Chúng ta

Thư ký VnExpress vượt khó đưa tin vụ đánh bom Bangkok

Chủ nhật, 30/8/2015 | 10:44 GMT+7

Bất chấp mức độ nguy hiểm của cuộc đánh bom tại thủ đô Bangkok ngày 17/8 vừa qua, thư ký tòa soạn VnExpress Nguyễn Thu Hương vẫn xông pha vào chiến tuyến với tư cách phóng viên hiện trường. Chuyến công tác Thái Lan vô tình trở thành cuộc tác nghiệp giữa muôn vàn hiểm nguy của lằn ranh sinh tử. 

Khoảng 19h ngày 17/8, một vụ nổ bom đã xảy ra tại một ngã tư ở trung tâm Bangkok, sát điện thờ Erawan của các tín đồ Hindu. Cùng thời điểm, chị Nguyễn Thu Hương, tòa soạn VnExpress, cũng đang có chuyến công tác tại Bangkok và khách sạn chị ở ngay khu vực đánh bom. Vượt qua trở ngại, chị Hương đã tác nghiệp như một phóng viên hiện trường.

Chúng ta trao đổi với chị về chuyến công tác thứ hai và lần thứ ba đặt chân đến Bangkok với nhiều kỷ niệm này.

DSC01633a.jpg

Ngôi đền có vụ nổ bom bị phong tỏa (góc bên phải).

- Chuyến công tác Bangkok vừa qua nằm trong sự kiện gì, thưa chị?

- Tôi tham dự cuộc gặp mặt giữa báo chí các nước ASEAN, sự kiện thường niên do Thái Lan khởi xướng và năm nay là lần đầu tiên diễn ra. Việt Nam có hai đại diện từ VnExpress và VOV.

- Thời khắc bom nổ, chị đang làm gì và cách đó bao xa?

- Khách sạn nơi tôi ở cách địa điểm bị đánh bom khoảng 2 tòa nhà, với 10 phút đi bộ. Lúc đó, tôi vừa ra khỏi khách sạn được vài mét để chuẩn bị đi ăn tối.

- Khi ấy, không khí xung quanh như thế nào?

Khi nghe tiếng “đùng” rất lớn đầu tiên quanh thời điểm 6h30, tôi và mấy người bạn nước ngoài quay ra hỏi nhau “chuyện gì vậy nhỉ”, “chắc là cái gì bị đổ”, “trời sắp mưa to à”? Trên đường phố khu Prathunam dòng xe cộ vẫn tấp nập như nó vốn thế, đèn giao thông chuyển xanh, đỏ nhịp nhàng, các cửa hàng hai bên đường nhộn nhịp khách mua sắm chính vì vậy mà chúng tôi tin rằng đó là tiếng sấm báo hiệu trận mưa to. Xe van chở chúng tôi di chuyển thêm vài trăm mét, đường phố bỗng tối hơn, dường như đèn đường bị tắt bớt, nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều vì hàng quán hai bên vẫn sáng trưng.

DSC01538a.jpg

Viên cảnh sát cho tôi xem điện thoại cập nhật số người được cấp cứu ở Bệnh viện Chula đã lên đến 25.

Ngồi trong nhà hàng chờ gọi món, vài người bạn truy cập Twitter bắt đầu kháo nhau về việc hình như có vụ nổ ở trung tâm, mấy người bạn nước ngoài bắt đầu tỏ ra lo lắng, tìm kiếm thông tin, còn mấy người bạn Thái Lan vẫn bình thản kiểu như chắc là tai nạn giao thông, bình gas phát nổ hay gì đó tương tự… Trong vòng 15 phút sau đó, thông tin cập nhật trên Twitter ngày một dày đặc, giả thiết đánh bom được một số trang như India Times, BBC, Bangkok Post… đưa ra, chúng tôi bắt đầu hỏi nhau, không biết có ai thiệt mạng không? Các con số bắt đầu nhảy múa, từ 5 người chết, lên 12 người chết rồi 17, 20 người chết. Phần lớn những thông tin ban đầu, chúng tôi theo dõi trên Twitter.

