Chúng ta

‘Tiến sĩ robot’ của FPT

Thứ hai, 26/9/2016 | 09:12 GMT+7

Những tưởng ước mơ tạo nên robot và ngôi nhà thông minh từ sở thích đọc truyện tranh Doremon hồi nhỏ chỉ là viển vông, nhưng Lê Ngọc Tuấn đã dần hiện thực hóa thành sản phẩm cụ thể. Những SmartOshin, SMAC Challege, Robot Rogo, Rogo Alfa mang thương hiệu FPT đều có dấu ấn của anh.

Khi thế giới đã dần đưa robot vào trong đời sống cũng như phục vụ ngành công nghiệp thì ở Việt Nam, lĩnh vực này còn rất mới mẻ và chỉ dừng lại ở những cuộc thi hoặc công trình nghiên cứu. Vậy nên, thời điểm 2013, khi Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đưa robot SmartOshin về Việt Nam thì đã có rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.  

Sau đó, hàng loạt dự án đầu tư nghiên cứu đã được FPT triển khai, tạo đất “dụng võ” cho các chuyên gia công nghệ có niềm đam mê cháy bỏng với tự động hóa như Lê Ngọc Tuấn. Và trong mỗi sự kiện công nghệ của FPT, người ta vẫn thường thấy chàng trai trẻ có khuôn mặt hiền lành say sưa trình diễn SmartOshin, Rogo Alfa… Dường như robot đã gắn liền với từng nhịp đập trong trái tim rạo rực sức trẻ của chàng trai Hà Nội này.

Ít ai biết, Lê Ngọc Tuấn sinh ra trong một gia đình có truyền thống sư phạm khi cả bố mẹ đều làm giáo viên đại học và THPT. Tuấn yêu thích ngôi nhà thông minh từ nhỏ qua truyện tranh Doremon và có niềm đam mê cháy bỏng với robot từ những năm trung học, nên anh đã quyết tâm theo học ngành Tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Những SmartOshin, SMAC Challege, Robot Rogo, Rogo Alfa mang thương hiệu FPT đều có dấu ấn của anh.

Những SmartOshin, SMAC Challege, Robot Rogo, Rogo Alfa mang thương hiệu FPT đều có dấu ấn của anh. Ảnh: H.D.

Ngay khi bước chân vào giảng đường, Lê Ngọc Tuấn đã tìm đến các anh chị khóa trên trong trường để học hỏi, tìm hiểu về phần cứng và lập trình nhúng. Năm thứ hai đại học, anh lập một đội để tham gia cuộc thi đình đám với sinh viên công nghệ - Robocon 2005. Đây cũng là thời điểm anh tiếp cận với lập trình vi điều khiển, thiết kế và lập trình. Thay vì học thi như những sinh viên khác, anh luôn làm các dự án thực tế để tính như: Bộ điều khiển động cơ, máy khoan CNC, bộ PLC tự chế từ vi điều khiển lập trình bằng giản đồ bậc thang, mô phỏng cánh tay 3D robot trên máy tính... 

Sau khi ra trường, năm 2008, Lê Ngọc Tuấn cùng 4 anh em nữa đã vượt qua rất nhiều thử thách để lập nên một start-up về sản phẩm phần mềm có tên là iAudit, hỗ trợ quản lý kiếm soát rủi ro, báo cáo tài chính. Tuy nhiên, dự án này sau đó đã phải dừng lại. Đó cũng là những bài học về công nghệ, quản trị sản phẩm và bài toán về đồng sáng lập mà bản thân anh sẽ nhớ mãi. 

“Năm 2012 là một mốc khá quan trọng với bản thân. Tôi gặp anh Nguyễn Lâm Phương (nguyên GĐ Công nghệ FPT) khi đang làm tại MV Corp và triển khai dự án sản phẩm trạm giám sát ATM cho các ngân hàng. Anh Phương chia sẻ những câu chuyện công nghệ thế giới, hướng công nghệ mà FPT sẽ đi, những dự định sẽ làm. Anh nói FPT muốn làm một sản phẩm flagship, cần một đội có kỹ năng làm phần cứng, phần mềm và đã làm việc với nhau từ lâu. Sau đó một tuần, tôi gặp lại anh Phương ở tầng 12 của tòa nhà FPT Cầu Giấy và đồng ý gia nhập tập đoàn cùng những người anh em “vào sinh ra tử” với mình”, anh Tuấn nhớ lại.

