Chúng ta

'Thấy được trách nhiệm xã hội lâu dài của FPT'

Thứ tư, 13/11/2013 | 15:17 GMT+7

“Qua chuyến đi, tôi thấy công tác xã hội của FPT rất nghiêm túc, có hệ thống và mang định hướng lâu dài. Điều đó giúp tôi thấy được trách nhiệm của bản thân, của tổ chức đối với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh", anh Hoàng Hà, Phó GĐ FPT Telecom chi nhánh Quảng Bình, chia sẻ.
> 'Tin tưởng sự hợp tác nhân đạo lâu dài của FPT'

Hồ hởi tham gia hành trình từ thiện, Phó GĐ FPT Telecom chi nhánh Quảng Bình xúc động nói: “Tôi rất vui được tham gia chuyến đi cùng người FPT đến hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch, nơi được xem là khó khăn nhất Quảng Bình. Chuyến đi đã để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên”.

a

Anh Hà ân cần mặc áo khoác mới cho em bé dân tộc Arem.

Từng biết về chương trình thiện nguyện của FPT trước đây qua Chungta.vn, nhưng qua chuyến đi này, anh Hà mới thấy được tập đoàn đã làm việc rất nghiêm túc, công tác xã hội có hệ thống, lâu dài và CBNV rất nhiệt huyết. Điều đó giúp anh thấy được trách nhiệm của bản thân, của tổ chức đối với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Anh bày tỏ: "Nói chuyện với Ngô Anh Tuấn, Ban Truyền thông FPT, tôi mới biết được FPT có một ban làm thiện nguyện chuyên nghiệp và tận tâm như thế. Tôi thực sự rất cảm phục Tuấn và các anh chị làm công tác trách nhiệm xã hội".

"Nhìn hình ảnh các em bé ở Bản Arem xúng xính trong chiếc áo khoác mới, cười nói hồn nhiên, giọng hát trong trẻo thực sự làm tôi cảm thấy ấm lòng", anh xúc động nói.

a

Anh Hà cũng CBNV FPT trực tiếp trao gạo cho bà con xã Thượng Trạch.

Câu chuyện anh ghi dấu trong chuyến đi này là những lời kể của thầy giáo Mai Xuân Hà, trường THPT Dân tộc nội trú Thượng Trạch, về việc các thầy cô phải đi “bắt” học sinh đến trường. Ngoài dạy học, thầy còn là người cha, người anh dạy dỗ, chăm sóc các em hằng ngày. Thầy đã sống ở bản đủ lâu để có một tình yêu sâu sắc với mảnh đất, con người nơi đây. "Đó là một người thầy giáo thực sự khiến tôi rất kính trọng", anh nói.

Sau chuyến đi, anh Hà có nhiều suy nghĩ và ấp ủ về việc hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng một cách có kế hoạch và dài hạn hơn. Anh cho rằng việc quan trọng nhất trong hoạt động này là liên kết được những tổ chức có tấm lòng nhân ái và có trách nhiệm xã hội cao như FPT.

“Đây không phải lần đầu tiên tôi đặt chân đến những bản làng xa xôi làm công tác từ thiện nhưng đây là lần đầu những xúc cảm được khắc hoạ rõ nét đến vậy. Hẳn là sẽ khó quên được ánh mắt ngây ngô, nụ cười hồn nhiên xen lẫn nét thẹn thùng của những em nhỏ dân tộc Arem hay ánh nhìn ngóng trông, háo hức của những em nhỏ dân tộc Sách, Thổ. Để rồi khi trở về, trog lòng không khỏi vấn vương về một vùng đất mà cái nghèo, cái khổ cứ đeo đẳng triền miên chẳng dứt”, Phạm Minh Thu, tình nguyện viên của mạng lưới Vì cộng đồng, chia sẻ.

a

Phạm Minh Thu chia kẹo cho trẻ em người dân tộc Arem, xã Tân Trạch.

Thu mong muốn những món quà ý nghĩa của FPT sẽ truyền được niềm tin và động lực cho các em. Có thể chính các em sau này lại là người trao hy vọng và niềm tin cho những em nhỏ ở bản làng xa xôi nào khác.

Suốt chuyến hành trình đầy trải nghiệm và cảm xúc ấy, bên cạnh những em bé người dân tộc, hình ảnh về gia anh Hoàng Văn Hậu, thôn 8, xã Hoàn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình khiến Thu xúc động mạnh mẽ nhất. Khi đến thăm hỏi, động viên gia đình anh, cô mới có thể cảm nhận được sâu sắc hai chữ "éo le, đói nghèo".

“Vừa đặt chân chân đến sân căn nhà đơn sơ, âm thanh đầu tiên là tiếng khóc của chị Hân, vợ anh Hậu, vọng đến. Hình ảnh xuất hiện trong mắt tôi khi bước vào căn nhà là người mẹ già 80 tuổi bị mù và người vợ gầy gò đang ôm anh Hậu mà khóc nấc. Thật xót xa khi thấy hình ảnh hai người phụ nữ một đời lam lũ không đầu hàng trước khó khăn cuộc sống nay chỉ còn biết khóc nghẹn ngào”, Thu xúc động nói.