Các món ăn vừa được dọn ra, tôi lại nghe tiếng “đùng” thứ hai, tôi và khoảng 10 người bạn xung quanh lại hỏi nhau nửa đùa, nửa thật: “Đánh bom nữa à?”. Những thực khách ở bàn bên cạnh thì thậm chí chẳng thèm màng đến âm thanh vừa phát ra, vui vẻ và bình thản thưởng thức bữa tối.  Bản tin trên TV trong nhà hàng bắt đầu phát live về hai vụ nổ bom, cảnh sát đang phong tỏa trung tâm để điều tra, nhiều người có thể đã chết. Thấy vấn đề có thể rất nghiêm trọng, tôi trở về mục Thế giới của VnExpress xem đã có gì rồi và nhắn tin qua điện thoại và cả Facebook cho các bạn ban Thế giới rằng có vụ nổ thứ 2 vừa xảy ra đấy. Tiếng còi hú của xe cứu thương, xe cảnh sát bắt đầu vang lên liên tục.

Tôi không cảm thấy mình đang ăn, lòng bồn chồn khó chịu. Tôi quay sang hỏi người bạn Singapore rằng: Mình có nên ngồi ăn nữa không nhỉ, mình cần phải đến chỗ vụ nổ chứ? Liền đó, chúng tôi nói với điều phối viên chương trình là chúng tôi muốn đến hiện trường vụ nổ. Nhưng người bạn Thái Lan cho rằng điều đó quá nguy hiểm, cảnh sát đang giải quyết, đường phố sẽ bị cấm và nếu đi chúng tôi không thể đến gần, chưa kể họ không thể theo để đảm bảo an toàn nên yêu cầu chúng tôi ở lại nhà hàng và sau đó về khách sạn, không đi ra ngoài.

- Khi biết có đánh bom, chị muốn làm gì nhất?

- Trong đầu tôi lúc này quanh quẩn câu hỏi: Liệu có người Việt Nam không? mình phải đến hiện trường!

- Tại sao có khuyến cáo của Ban tổ chức, chị vẫn đi tác nghiệp?

- Tôi liên tục theo dõi thông tin qua Twitter, BBC, CNN, Bangkok Post, India Times… và VnExpress lúc này cũng cập nhật trực tiếp. Lúc nhận được dòng trao đổi qua email của nhóm thực hiện thông tin về vụ việc ở nhà rằng có người Việt Nam thiệt mạng trong vụ nổ, quyết tâm trỗi dậy mạnh mẽ, tôi gọi người bạn đồng nghiệp ở VOV cùng đi và không báo cho người điều phối vì ngại sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi, mất thêm thời gian. Nhận định hiện trường đã bị phong tỏa, khó vào được trong, tôi chọn hướng đến Bệnh viện tìm kiếm thông tin về các nạn nhân người Việt, xem có thể giúp đỡ gì được họ, ít nhất là giúp liên lạc với người thân hoặc hiến máu, chăm sóc những người bị thương nặng. Chúng tôi gọi taxi di chuyển mất khoảng 15-20 phút mà không biết đi bộ thậm chí còn nhanh hơn, vì hiện trường và bệnh viện chỉ cách chỗ đứng chưa đầy một cây số.

- Chị có nghĩ là sẽ còn có những vụ nổ bom tiếp theo không?

- Tôi cũng khá lo lắng về các vụ nổ tiếp tục xảy ra vì biết có một quả bom vừa bị vô hiệu hóa, đồng thời qua nhiều năm theo dõi thông tin, tôi biết về việc các vụ đánh bom thường được cài đặt để phát nổ liên hoàn.

- Chị muốn tìm điều gì ở bệnh viện?

- Tôi mường tượng bệnh viện sẽ hỗn loạn và máu me, cảnh sát, bảo vệ sẽ ngăn cản phóng viên, người dân. Nhưng tất cả hoàn toàn không giống thế. Khi tôi đến bệnh viện đầu tiên Chulalongkon, nhìn thấy một hàng cảnh sát giăng từ cửa vào, tôi thoáng ái ngại. Sau một chút tần ngần, chúng tôi mạnh dạn tiến vào trong sảnh, nơi có rất đông phóng viên với máy quay, máy chụp ảnh, đang tác nghiệp, có đến 3-4 nhóm đang tường thuật trực  tiếp.

