Chúng ta

‘Tổng hội không phải để ăn chơi cho vui’

Thứ sáu, 28/8/2015 | 11:40 GMT+7

Khóa tập huấn văn hóa tinh thần, công đoàn và trách nhiệm xã hội tại Cần Thơ trong hai ngày 21-22/8 đã giúp cán bộ Tổng hội FPT phía Nam có cái nhìn bao quát và toàn diện về công việc và trách nhiệm của mình. 

“FPT tự hào so với các tập đoàn khác vì có tổng hội”, chị Trương Thanh Thanh, Giám đốc Trách nhiệm xã hội tập đoàn, chia sẻ. Theo chị, cơ quan đoàn thể chính là cái nút làm nên văn hóa FPT. Người FPT luôn thấu hiểu chân lý sống với nhau, chơi cùng nhau và làm ra vật chất.

Năm 2003, lần đầu tiên cái tên "Tổng hội" đã xuất hiện tại nhà họ F, minh chứng rõ ràng nhất cho những hoạt động nòng cốt mà FPT đã xây dựng từ thời sơ khai. Với rất nhiều tên gọi được chắp vá, 2003 là dấu mốc cho một khái niệm chính chuyên cho các hoạt động văn hóa - đoàn thể và trách nhiệm xã hội của người FPT.

Để tồn tại đến ngày hôm nay, tất nhiên Tổng hội cũng đi qua không ít thăng trầm. Đã có những cái nhìn nghi hoặc, ngờ vực, thậm chí nhiều lãnh đạo còn cho rằng những hoạt động sôi nổi của Tổng hội là mất thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm và bền lòng của những người vững vàng theo đuổi lý tưởng, Tổng hội dần được chấp nhận. “Tổng hội không phải để ăn chơi cho vui”, chị Thanh nhấn mạnh. Và cái lý tưởng đó đã truyền qua biết bao thế hệ làm công tác phong trào này của người FPT để xây dựng nên một đế chế mà nhiều tập đoàn khác ao ước nhưng không dễ gì làm được.

1-3530-1440653261.jpg

"FPT tự hào so với các tập đoàn khác vì có tổng hội", chị Trương Thanh Thanh, Giám đốc trách nhiệm xã hội FPT chia sẻ. Ảnh: V.N

Để làm được điều đó, những người đi trên con thuyền FPT luôn tuân thủ và hài hòa ba yếu tố còn được gọi là 3P. Đó chính là lợi nhuận (Profit), con người (People) và môi trường (Planet). Từ chiếc chìa khóa vạn năng ấy, FPT đã xây dựng nên những thành trì kiên cố tại bất cứ trận địa nào từng đi qua. Không chỉ mở rộng về lĩnh vực, FPT đã thực sự thành công trong những hoạt động xây dựng văn hóa tinh thần cho cộng đồng.

Cụ thể, từ 700.000 người tham gia của buổi ban đầu, giờ đây, ViOlympic đã trở thành một chương trình phổ biến với các em học sinh đam mê toán học. ViOlympic hiện vượt ngưỡng 14,6 triệu người tham gia.

Giám đốc Trách nhiệm xã hội dẫn chứng ở vụ sập cầu Cần Thơ gây chấn động cả nước năm 2007. FPT không chỉ đóng vai trò người đưa tin, sâu sát thực tế đến độc giả thông qua báo điện tử VnExpress mà còn có nhiều hoạt động thầm lặng bên lề để hỗ trợ các nạn nhân sau sự cố. Không chỉ quyên góp tiền, từ việc đi thực tế cuộc sống của các nạn nhân, người FPT đã cùng nhau góp của cải vật chất để xây lên những chiếc cầu mang thông điệp yêu thương gửi đến những người có thân phận còn bấp bênh, ở bờ vực bên kia của cuộc sống. Những chiếc cầu đã nối dài những bước chân đến trường, nối dài những bữa ăn và nối liền tình cảm thiêng liêng giữa con người với nhau trong cuộc sống.

