Chúng ta

Tết về trên bàn tay phái đẹp FPT

Thứ sáu, 5/2/2016 | 10:33 GMT+7

“Mỗi dịp Tết đến, người phụ nữ lại vất vả hơn thường lệ bởi phải lo toan mọi việc trong gia đình. Nhưng đó cũng chính là khoảnh khắc hạnh phúc nhất khi bàn tay mình sẽ mang cả không khí mùa xuân về cho những người thân yêu”, chị Thái Việt Thúy, Chánh Văn phòng FPT Retail, chia sẻ.

Ở Hà Nội, không khí Tết trở nên đặc biệt hơn bởi đây là thời điểm duy nhất trong năm thủ đô trở nên bình yên, thanh vắng. Với chị Thái Việt Thúy, đây là dịp cả gia đình nô nức đi chợ sắm sửa để chuẩn bị cho những ngày Tết sung túc.

Thai-Viet-Thuy-3-c-4290-1454577343.jpg

Không khí náo nức của phiên chợ cuối năm luôn khiến cho lòng người rạo rực muốn hướng về nguồn cội. Đó là lý do chị Thái Việt Thúy luôn muốn đưa các con đi chợ ngày Tết để cảm nhận điều đó.

Năm mới đến, ai cũng mong muốn mọi thứ mới mẻ để có được may mắn, vì thế gia đình chị luôn tất tả dọn dẹp và bắt đầu sắm Tết ngay từ đầu tháng Chạp. “Thích nhất là tụi trẻ con tuy chưa giúp được gì nhiều nhưng rất háo hức đi chợ, sắp xếp cùng và ríu rít gọi điện khoe ông bà hai bên hôm nay đã mua được những gì”, chị kể.

Từ xưa đến nay, người Việt thích ăn ngon, ăn nhiều trong ngày Tết nên có câu "Đói giỗ cha, no ba ngày Tết". Bởi vậy, nhà chị không thể “vắng bóng” những món ăn cổ truyền như: Bánh chưng, gà luộc, canh xáo măng, nem cuốn, dưa hành, xôi gấc… Để có mâm cỗ ngon, chị Thúy thường đích thân chuẩn bị nguyên liệu, tự tay nấu nướng, nêm nếm gia vị. Chính những lúc chuẩn bị bữa cơm ngày Tết cho gia đình là khoảnh khắc bình yên và hạnh phúc nhất với chị.

To-Thanh-Hang-3072-1454577343.jpg

Gia đình chị Tô Thanh Hằng thích đi du xuân trong dịp Tết.

Còn chị Tô Thanh Hằng, FPT Software, thích nhất cảm giác được dành thời gian vào việc dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị cho bữa cơm ngày Tết.

Mâm cơm Tết của gia đình chị không thể thiếu những món truyền thống như gà luộc, canh bóng mọc (hoặc măng), xôi… Bên cạnh đó, chị chuẩn bị thêm một số món ăn để đổi khẩu vị cho cả nhà như lẩu hoặc món Âu chế biến nhanh. Năm nay, chị sẽ tự tay làm bánh để tiếp khách, vừa an toàn vừa đúng khẩu vị mọi người trong nhà yêu thích.

Đặc biệt, năm nào gia đình chị cũng đến vườn đào quất Quảng Bá, Hà Nội, như một thói quen. Chỉ cần nhìn thấy những nụ đào chớm nở là thấy một mùa xuân mới về. “Gia đình nội ngoại đều ở Hà Nội nên tôi thích cảm giác Tết đến được du xuân ở các vùng miền, thưởng thức đặc sản và lễ hội truyền thống ở vùng quê trên mọi miền tổ quốc”, chị nói.

Đa phần người FPT đều từ nơi khác đến lập nghiệp, do vậy, Tết là dịp trở về sum họp với người thân ở cả quê nội và quê ngoại. Gia đình chị Phạm Thị Thu Trang, FPT Trading, năm nào cũng chuẩn bị Tết riêng ở Hà Nội như cúng Táo quân, đêm Giao thừa và sáng mùng 1. Sau đó, cả gia đình khởi hành đầu xuân về nhà chồng ở Nam Định và khoảng mùng 3 lại “rồng rắn” về quê ngoại ở Hải Dương.

Ngày Tết, nhà chị thường làm bánh chưng, giò xào mang hương vị cổ truyền. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, bữa cơm sáng mùng 1, chị thành tâm làm cỗ chay để cúng thổ công. Cỗ chay khá đơn giản, nguyên liệu chủ yếu là rau củ quả như nấm tươi, đậu phụ, măng, miến và thêm một số món chay bán sẵn như giò chay, món rán với củ ngưu báng… để cầu mong một năm mới tốt lành, bình an và nhẹ nhàng.

