Chúng ta

'Tôi luôn đón đọc những bài báo nhân văn'

Thứ năm, 21/6/2018 | 14:23 GMT+7

"Tôi mong những câu chuyện có tính nhân văn, chia sẻ hữu ích được xuất hiện nhiều hơn trên các trang báo, chia sẻ trên Facebook. Những câu chuyện đẹp về đối nhân xử thế, về tư duy và lối sống văn minh sẽ có sức lan tỏa tích cực hơn, khiến người đọc vươn đến những điều tốt đẹp hơn cho cá nhân, gia đình và xã hội", độc giả Trịnh Thùy Nhung chia sẻ.

Báo chí thời mạng xã hội phủ sóng rộng khắp, độc giả nhà F mong muốn đọc gì? Điều gì sẽ đọng lại trong lòng độc giả?... Nhân ngày báo chí 21/6 năm nay, cùng nghe các độc giả nhà F gồm chị Trịnh Thùy Nhung, Giám đốc Trung tâm Đào tạo FPT Telecom; anh Huỳnh Công Hải, quản lý kinh doanh khu vực Phú Yên của FPT Retail và anh Nguyễn Ngọc Minh Hoàng, FPT Japan trải lòng.

- Anh/chị có thói quen đọc báo lần đầu tiên trong ngày như nào?

- Chị Trịnh Thùy Nhung: Tôi là người khá tò mò nên đọc báo là thói quen hàng ngày. Tôi quan tâm đến các tin tức về doanh nghiệp, đặc biệt các bài báo liên quan đến quản trị nguồn nhân lực, thích đọc về chính trị, quan tâm một chút đến showbiz.

nhung-fpt-6492-1529559460.jpg

Chị Trịnh Thùy Nhung, Giám đốc Trung tâm Đào tạo FPT Telecom.

- Anh Huỳnh Công Hải: Tôi đọc báo khoảng 8h sáng sau khi triển khai hết các công việc cho shop. Bản tin được chọn đọc sẽ là bản tin về công nghệ và bài viết về những người đặc biệt của nhà F.

- Anh Nguyễn Ngọc Minh Hoàng: Các bài nằm trong top trending, hoặc tình cờ gặp phải. Quan trọng là tiêu đề khiến tôi cảm thấy muốn đọc là click liền.

- Chúng tôi, những người làm báo điện tử, thường gặp tình huống những bài kiểu “tin tức... ngực” được chia sẻ và đọc nhiều hơn loạt bài mang tính nhân văn mà tác giả đã đổ nhiều công sức. Anh/chị chia sẻ như nào về tính huống này?

- Chị Trịnh Thùy Nhung: Đôi lúc tôi thấy buồn khi báo chí giật tít câu like quá nhiều những tin tức “tức ngực”. Mặt trái của xã hội là tất yếu, nhưng tỷ trọng thiên về điều xấu khiến con người bi quan và không có sự phấn đấu, cái xấu hiện hữu có thể khiến người ta nghĩ “mình thế này vẫn là tốt chán”.

Bản thân tôi đồng cảm với những “than thở” của bạn bè, đồng nghiệp, người thân trên mạng xã hội nhưng lúc đó tôi nghĩ, sao họ không chọn cho mình những suy nghĩ hay giải pháp tích cực hơn nhỉ, thay bằng bỏ thời gian ra than phiền thì hãy nghĩ giải pháp. Tôi cũng chỉ thích chia sẻ niềm vui của mình thôi, nếu lan tỏa được năng lượng tích cực thì thật tốt.

Những bài báo, câu chuyện được viết qua góc nhìn, lăng kính hài hước cũng thú vị. Đặc biệt, với công nghệ báo chí hiện nay, cách đưa tin qua dạng clip, infographic cũng rất trực quan, dễ chịu.

- Anh Huỳnh Công Hải: Những bài viết mang tính nhân văn chỉ được đọc kỹ khi độc giả có thời gian rảnh, đọc để học không phải giải trí. Vì thế truyền thông cho các bài báo cũng như tiêu đề rất là quan trọng mới cuốn hút người đọc.

hai-huynh-cong-fpt-4352-1529559460.jpg

Anh Huỳnh Công Hải (giữa), quản lý kinh doanh khu vực Phú Yên của FPT Retail.

