Chúng ta

Tối ưu hóa hoạt động nhân sự

Thứ sáu, 26/8/2011 | 16:33 GMT+7

Với đề thi luận là những đề xuất nhằm tối ưu hoạt động nhân sự tại đơn vị, hầu hết bài luận đạt điểm cao trong vòng 2 của cuộc thi Chuyên môn nhân sự FPT (kết thúc ngày 13/8) đều đề cập đến những vấn đề nóng hổi như OneFPT, tuyển dụng và đào tạo tập trung, đơn giản hóa văn bản...

 Có rất nhiều đề xuất được đưa ra, nhưng phần lớn tập trung theo hai mảng công việc được phân định rất rõ để đưa ra giải pháp phù hợp đối với ngành nhân sự là Tuyển dụng - Đào tạo và Tổ chức cán bộ.

Nhiều bài luận trong cuộc thi chuyên môn nhân sự FPT đề cập đến hoạt động tuyển dụng - đào tạo. Ảnh minh họa: C.T

Nhiều bài luận trong cuộc thi chuyên môn nhân sự FPT đề cập đến hoạt động tuyển dụng - đào tạo. Ảnh minh họa: C.T

Đối với hoạt động Tuyển dụng - Đào tạo, phần lớn thí sinh đều ủng hộ việc tổ chức tập trung.

Trần Văn Anh, FPT Trading, cho rằng, việc đưa thông tin tuyển dụng về một đầu mối là phương án khả thi và mang tính đột phá, vì điều này giúp cho quản lý thông tin tuyển dụng một cách bao quát và đầy đủ nhất, giảm bớt việc quản lý đơn lẻ từ mỗi đơn vị thành viên.

Hoạt động đào tạo tập trung cũng làm nhân viên mới thấy rõ hình ảnh của một tập

Kỳ thi Chuyên môn Nhân sự 2011 do Ban Nhân sự FPT tổ chức, dành cho cán bộ nhân sự toàn Tập đoàn, được khởi động từ ngày 2/8. Đây là hoạt động thi chuyên môn được tổ chức định kỳ hằng năm, nhằm kiểm tra kiến thức và kỹ năng của những người làm nhân sự.

đoàn và các đơn vị thành viên trực thuộc một cách đầy đủ, chi tiết. Điều đó cũng giúp tiết kiệm chi phí và mức độ gắn kết của nhân viên trong tập đoàn tốt hơn.

Theo thí sinh Trần Thị Xoa, Đại học FPT, với đà phát triển như hiện nay, kế hoạch nhân sự đầu năm chưa sát với nhu cầu. Vì thế, cần dựa trên kế hoạch phát triển, yêu cầu các bộ phận xây dựng cơ cấu nhân sự ngay từ đầu, xác định các vị trí cần tuyển. Như thế, vừa kiểm soát được nhân sự, vừa đảm bảo tiến độ và chất lượng tuyển dụng.

Đồng quan điểm với Văn Anh, Nguyễn Trung Hòa, FPT Securities, trong bài luận của mình đã đặt vấn đề về việc truyền thông cho các hoạt động nhân sự cần được tăng cường để thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ nhân viên, cũng như sự ủng hộ của ban lãnh đạo.

Không chỉ tập trung vào việc tuyển dụng chính thống, theo Hoàng Châu Mẫn Tú, FPT IS, cần đẩy mạnh hoạt động giới thiệu của các thành viên trong nội bộ. Hiện nay, hầu hết cán bộ tuyển dụng đều sử dụng nguồn ứng viên từ các trang web tuyển dụng mà chưa khai thác được những mối quan hệ của cán bộ nhân viên trong công ty.

Công tác thi tuyển vẫn mang tính hình thức, chưa thực sự phù hợp với vị trí cần tuyển dụng. Chẳng hạn, với vị trí lễ tân, chỉ cần thi tiếng Anh và bài chuyên môn xử lý tình huống để kiểm tra kỹ năng giao tiếp và khả năng ứng phó tình huống của ứng viên. Với các ứng viên đã có kinh nghiệm lâu năm thì có thể xem xét miễn thi tuyển.

Về công tác tổ chức cán bộ, với mô hình như hiện nay của FPT IS HCM, việc cán bộ nhân sự gần gũi để hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân viên là rất khó. Người tiếp xúc trực tiếp và gần gũi nhất với nhân viên chính là cán bộ quản lý trực tiếp. Nhưng họ lại không được hướng dẫn cách thức đánh giá nhân viên, kỹ năng trao đổi thông tin trước khi bổ nhiệm. “Vì thế, khi bổ nhiệm một vị trí quản lý, cần xây dựng lại khung đánh giá cán bộ chặt chẽ hơn”, Mẫn Tú đề xuất.

Đề cập tới vấn đề này, Văn Anh đưa ra quan điểm về việc đơn giản hóa quy trình thực hiện các bước trong hồ sơ bổ nhiệm, miễn nhiệm, thành lập, giải thể, ký hợp đồng mới… Cách làm hiện nay cần rất nhiều giấy tờ liên quan. Ví dụ, để làm một bộ hồ sơ bổ nhiệm thì phải tổng hợp hồ sơ năng lực cá nhân của cán bộ, survey 360 độ đánh giá bổ nhiệm cán bộ, tổng hợp sau survey, tờ trình và quyết định bổ nhiệm… Các survey hiện tại vẫn được thực hiện trên bản cứng, trong khi việc này hoàn toàn có thể làm trực tuyến, tiết kiệm thời gian và tiện lợi hơn. Đồng thời, cần áp dụng công nghệ trong các hệ thống báo cáo nhằm thống nhất chung mẫu để có thể sử dụng và kiểm tra, kiểm soát thông tin báo cáo từ các đơn vị, chi nhánh.

Hiện nay, tại Đại học FPT, mỗi đơn vị lại có bộ phận nhân sự riêng và khá độc lập. “Điều này ảnh hưởng đến OneFPT ngay trong nội bộ trường. Đơn cử việc phân cấp xử lý báo cáo, trách nhiệm không thuộc riêng bộ phận nào. Nếu cần báo cáo tổng hợp toàn trường, bộ phận nhân sự ở Hà Nội sẽ thu thập. Tuy nhiên, do không có quy định rõ nên các bộ phận sẽ không chủ động trong phần việc này”, Trần Thị Xoa
chia sẻ.

Như vậy, dù trong khâu tuyển dụng - đào tạo hay tổ chức cán bộ, các đề xuất của thí sinh đều hướng về việc tập trung, đa dạng hóa hình thức, đẩy mạnh các hoạt động cho cán bộ nhân viên. Đồng thời, cần ứng dụng công nghệ nhiều hơn cho các hoạt động này cũng như chú trọng truyền thông để tất cả cán bộ nhân viên hiểu và hợp tác tốt nhất với Ban Nhân sự.

Ngày 25/8, vòng 3 của cuộc thi được tiến hành tại phòng họp Telepresence của FPT Telecom tại Hà Nội và TP HCM, với phương thức giải quyết tình huống. Dù kết quả chung cuộc thuộc về thí sinh nào, thì tất cả những người tham gia cuộc thi này đều thu lượm được các giải pháp cho mình và góp phần cải thiện hoạt động nhân sự của toàn tập đoàn.

     Thùy Linh

Ý kiến

()