnh đó, đây là công việc làm tư vấn, đánh giá và tạo yêu cầu, nên kỹ năng về tài liệu rất quan trọng. Tuy nhiên, đây lại luôn là điểm yếu của anh em lập trình FPT do chưa được tiếp xúc nhiều", Quang cho biết. 

Từng mê mẩn game oline và truyện tranh Nhật Bản, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Quang học Đại học FPT đơn giản chỉ để thỏa mãn mong muốn được hội ngộ với bạn bè chơi game ở Hà Nội. Ngoài giỏi chơi game, Quang còn rất giỏi môn tiếng Nhật. Tốt nghiệp ra trường, anh đầu quân về FPT Software. 

Ngày 1/6/2012, Quang xách balo lên đường sang Nhật Bản, một trong những thị trường yêu cầu cao bậc nhất thế giới, không lâu sau khi trở thành cá nhân mới xuất sắc của FPT Software. Được cử đi onsite ở Nhật khi đang là "lính mới" của nhà Phần mềm, chàng trai trẻ vẫn quyết định khăn gói sang đất nước mặt trời mọc đơn giản bởi suy nghĩ rằng đi một ngày đàng học một sàng khôn. Đây cũng là ngày đặt dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời của chàng trai trẻ luôn tâm niệm "tuổi trẻ phải lao ra đường học hỏi". 

Sau hơn 5 năm làm việc của Quang ở đất nước mặt trời mọc, thành tích đáng nể của Quang là một danh sách chứng chỉ và chứng nhân hot của người theo ngành CNTT. Ngoài chứng chỉ Sharepoint là MCPD (Microsoft certified professional developer), MCTS (Microsoft certified technology specialist), MCPS (Microsoft certified product specialist), Quang còn có chứng nhận Sales, Pre sales cho mảng Collaboration and Content, Devices and Deployment, Application Development, Cloud... Tuy nhiên, khi được hỏi về bí quyết của bản thân, Quang khiêm tốn nói rằng "ở từng tuổi này mà có chừng đấy chứng chỉ cũng chỉ là chuyện bình thường. Trong nhóm của mình, hai bạn 9X đã sở hữu một dãy dài chứng chỉ về cloud".

3527-550x0-5411-1450423535-4157-15072652

Trở thành Cán bộ Công nghệ cấp Tập đoàn là một vinh dự lớn với chàng trai sinh năm 1989. Ảnh: C.T

Không chỉ sở hữu nhiều chứng chỉ quan trọng, Quang còn có khả năng thuyết phục và đàm phán bậc thầy. Bằng chứng là điều này đã giúp FPT Japan mở rộng hình ảnh trong mắt đối tác và khách hàng. Cuối năm 2015, Quang dành được liên tiếp nhiều chứng chỉ của Microsoft, đưa FPT Japan thành đối tác vàng của Microsoft Nhật Bản, sau một thời gian dài không có nhiều tiến triển. Từ danh hiệu này, FPT Japan đã có gần 10 cơ hội trị giá hàng triệu USD do hãng giới thiệu. Trở thành "mắt xích" quan trọng hàng loạt dự án lớn của đơn vị, hàng trai sinh năm 1989 trở thành cá nhân xuất sắc của FPT Japan 2015.

Tuổi đời còn rất trẻ, Quang đã có nhiều cơ hội tham gia các sự kiện cùng lãnh đạo cấp cao của FPT như Chủ tịch Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến, CEO Hoàng Việt Anh, PTGĐ FPT Software Nguyễn Quang Hòa... để gặp gỡ các khách hàng quan trọng trình bày về Digital Transformation. Với những kết quả công việc đáng ghi nhân, Quang đang hằng ngày góp phần thiết thực vào việc nâng cao giá trị và vị thế của FPT trên thị trường Nhật.

Trở thành Cán bộ Công nghệ cấp Tập đoàn là một vinh dự lớn, nhưng đối với Quang, "người làm công nghệ bắt buộc phải tiếp xúc, ma sát với cộng đồng cũng như công nghệ mới". Mong muốn của anh là có thêm nhiều chương trình seminar hay khóa học bài bản, chính quy, để các lập trình viên sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển "chất" công nghệ của mình. 

Nhận được tin về danh hiệu Cán bộ Công nghệ cấp Tập đoàn đúng lúc vợ mới sinh, từ anh chàng bận bịu với các dự án, Quang tạm gác mọi công việc để trở về làm người cha, người chồng đúng nghĩa. Anh kể, từng thức khuya và đau đầu với công việc, nhưng cảm giác thiếu ngủ khi chăm vợ và con là trải nghiệm đáng nhớ trong đời.

Trước những cơ hội cũng như thách thức lớn trước mắt, Quang tâm sự mục tiêu trong tương lai anh là mở rộng thêm nhiều cơ hội để các đồng nghiệp trong công ty có thể phát triển năng lực công nghệ và tư vấn khách hàng, qua đó góp phần tăng tỷ trọng doanh thu của mảng tư vấn công nghệ và thay đổi hình ảnh FPT trong mắt đối tác và khách hàng.

Bắt đầu từ năm 2013, FPT tổ chức xếp hạng cán bộ công nghệ, theo định hướng đưa FPT trở thành một tập đoàn công nghệ cũng như nằm trong lộ trình xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ. Đây là hoạt động thường niên nhằm thu hút và khuyến khích các cán bộ công nghệ tham gia hoạt động chung của tập đoàn. 

Các cán bộ được phong hạng đáp ứng tiêu chí xếp hạng, bao gồm: Học vấn (bằng cấp, chứng chỉ công nghệ); Ngoại ngữ; Kinh nghiệm làm về công nghệ; Kinh nghiệm làm với chức danh công nghệ; Mức độ quan trọng đối với tổ chức; Thành tích/Thành tựu công nghệ đạt được; Đóng góp cho cộng đồng; Hiểu biết về ngành CNTT; Khả năng làm việc với khách hàng, đối tác.

Sau bốn mùa xếp hạng, đến nay, FPT có tổng cộng 155 chuyên gia công nghệ cấp tập đoàn, trong đó có 5 chuyên gia cấp 5, 24 chuyên gia cấp 4 và 126 chuyên gia cấp 3.

Thùy Linh

Ý kiến

()