Tôi hỏi một người đang cầm micro vừa dừng nói trước máy quay về những người vào cấp cứu tại bệnh viện, về những người Việt Nam nếu có. Họ chỉ cho tôi viên cảnh sát và chị bác sĩ chịu trách nhiệm phát ngôn. Viên cảnh sát, chị bác sĩ và cả người phóng viên bản địa xúm lại hỏi xem họ có thể giúp được gì cho tôi, đồng thời chia sẻ những thông tin họ biết được đến lúc này. Viên cảnh sát mở điện thoại của ông, cho tôi xem danh sách những nạn nhân họ ghi nhận được mới là 10 người, không có Việt Nam. Anh cũng giúp tôi gọi điện đến những bệnh viện khác để hỏi thăm xem có người Việt hay không. Họ cho hay họ không thể biết chính xác vì vậy, nếu muốn có thông tin cụ thể hơn, chúng tôi cần tự đến các bệnh viện khác.

Chúng tôi tiếp tục chạy sang bệnh viện Công an hỏi thăm về số người được đưa vào cấp cứu, có ai cần giúp đỡ không… Các nạn nhân cấp cứu bị cách ly hoàn toàn với báo chí , thậm chí người thân cũng phải đứng ngoài.

- Những khó khăn khi tác nghiệp trong hoàn cảnh như thế là gì, thưa chị?

Thứ nhất, tôi không biết tiếng Thái và không thông thạo địa bàn. Thông tin phát ra từ bệnh viện và cảnh sát lại bằng tiếng Thái. Các đồng nghiệp báo chí xung quanh đều rất bận rộn lên hình tường thuật trực tiếp, chạy đi chạy lại chụp ảnh, ghi chép, người dân thì mỗi người một quốc tịch không phải ai cũng nói được tiếng Anh. May sao có hai bạn tình nguyện viên người Thái Lan biết tiếng Anh giúp chúng tôi phiên dịch, nhưng lại không thể đi theo chúng tôi đến mọi chỗ, thông tin rất ít ỏi.

Sau khi xác định đã khai thác hết mọi thông tin có thể, tôi chạy ra đường mới biết hiện trường vụ nổ cách bệnh viện chỉ vài chục mét. Tôi lập tức chen lấn giữa các đồng nghiệp để cố vào càng sát hiện trường càng tốt. Tôi liều chui qua hàng rào dây chăng bảo vệ tiến nhanh về phía hiện trường, cố để bước chân mình tự nhiên nhất có thể như một người có trách nhiệm làm việc trong khu vực, nhưng một cảnh sát phát hiện nên yêu cầu tôi ra khỏi khu vực phong tỏa.

DSC01583a.jpg

Phóng viên quốc tế tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường.

Thứ hai, tôi không thể kết nối 3G như ở nhà để gửi thông tin ngay tại bệnh viện. Máy điện thoại đi cả ngày đến lúc cạn kiệt pin, báo đỏ, tôi cũng không có chỗ nào để sạc nên rất dè xẻn khi thực hiện các cuộc gọi. Tôi đón taxi về khách sạn để bắt Wi-fi, vừa đi vừa gõ liên tục từng đoạn văn bản ngắn, khi có mạng lập tức bấm gửi, chỉ cầu mong điện thoại không hết pin và Internet không đứt. Vì vậy, khi văn bản chuyển về tòa soạn trước nhưng ảnh lại không có.

Thứ ba, không may tôi không mang theo laptop, ảnh từ máy ảnh rất nặng trong khi iPhone không thể chụp được trong điều kiện ánh sáng quá yếu. Tôi nghĩ mọi cách như mượn máy tính của đồng nghiệp, của khách sạn nhà hàng nào đó xung quanh, nhưng không có kết quả. Sau cùng, may mắn tôi kết nối được với phóng viên Xuân Sơn thường trú của VOV ở Bangkok, anh đón tôi về trụ sở thường trú lúc khoảng 3h30 sáng, cho tôi mượn máy tính để gửi ảnh về nhà, giúp kết nối đến đại sứ Việt Nam tại Thái Lan để hỏi thông tin người Việt. Chuyển được những tấm ảnh ban đầu xong, anh Sơn chở chúng tôi về khách sạn lúc 6h sáng. Tôi rất cảm kích về điều đó.

- Từ khách sạn sang bệnh viện rồi quay lại, chị di chuyển bằng phương tiện nào?

