Chúng ta

'Tôi muốn là cầu nối giữa Dược Hậu Giang và FPT'

Thứ bảy, 30/3/2013 | 17:25 GMT+7

“Thương trường cũng như chiến trường, chỉ có đánh mới tìm ra cách đánh. Va chạm với thực tế sẽ giúp tìm ra cách giải quyết tốt nhất”, bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch Dược Hậu Giang, chia sẻ bí quyết khi công ty tìm cách mở rộng thị trường.
> Gặp gỡ nữ Chủ tịch Dược Hậu Giang

Những lời chia sẻ thân tình về công việc và cuộc sống của Chủ tịch Dược Hậu Giang Phạm Thị Việt Nga trong chương trình Leader Talk do Học viện Lãnh đạo FPT (FLI) tổ chức tối 29/3, tại tòa nhà FPT Tân Thuận, Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP HCM, khiến nhiều người FPT đồng tình và khâm phục.

Hơn 50 CBNV các đơn vị thành viên FPT đã bị “hút” bởi những chia sẻ chân thành cùng chất giọng nhẹ nhàng mà gần gũi. Chương trình được chị Vũ Thị Vân Hải, Phó Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT, dẫn dắt và được truyền hình trực tiếp trên mạng nội bộ của tập đoàn.

Tiền thân của Dược Hậu Giang là xí nghiệp liên hiệp ngành dược tại Đồng bằng sông Cửu Long. Việc kinh doanh thuở ấy rất khó khăn. “Khó khăn đầu tiên là xí nghiệp không tạo được việc làm cho nhân viên. Nhiều người không có việc làm hay có việc nhưng chấp nhận làm không lương”, bà Nga nhớ lại.

d

“Thương trường cũng như chiến trường, chỉ có đánh mới tìm ra cách đánh. Việc va chạm với thực tế sẽ giúp tìm ra cách giải quyết tốt nhất”, Chủ tịch Dược Hậu Giang chia sẻ. Ảnh: Văn Nghệ.

Bên cạnh khó khăn về nguồn lực, Dược Hậu Giang còn khó khăn về đầu ra của sản phẩm bởi khi đó, người dân hầu như không biết đến các nhãn hàng, sản phẩm mà xí nghiệp đưa ra thị trường. Do áp lực trong công việc và đời sống CBNV còn khá thấp, trong lúc nản chí nhất, bà Nga đã viết đơn xin thôi việc. Tuy nhiên, lá đơn xin nghỉ ấy đã không được gửi đi mà được tiến sĩ giữ lại. “CBNV của Dược Hậu Giang chính là động lực để tôi thay đổi ý định”, bà Nga kể.

Để đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ việc mở rộng quy mô sản xuất, bà đã sẵn sàng vay tiền và đến kỳ nhìn “xe tiền đi trả lãi”. Vượt qua những khó khăn ban đầu, một số sản phẩm của Dược Hậu Giang được xuất tiểu ngạch sang Lào, Campuchia, sau đó là chính ngạch đến Hong Kong.

Nhớ lại thời khó khăn khi cùng các nhân viên tiên phong ra Hà Nội để mở rộng thị trường nhưng trong tâm trí người tiêu dùng, Dược Hậu Giang chỉ là “hàng tỉnh mà so với hàng trung ương”. Đây cũng chính là động lực để công ty dược phẩm Đồng bằng sông Cửu Long kiên trì nâng cao chất lượng sản phẩm và quảng bá mạnh mẽ hơn đến khách hàng. Đến nay, ước vọng “Chỗ nào có người bệnh là chỗ đó có Dược Hậu Giang” cơ bản được hoàn thành khi Dược Hậu Giang là một trong những công ty có vùng phủ rộng, số lượng sản phẩm nhiều, chất lượng đảm bảo và giá cả phải chăng.

Để có được sự thành công như vậy, theo bà, đó chính là nhờ yếu tố con người. Ngay trong thời điểm khó khăn nhất đến lúc công ty phát triển, người lao động luôn là nguồn lực quan trọng nhất. “Bản thân mình phải làm được thì nhân viên mới làm được. Để kịp thời hạn, tôi từng làm việc không ngừng nghỉ trong 7 ngày đêm liên tục”, bà nói.

Do vậy, khi nhận được câu hỏi từ một nữ nhân viên của TienPhong Bank về việc cắt giảm lương nhân viên trong thời kỳ kinh tế khó khăn, Chủ tịch Dược Hậu Giang chia sẻ: “Chúng tôi không chọn cách ấy. Những người làm công đã cống hiến hết sức cho công ty mà lại cắt giảm lương trong thời kỳ khủng hoảng như hiện nay là điều không nên. Nếu công ty có lãi thì nên tăng lương cho anh em. Lúc khó khăn họ đã cùng chịu thì đến khi có điều kiện cũng phải để họ hưởng”.

Nguyễn Trung Hậu, Phòng Marketing, FPT Telecom đặt câu hỏi giao lưu vơi diễn giả.

Nguyễn Trung Hậu, Phòng Marketing FPT Telecom, đặt câu hỏi giao lưu với diễn giả. Ảnh: V.N.