Vào FPT, Lê Ngọc Tuấn tham gia dự án về làm chủ điện thoại FPT, xây dựng một ứng dụng và nền tảng cho điện thoại FPT, nhằm hòa vào xu hướng chuyển dịch từ điện thoại cơ bản (feature phone) sang điện thoại thông minh (smart phone). Thời gian sau đó, anh cùng các cộng sự tập trung cho dự án robot Rogo với mục tiêu dần đưa robot vào cuộc sống. Dự án này tạo được tiếng vang lớn khi rất nhiều công ty Nhật Bản biết đến FPT. 

Kế tiếp là sự ra đời của Rogo Alfa, một thiết bị đơn giản ứng dụng con sóng công nghệ Internet of Things (IoT), có khả năng tương tác với các thiết bị điện tử trong nhà (TV, điều hòa…), biến những thứ không thông minh thành thông minh, hoạt động tự động, điều khiển qua điện thoại hoặc bằng giọng nói.  Nhóm phát triển Rogo Alfa đang rất quyết tâm để tạo ra một sản phẩm tốt, hoàn thiện và có thể thương mại hóa, đưa sản phẩm này đến tay người tiêu dùng.

Cùng với đó, Lê Ngọc Tuấn còn là “gương mặt thân quen” trong cuộc thi SMAC Challege suốt 3 năm qua. Không chỉ là người “ăn nằm” với cuộc thi, anh cùng các đồng nghiệp còn trực tiếp phát triển robot framework áp dụng cho SMAC Challege và hai robot Wabo (bồi bàn tự động) - Shopie (robot đi siêu thị). 

“Năm nay, Ban Công nghệ và Ban Truyền thông FPT sẽ chính thức giới thiệu một cuộc thi mới đến các bạn sinh viên “Cuộc đua số” với chủ đề xe không người lái. FPT mong muốn Việt Nam sẽ có xe tự hành đi được ở đường, công viên trong vòng 5 đến 10 năm tới”, anh hồ hởi chia sẻ.

Lê Ngọc Tuấn (áo cam) giới thiệu Rogo Alfa tại FPT Techday 2016. Ảnh: H.D.

Lê Ngọc Tuấn (áo cam) giới thiệu Rogo Alfa tại FPT Techday 2016. Ảnh: H.D.

Bên cạnh thành công đã đạt được cùng FPT, chàng “tiến sĩ robot” vẫn còn trăn trở với những dự án dang dở, lỡ nhịp công nghệ  và chưa đi tới đích. Theo anh, FPT là một công ty công nghệ đa dạng và nhiều màu sắc. Tập đoàn đang có rất nhiều tài nguyên về dữ liệu, hạ tầng và có thể biến nó thành sức mạnh trong việc "IoT go to market". FPT cần quyết tâm đầu tư để có thể cho “ra lò” những sản phẩm và giải pháp IoT có ứng dụng thực tế. Chúng ta cần có niềm tin vào các sản phẩm “made by FPT” cho giao thông thông minh, bảo mật, nhà thông minh, nông nghiệp... Những sản phẩm này sẽ đi vào giới công nghệ và đến từng gia đình tại Việt Nam.

Chàng trai 8x “đời giữa” cho biết, với cá nhân và các động sự, 2016 sẽ là năm quyết tâm thực hiện hai việc: Hoàn thành một bộ tài dạy lập trình IoT và robot cho trẻ em từ 8-15 tuổi nhằm giúp các em có thể tự học lập trình với các thiết bị điện tử, từ đó làm ra các sản phẩm thông minh như người lớn; Đưa sản phẩm Rogo Alfa đến tay người dùng ở mức độ thử nghiệm trước khi tiến tới thương mại hóa. 

Bận rộn là vậy, nhưng trong suốt nhiều năm qua, chàng cán bộ công nghệ của FPT vẫn dành tâm huyết của mình cho những hoạt động cộng đồng như dạy trẻ em lập trình, đào tạo đội ngũ kỹ sư thiết kế máy tính nhúng tại CLB Maker HaNoi… Như bao người “chuẩn men” khác, anh đam mê môn thể thao vua và yêu thích du lịch. Danh hiệu “đỉnh” nhất của anh ở nhà F là cùng với tuyển FPT HO giành giải Ba tại Cup C1.

“Vừa làm công nghệ, vừa tham gia các hoạt động cộng đồng khiến tôi phải tập trung rất nhiều. Tuy nhiên, bản thân vẫn luôn coi trọng yếu tố gia đình và luôn dành thời gian cho tổ ấm của mình. May mắn hơn nữa là dù bà xã không làm trong lĩnh vực công nghệ nhưng luôn hết mực ủng hộ tôi và vun vén gia đình để tôi có thể toàn tâm cho công nghệ”, Lê Ngọc Tuấn bộc bạch.

>> Bỏ hai trường đại học, nam sinh nhận học bổng 208 triệu của FPT

Hà Dương

Ý kiến

()