Anh Hậu bị ung thư giai đoạn cuối, bao nhiêu sức lực anh đã dành hết để chống chọi với bệnh tật, thân hình anh giờ gầy gò còm cõi. Trong căn nhà của anh chị, thứ quý giá nhất lúc này là hai áo quan nằm trong hai góc nhà, một chiếc dành cho người mẹ già, một chiếc để dành cho cho anh Hậu để phòng lỡ như họ phải đi xa.

a

Thu cười rạng rỡ khi bế em bé người dân tộc Sách trên tay.

Thu nghẹn nghào bày tỏ: “Phải tận mắt chứng kiến, tận mắt cảm nhận mới thấy hết được cái nghèo, cái khổ, cái thương tâm trong một gia đình chỉ 5 người nhưng có đến 4 người ốm đau, bệnh tật. Chỉ riêng việc chạy chữa cho anh Hậu đã không đủ tiền, nói gì đến việc lo cho cả gia đình".

Đó chỉ là một trong hàng chục hoàn cảnh mà các thành viên đoàn được tiếp xúc, được gặp, để hiểu và sẻ chia một phần khó khăn. “Chỉ mong rằng sau này sẽ có nhiều người hơn nữa quan tâm đến hoạt động tình nguyện bởi ở ngoài kia vẫn còn hàng ngàn, hàng vạn những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang khát khao mong chờ những vòng tay nhân ái. Có thể một giọt nước chẳng làm lên đại dương nhưng với tinh thần tương thân tương ái, chúng ta vẫn có thể làm nên những biển cả tình thương bao la”, Thu tâm niệm.

Chị Nguyễn Phương, tình nguyện viên của mạng lưới Vì cộng đồng, người đã sát cánh cùng FPT trong nhiều hoạt động thiện nguyện cũng rất xúc động khi trải qua chuyến đi ý nghĩa tại hai huyện Bố Trạch Minh Hóa vừa qua. “Tôi muốn gửi lời cám ơn đến những tấm lòng của CBCNV FPT đã chung tay góp sức chia sẻ phần nào khó khăn cho những người dân nghèo Quảng Bình. Các anh chị đã không quản đường xá xa xôi mang những món quà ý nghĩa đến tận tay bà con dân tộc”.

a

Chị Phương (phải, áo cam) tham gia phát gạo cho bà con người dân tộc Sách, xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.

Hình ảnh khiến chị Phương nhớ và xúc động nhất là cảnh các em học sinh dân tộc Arem đến trường chân không một đôi dép, mặt mũi tay chân lấm lem bùn đất, gương mặt vừa đượm buồn, vừa trong sáng, ưu tư. "Tôi đã được nghe các em hát những bài hát bằng tiếng Kinh rất hay. Giọng hát trong trẻo, đáng yêu đó như chính tâm hồn ngây thơ, trong sáng của các em. Khi thấy các em khoác lên mình chiếc áo mới, tôi thực sự xúc động. Đôi mắt các em dường như sáng hơn, lấp lánh hơn trong tiết trời cuối thu mưa ướt", chị tâm sự.

“Tôi sẽ cố gắng tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động thiện nguyện. Tuy sức mình có hạn, chỉ có những đóng góp nhỏ nhoi nhưng sẽ cố gắng mang một chút ấm áp, hạnh phúc đến với những người dân, đồng bào dân tộc thân yêu”, chị Phương tâm niệm.

a

Anh Tuấn (thứ hai từ trái sang) nhớ nhất hình ảnh bà con, đặc biệt là những người già gồng mình cõng trên lưng những bao gạo do đoàn tặng trên con đường về bản.

Với anh Ngô Anh Tuấn, Ban Truyền thông FPT, tuy đã tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện nhưng mỗi chuyến đi với anh lại là một cảm xúc mới. Vẫn có nhiều câu chuyện buồn khiến lòng anh không khỏi nghẹn ngào. Hình ảnh bà con, đặc biệt là những người già gồng mình cõng trên lưng những bao gạo do đoàn tặng trên con đường về bản luôn khắc sâu vào tâm trí anh. Điều đó làm anh liên tưởng đến hình ảnh đồng bào ta vất vả, căng mình chống bão.

a

Anh Tuấn trao quà cho bà con xã Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình.

"Lúc ấy tôi lại nghĩ đến chúng ta khi đi mua gạo hay đồ dùng gì nặng là có xe máy, ô tô chở. Nay nhìn họ vác bao gạo 30 kg đi mấy chục cây số mới về được nhà mà xót xa. Khi đó, tôi chỉ mong sao có điều kiện chở gạo về từng nhà cho bà con nhưng đường xá và thời gian không cho phép. Điều ấy khiến tôi day dứt mãi trong lòng", anh Tuấn chia sẻ.

Anh cũng rất xúc động trước hoàn cảnh gia đình anh Hoàng Văn Hậu. "Lúc đến, cả gia đình chìm trong cảnh thương tâm, chỉ thấy tiếng khóc, tôi không kìm lòng được nên chỉ hỏi thăm vài câu và ra cửa đứng. Được biết, suốt thời gian qua, anh Hậu không nằm được, không ăn được, người thân thay nhau ngồi trông nom. Nay anh mất đi để lại gánh nặng rất lớn cho vợ con. Hy vọng sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm sẽ giúp đỡ cho gia đình đỡ khổ", anh Tuấn nghẹn ngào nói.

Bài, ảnh: Nguyễn Nhàn

Ý kiến

()