Song song với việc luôn để ý đến những đồng nghiệp của mình, bà còn có cách “chăm sóc” nhân viên theo cách riêng. “Tôi thường viết thư chia sẻ với nhân viên khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống. Có khi tôi viết một bức thư dài đến 5 trang gửi cho đồng nghiệp đang gặp vấn đề. Tôi thường viết vào ban đêm để không ảnh hưởng đến thời gian làm việc”, bà Nga kể lại.

Cũng với cách này, vào mỗi dịp sinh nhật nhân viên, vị Chủ tịch Dược Hậu Giang lại viết từng bức thư riêng chúc mừng. “Mỗi nhân viên có hoàn cảnh sống khác nhau nên mỗi bức thư sẽ có cách chúc khác nhau”, bà Nga tận tình chia sẻ. Cạnh đó, cách viết thư còn được bà dùng để gợi ý công việc cho ban lãnh đạo công ty.

Không chỉ quan tâm đến những đồng nghiệp trong công ty, vị lãnh đạo chân chất còn quan tâm đến cả những người thân của họ. Hằng năm, công ty tổ chức các chuyến tham quan trong và ngoài nước cho CBNV khi đạt được danh hiệu thi đua. Không những thế, Dược Hậu Giang còn tổ chức ngày để tri ân các bậc phụ huynh đã sinh thành, nuôi dưỡng và chia sẻ khó khăn để nhân viên cống hiến hết mình trong công việc.

Tất cả những điều nữ doanh nhân này làm được xem như “trả nợ”, từ việc chăm lo cho nhân viên đến chú trọng sản xuất thuốc hay quan tâm đến khách hàng. Bởi theo giải thích của bà, từ năm 12 tuổi, cô bé Phạm Thị Việt Nga đã ăn cơm từ nhân dân khi theo cha mẹ đi kháng chiến. Rồi đến khi vào làm tại Dược Hậu Giang, bà lại “mắc nợ” những cộng sự đến lúc bán hàng thì lại tiếp tục “nợ” người tiêu dùng.

Điều kiện tiên quyết để bà Nga vực Dược Hậu Giang đi qua khó khăn chính là nhờ sự chịu khó trong lao động và học tập. Bà học không ngừng nghỉ chẳng phải để cho riêng mình mà là để truyền lại cho thế hệ sau: “Tôi học 10 thì truyền lại cho nhân viên 5, điều đó giúp họ thay đổi tư duy để cùng phát triển công ty".

Ngay cả lúc khó khăn khi “mua con cá ăn cả tháng”, bà vẫn cố gắng học. Bởi quan niệm của nữ doanh nhân khi ấy là “những người bạn của tôi đã ngã xuống, tôi còn sống phải làm được tất cả”. Đến nay, bà vẫn học hỏi không ngừng. Ở đâu có gì hay là Chủ tịch Dược Hậu Giang sẵn sàng đi để học hỏi. “Đến buổi nói chuyện với người FPT cũng là cách học hỏi”, cả khán phòng vỗ tay liên hồi sau lời dí dỏm nhưng đầy chân thành từ bà.

d

Diễn giả chụp ảnh lưu niệm với người FPT. Ảnh: V.N.

Nhiều người trong xã hội quan niệm phải có “hoa hồng” mới giải quyết xong công việc. Nhưng nữ doanh nhân này lại có cách nghĩ khác, bà sử dụng nghĩa tình. Nữ Chủ tịch Dược Hậu Giang kể, bà và các động sự từng tự tay đổ những chiếc bánh xèo miền Tây với những nguyên vật liệu mang từ Cần Thơ ra Hà Nội để thết đãi toàn thể CBNV Bệnh viện Việt Đức. “Chúng tôi đãi từ sáng đến tối. Món ấy khiến người thưởng thức hài lòng bởi nó được làm từ chính từ sự chân thành của chúng tôi”, bà tâm đắc.

Ngoài ra, “Tâm sáng” còn được thể hiện qua cách nhìn nhận vấn đề của mỗi người, trong đó có các doanh nhân. Mọi vấn đề qua cách nhìn của bà đều được tuân theo nguyên tắc: “Tiền nhìn xuống, trí nhìn lên”. “Với tiền hãy nhìn xuống để thấy mình đang hơn nhiều người. Còn trí tuệ thì hãy nhìn lên để thấy bản thân còn yếu kém mà phấn đấu vượt lên”, bà Nga nói.

Từ Cần Thơ lên TP HCM chỉ để trao trò chuyện với người FPT rồi lại trở về miền Tây ngay trong đêm, Chủ tịch Dược Hậu Giang bày tỏ: “Tôi muốn mình như là cầu nối của Dược Hậu Giang và FPT. Mong rằng sẽ có dịp đón người FPT xuống giao lưu với chúng tôi trong tương lai gần”.

“Được trực tiếp nghe cô kể về công việc, đặc biệt là cách vượt qua khó khăn, thật thú vị. Tôi cảm kích trước trí tuệ của người phụ nữ này và thay đổi quan điểm của bản thân về những người phụ nữ hiện đại”, anh Nguyễn Hoàng Việt, FPT Software, kính nể.

Dy Khoa

Ý kiến

()