- Chúng tôi di chuyển bằng taxi, phần còn lại là chạy bộ từ bệnh viện này sang bệnh viện kia vì phố bị cấm, không phương tiện nào được vào. Lúc từ hiện trường ra, chúng tôi cuốc bộ khoảng 2 km để ra khỏi đường cấm, trong khi không biết rằng, nếu đi theo hướng khác chúng tôi chỉ mất 5 phút về đến khách sạn.

- Theo đoàn đi công tác nhưng vẫn cập nhật tình hình người Việt và các sự kiện mới về tòa soạn. Chị đã thực hiện điều đó như thế nào?

- Sau khi chợp mắt khoảng 1 tiếng, tôi lại dậy đi theo lịch trình đến thăm một số điểm ở xa trung tâm Bangkok. Người đi một đường, nhưng đầu óc tôi nghĩ một nẻo, tôi quay sang nói với điều phối viên, tôi thấy mình đang làm điều không đúng khi ngoài kia có vụ đánh bom, còn tôi lại ngồi đây thăm thú. Tôi không có tâm trí để tham quan dù cố gắng hòa nhập. Sau cùng, tôi và 3 người bạn từ Malaysia, Singapore, Cambodia bàn nhau bỏ dở lịch tham quan quay ngược lại trung tâm để dự cuộc họp báo thông tin về vụ đánh bom. Nhờ sự giúp đỡ của một người bạn Thái, xe chạy như bay và chúng tôi cũng chạy bộ hết tốc lực có thể kịp đến điểm đúng lúc cuộc họp báo bắt đầu diễn ra. Tôi gửi một vài thông tin ít ỏi về bằng chat Facebook dù biết các bạn ở nhà có thể khai thác các nguồn quốc tế cũng rất nhanh.

Không khi cuộc họp khá khẩn trương, gấp gáp, tôi cũng chuẩn bị vài câu hỏi để hỏi, trao đổi với cô bạn Malaysia để chia nhau thay nhau hỏi.

1-2738-1440822141.jpg

Thư ký Nguyễn Thu Hương tại đảo Khai, Thái Lan, tiếp tục hành trình của đoàn báo chí các nước ASEAN sau khi tác nghiệp tại hiện trường vụ đánh bom.

Tại cuộc họp báo, hỏi han các đồng nghiệp xung quanh, tôi biết thêm thông tin về gia đình người Malaysia có 4 người chết. Nhưng thật đáng tiếc, tôi không có cách nào tiếp cận họ dù đã nhắn tin và gửi mail đến Tổng biên tập Bangkok Post - ông Pichai, xin được đi cùng phóng viên đang tác nghiệp về vụ việc, hoặc được chia sẻ một vài bức ảnh mới hay thông tin chưa đăng báo. Ông cho hay, mình cũng không thể biết phóng viên của báo đang làm gì để cho tôi đi theo. Mọi thông tin ông có sẽ về vào buổi tối và xuất hiện sáng sớm hôm sau trên báo, tôi có thể theo dõi trên báo. Tôi buộc phải chấp nhận thực tế rằng không dễ có sự tin tưởng và thấu hiểu lẫn nhau một cách đột ngột.

- Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị khi tác nghiệp vụ việc này?

- Lần đầu tiên được dự một cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Thái Lan với tư cách phóng viên đến dự và có câu hỏi. Hình như cũng là lần đầu tiên tôi có bài đăng trên VnExpress. Tôi vốn làm Biên tập viên từ lúc chuyển công tác về FPT Online.

- Điều gì khiến chị nuối tiếc?

- Tôi luôn tiếc là mình đã không thể làm được nhiều hơn ngoài một vài mẩu thông tin và một vài tấm ảnh. Những ngày sau đó, tôi theo lịch trình của Ban tổ chức rời khỏi Bangkok vì nghĩ mình cần phải tôn trọng Ban tổ chức bởi công sức và cả tiền bạc của họ bỏ ra để sắp xếp chuyến đi. Nếu bỏ chương trình ngay khi vừa đến nơi, tôi có thể để lại hình ảnh về con người và đất nước Việt Nam không chuyên nghiệp, không giữ cam kết, tùy tiện thay đổi. Suốt những ngày sau đó, người tôi một nơi, nhưng suy nghĩ của tôi thì chỉ hướng về Bangkok.

>> Người FPT an toàn tại Bangkok

Nguyên Văn thực hiện

Ý kiến

()