Kết thúc phần chia sẻ, chị Thanh nhắc đến nhà sư Thích Chân Quang, người đã cùng FPT đi qua nhiều mặt trận cộng đồng. Ông từng nói: “Ở FPT, người ta sống tử tế với nhau”. Và “đặt bàn tay lên bàn tay của đồng nghiệp”, tức sự sẻ chia, đã trở thành một lý lẽ, một châm ngôn của chung tất cả mọi người.

Trong phần trắc nghiệm FQ dành cho gần 30 thành viên, các câu hỏi được đưa ra hướng đến nhiều khía cạnh liên quan đến tổng hội, công đoàn và công tác xã hội. Chị Trần Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn FPT, đã lồng ghép những điểm mới của công đoàn qua phần lý giải các câu trả lời. Từ đó, các học viên đã cập những điểm thay đổi của bộ máy tổ chức trong thời gian sắp tới.

2-1750-1440653261.jpg

Phần câu hỏi FQ được lồng ghép vào những sự thay đổi của công đoàn do chị Trần Thu Hà, Chủ tịch công đoàn FPT "lĩnh xướng". Ảnh: V.N.

Anh Lê Đình Lộc, Trưởng ban Văn hóa - Đoàn thể FPT, nhấn mạnh, đây là năm đầu tiên FPT có thuật ngữ 3 trong 1 dành cho cán bộ Tổng hội, tức Công đoàn - Tổng hội - Trách nhiệm xã hội. Anh chia sẻ, văn hóa FPT là tập hợp các giá trị, quan niệm, tập quán, truyền thống, niềm tin chi phối hoạt động, tình cảm, suy nghĩ và hành vi của người FPT. “Từ đó, chúng ta tạo sự khác biệt so với các doanh nghiệp khác, liên kết người FPT lại với nhau và tạo ra tài sản vô hình của riêng chúng ta”, anh Lộc khẳng định.

Với hàng loạt hoạt động văn hóa tinh thần diễn ra xuyên suốt năm, FPT khiến người ngoài phải kinh ngạc về độ hoạt động như một cỗ máy của mình. Các sản phẩm văn hóa tinh thần của người FPT cũng thường xuyên được “xuất xưởng” như Sử ký, sách Đồng Đội hay các đĩa CD do chính người nhà thực hiện. “Nhiều người đã rất ngạc nhiên khi FPT có nhiều sự kiện trong tuần mà các hoạt động này đều rất khác nhau, không hề trùng lặp”, anh Lộc kể.

Cũng bắt đầu từ nay, cái tên “Tổng hội” sẽ trở lại thay cho chức danh “cán bộ văn hóa - đoàn thể” đã thay đổi trước đó. Anh Lộc cho biết, “Tổng hội” là tên gọi cụ thể và đúng chất nhất dành cho người làm hoạt động văn hóa của tập đoàn.

3-5376-1440653261.jpg

Trưởng ban Văn hóa - Đoàn thể FPT Lê Đình Lộc nhấn mạnh, cán bộ tổng hội phải luôn là thủ lĩnh trong mọi hoạt động phong trào của đơn vị. Ảnh: V.N.

Trưởng ban Văn hóa - Đoàn thể FPT nhấn mạnh, cán bộ Tổng hội phải luôn là thủ lĩnh trong mọi hoạt động phong trào của đơn vị. Anh cũng không quên nhắc nhở, mọi hoạt động muốn thành công thì luôn cần phải có lao động trí óc, tạo ra các sản phẩm sáng tạo và thu hút mọi người. “Cộng đồng tự do luôn sáng tạo, anh em đoàn kết tự sướng vui” chính là khẩu hiệu của những người làm công tác Tổng hội của nhà họ F.

Để đúc rút cho phần phát biểu của mình, anh Lộc mượn lời của anh Hoàng Minh Châu, cố vấn Văn hóa cao cấp tập đoàn, rằng muốn bảo tồn và phát triển văn hóa FPT, cần phải “kiên nhẫn, lâu dài và liên tục”.

>> Cán bộ văn hóa FPT mang niềm vui đến trẻ trước khai giảng

Yến Nhi

Ý kiến

()