- Anh Nguyễn Ngọc Minh Hoàng: Tôi nghĩ kết quả này cũng có phần không nhỏ trong việc phân phối lượng bài "tức ngực" đến độc giả của báo chí/truyền thông. Nó chỉ nên là món ăn lạ lâu lâu thưởng thức một lần. Không thể phủ nhận khả năng câu view của các bài thể loại này tuy nhiên, cái gì quá cũng không tốt.

- Những thông tin tiêu cực/phê phán dù chưa đủ dữ liệu/thông tin các bên, ở cả báo chí bên ngoài hay Workplace của FPT, luôn nhận được sự quan tâm lớn. Trong khi một bài báo về người thật, việc thật về những câu chuyện đẹp thường chả mấy ai chia sẻ hoặc bị nghi ngờ. Góc nhìn của anh/chị về câu chuyện này?

- Chị Trịnh Thùy Nhung: Thông tin phê phán nhưng chưa đủ dữ liệu lại nhận được sự quan tâm lớn, tôi nghĩ là do tâm lý tò mò của người đọc cộng với tâm lý dìm hàng. Ngược lại, bài báo về người thật, việc thật với những câu chuyện đẹp mà không được chia sẻ, bị nghi ngờ tôi nghĩ là do tay nghề người viết thôi, chưa biết cách kể chuyện.

- Anh Huỳnh Công Hải: Vấn đề này phụ thuộc vào mức ảnh hưởng của nhân vật/câu chuyện được viết như thế nào với cộng đồng, việc chia sẻ bài viết hầu như là cảm tính bởi thói quen chia sẻ bất chấp của người Việt. Có những người thấy hay, cảm động nhưng họ không chia sẻ công khai mà chỉ đọc và giữ cho riêng mình chứ không đơn thuần từ nội dung bài viết.

- Anh Nguyễn Ngọc Minh Hoàng:  Báo chí ngoài truyền tải thông tin còn có chức năng định hướng dư luận. Việc số đông độc giả sẽ phản ứng thế nào đối với nội dung bài báo, tôi nghĩ người viết bài cũng đâu đó mường tượng được trước khi xuất bản. Cá nhân tôi luôn có nhiều thiện cảm cho những bài báo khách quan, thông tin đa chiều, định hướng dư luận chừng mực.

hoang-fjp-4652-1529559460.jpg

Anh Nguyễn Ngọc Minh Hoàng, FPT Japan.

- Nhà F có nhiều sản phẩm truyền thông nội bộ (Chungta.vn, Foxnews, Cucumber…). Anh/chị đánh giá như thế nào về các ấn phẩm này và kỳ vọng đón đọc những vấn đề/đề tài gì nhất? 

- Chị Trịnh Thùy Nhung: Tôi mong muốn báo chí nội bộ của FPT, FPT Telecom… ngoài đưa tin kiểu thời sự nên khai thác mạnh mảng sự kiện, lịch sử, con người, điều đó giúp mọi người hiểu tập đoàn hơn, tự hào hơn. Còn truyền tải như thế nào cho hiệu quả, tôi cho rằng các nhà báo nên suy nghĩ thêm.

- Anh Huỳnh Công Hải: Các ấn phẩm của nhà F hầu như chất lượng rất tốt, thông tin đầy đủ, nhanh chóng và kịp thời. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng các ấn phẩm đầu tư hơn cho những nhân vật truyền cảm hứng để đồng nghiệp trẻ giữ gìn và phát huy văn hóa FPT. 

- Nguyễn Ngọc Minh Hoàng: Lần đầu tôi nghe đến FoxNews. Đối với Chungta.vn và Cucumber, nội việc có thể cung cấp đến bạn đọc lượng thông tin dồi dào và liên tục như vậy đã là sự cố gắng rất lớn rồi nên tôi không có kỳ vọng gì hơn.

>> Trí tuệ nhân tạo đang 'cướp' công việc phóng viên

Nguyên Văn thực hiện

Ý kiến

()