Chúng ta

'Tôi gọi về nhà liên tục, thuê bao không liên lạc được'

Thứ hai, 17/10/2016 | 16:30 GMT+7

"Đã gần hai ngày qua tôi gọi cho ba mẹ đều không liên lạc được. Lòng lo lắng không biết tình hình như thế nào. Những hình ảnh từ quê nhà liên tục ở trên báo khiến lòng ngổn ngang, quặn thắt", anh Cao Văn Nhi, nhân viên kinh doanh FPT Telecom chi nhánh Đà Nẵng, chia sẻ về tình hình bão lụt ở Quảng Bình.

Mưa lớn nhiều ngày qua đã gây ra một trận lũ lịch sử ở Quảng Bình. Tính đến 17h ngày 16/10, toàn tỉnh có 92.489 hộ bị ngập lũ, 25 người chết và mất tích, bị thương 13 người. Hàng trăm nghìn gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi; hàng nghìn ha hoa màu bị thiệt hại; nhiều công trình hạ tầng bị hư hỏng; hàng chục tàu cá, tàu hàng bị sóng đánh chìm và mất tích…

3-6743-1476676676.jpg

Anh Nhi chia sẻ cảm xúc về tình hình gia đình trên Facebook và nhận được rất nhiều lời động viên từ đồng nghiệp, bạn bè và người.

Trong đó không ít người là thân nhân của cán bộ nhân viên FPT. Một số người vì sống xa quê hương, do bận công việc hoặc nhiều lý do không thể về kịp để cùng người thân chống lũ, động viên nhau. Thậm chí do mưa quá lớn, hệ thống giao thông bị chia cắt, điện cúp trên diện rộng nên nhiều người FPT không có cách nào để liên lạc với gia đình, nắm bắt tình hình người thân ra sao.

"Hơn hai ngày, tôi gọi cho ba mẹ đều thuê bao không liên lạc được nên lo lắng không biết tình hình như thế nào", anh Cao Văn Nhi, quê Quảng Bình, đang công tác ở FPT Telecom chi nhánh Đà Nẵng, chia sẻ.

Anh Nhi cho biết, nhà anh dù nằm ở địa thế cao hơn so với một số hộ dân sống xung quanh nhưng do lượng nước mưa quá lớn nên cũng chung cảnh bị ngập. Theo thông tin từ gia đình, cơn lũ đến quá nhanh nên không thể ứng phó kịp. Dù chủ động di dời tài sản quan trọng nhưng con vật nuôi bị thiệt hại khá nhiều. "Nhà tôi nuôi gà khá nhiều nên không kịp di dời. Phần lớn gà bị nước lũ cuốn trôi".

Trong thời gian diễn ra mưa lũ, do không thể liên lạc về gia đình nên anh Nhi sáng nào cũng cập nhật thông tin trên các kênh truyền thông để nắm bắt tình hình sơ bộ. Dù rất muốn về quê nhưng do bận công việc kinh doanh cũng như giao thông ở Quảng Bình bị chia cắt nên anh Nhi đành cầm lòng chờ đợi tin tức từ người thân. "Những hình ảnh từ quê nhà liên tục ở trên báo khiến lòng tôi ngổn ngang, quặn thắt. Tôi chỉ biết cầu mong gia đình được bình an, nước lũ nhanh rút để cuộc sống trở lại bình thường".

Hiện tại, anh Nhi đã liên lạc được với gia đình. "Nước có phần rút nhưng tương đối chậm, do lũ các sông vẫn đang lên. Cả nhà tôi đều an toàn nhưng bị thiệt hại", anh Nhi thông tin và cho biết sẽ sắp xếp thời gian về quê để cùng gia đình khắc phục hậu quả.

Cùng nỗi niềm hướng về quê hương là anh Trần Trung Đức, nhân viên thu cước FPT Telecom Đà Nẵng. Đến sáng nay (17/10), anh mới liên hệ được với gia đình nhưng vẫn không khỏi lo lắng khi có cô em gái đang mang thai tháng cuối, chuẩn bị bước vào giai đoạn sinh. "Tôi mừng vì đã liên hệ được với gia đình nhưng trong lòng nặng trĩu, do người thân vẫn chưa thực sự an toàn. Trên địa bàn, tình hình nước lũ còn diễn biến phức tạp".

Do địa hình thị xã Ba Đồn nằm ở vùng thấp, gia đình anh Đức lại giáp sông nên nước vẫn chưa có dấu hiệu rút. Toàn bộ nhà còn ngập trong nước, gia cầm đều bị lũ cuốn trôi. "Rất may người thân vẫn an toàn trong lũ. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh để theo dõi cũng như hỏi thăm. Do cúp điện trên diện rộng nên việc gọi điện thoại cũng gặp nhiều khó khăn. Mỗi lần gọi thường rất ngắn và không thể gọi nhiều nhằm tiết kiệm pin", anh Đức bày tỏ.

images599591-L-t-1-JPG-8618-1476676676.j

Dù đã giảm mưa nhưng tình hình nước lũ vẫn diễn biến phức tạp. Nước lũ đã cuốn trôi hàng trăm nghìn gia súc, gia cầm; gây xói lở nhiều tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, đường liên thôn, liên xã, đường sắt Bắc-Nam cũng bị hư hỏng nặng gây ách tắc giao thông (hiện tuyến phía Nam đã thông); hàng chục công trình thủy lợi, cơ sở vật chất của nhiều trạm y tế, trường học… bị hư hại.

Cũng giống như anh Nhi, anh Đức dù rất muốn về quê nhưng đều bận công việc và tình hình đi lại rất khó khăn do nước lũ chia cắt. "Tôi cầu mong nước rút nhanh để cuộc sống gia đình trở lại bình thường. Tình hình mưa lũ miền Trung diễn biến rất phức tạp và người dân thực sự đang đối mặt nhiều khó khăn".

Tình hình có vẻ khả quan hơn nhưng gia đình anh Nguyễn Tấn Trường, nhân viên kỹ thuật FPT Telecom Đà Nẵng, vẫn cùng chung cảnh ngộ bởi chia cắt đi lại. Nhà ở huyện Lệ Thủy, nhờ địa hình tương đối cao nên hộ nhà anh Trường không bị nước tràn vào nhà. Tuy nhiên, mọi nẻo đường đều biến thành sông, và việc đi lại dường như không thể.

"Tôi vẫn phải điện thoại thường xuyên về nhà để nắm tình hình. Tôi đi làm mà lòng cảm thấy lo lắng mỗi khi thấy thông tin về mưa lũ hay bão", anh Trường tâm sự.

Trong hai ngày (13-14/10), áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền đã gây mưa to đến rất to tại Quảng Bình, tổng lượng mưa phổ biến 400-500 mm, một số nơi hơn 500 mm. Nhiều tuyến đường của TP Đồng Hới biến thành "sông", giao thông bị chia cắt. Theo báo cáo từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn TP Đồng Hới, tình trạng ngập úng diễn ra ở toàn bộ 16 xã, phường trên địa bàn, trong đó một số địa phương ngập nặng như: Lộc Ninh, Thuận Đức, Đồng Sơn, Đức Ninh... Hầu hết hoạt động kinh doanh của FPT đóng trên địa bàn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều cán bộ nhân viên được phép nghỉ để về hỗ trợ gia đình chống lũ quét. 

>> Quảng Bình ngập sâu, hoạt động kinh doanh của FPT bị gián đoạn

Việt Nguyễn

Ý kiến

()