Nguyen-Thi-Nhung-9017-1454577344.jpg

Gia đình chị Nguyễn Thị Nhung (trái) đón Tết với các phong tục riêng của địa phương. 

Được mệnh danh là xứ Kinh Bắc, cái nôi của văn hóa nghệ thuật giao duyên quan họ, người FPT Bắc Ninh có cách đón Tết rất riêng. Chị Nguyễn Thị Nhung, FPT Telecom Từ Sơn, cho hay, không khí Tết ở gia đình chị năm nào cũng rất ấm cúng và đầy đủ. 

Theo chị, vai trò của người phụ nữ trong dịp Tết rất quan trọng, thiếu phụ nữ trong nhà như là thiếu hơi thở của mùa xuân. Tuy nhiên, việc chuẩn bị nên chia đều cho tất cả thành viên trong gia đình. Ở nhà chị, bố thường gói bánh chưng, bánh tét, giò xào. Mẹ phụ trách việc quét dọn bàn thờ, mua mâm ngũ quả, dọn mộ tổ, mộ ông bà trước Tết. Công việc lau dọn nhà cửa, mua hoa, đào, quất trang trí là do chồng chị phụ trách. “Riêng mảng bếp núc nấu ăn do tôi đảm nhiệm bởi phụ nữ là người giữ lửa cho gia đình”, chị chia sẻ.

Đặc biệt, vào đêm 30, các thành viên trong gia đình sẽ dùng hai mảnh giấy trắng ghi những điều đã hoặc chưa thực hiện được và một tờ giấy ghi kế hoạch sắp tới. Sau đó đốt tờ giấy ghi các việc đã thực hiện trong năm cũ đi và giữ lại kế hoạch cho năm mới để sang năm lại tổng kết. Tiễn năm cũ xong cũng là lúc không gian ngập tràn trong tiếng pháo hoa và năm mới bắt đầu.

Duong-Thi-Nhan-cc-9640-1454577344.jpg

“Tuy đi làm ở Hà Nội và nghỉ Tết muộn nhưng bố mẹ vẫn thường ‘để dành’ cho tôi một số việc như trang trí nhà cửa, mua sắm quà Tết, hay luộc bánh chưng”, chị Dương Thị Nhàn kể.

Ngày Tết Hải Dương khá đặc biệt với cô gái còn độc thân như Dương Thị Nhàn, FPT Software. Quê hương mang nét đặc trưng của miền Bắc nên mâm cỗ ngày Tết của gia đình chị cũng thường có những món ăn truyền thống như bánh chưng, gà luộc, nem, giò lụa, nộm, thịt đông… Ngoài ra, chị cũng thường dành thời gian làm các món mứt hoa quả như mứt dừa, mứt cam… Năm nay, chị dự định trổ tài nữ công gia chánh với các món bánh mới.

Buổi sáng mùng 1 Tết, gia đình chị luôn lặp lại những thói quen trong rất nhiều năm. Bố mẹ dậy sớm hơn, rồi bố bật TV để nghe những chương trình ca nhạc hay chúc Tết buổi sáng. Mẹ sẽ chuẩn bị nước rau mùi thật thơm tho để cả nhà rửa mặt… Sau đó mới đánh thức các con dậy và cả nhà sẽ cùng nhau nấu các món ăn.

Từ khi đi làm, công việc bận rộn, chị thường chuẩn bị trước những món quà ý nghĩa cho cả nhà. Năm trước, chị đã tự viết một vài bức thư pháp để mang về cho gia đình và tặng ông bà, thầy cô… “Việc dành thời gian làm những món quà truyền thống khiến người thân rất vui và cảm kích”, chị tâm sự.

Cao-Vu-TRuc-Ly-9525-1454577344.jpg

Chị Cao Vũ Trúc Ly cho hay, địa phương nào cũng có đặc sắc riêng, ở Đà Nẵng thường có chơi giải trí đầu năm như hội chợ xuân,chơi lô tô, bài chòi...

Tết ở miền Trung khác biệt hơn miền Bắc về phong tục nhưng vẫn giống nhau ở không khí đoàn viên. Với gia đình chị Cao Vũ Trúc Ly, cán bộ Truyền thông FPT Software Đà Nẵng, Tết là ngày sum họp nên dù đi đâu, làm gì, bận rộn thế nào mọi người vẫn tề tựu đông đủ. Chị thường tranh thủ xin nghỉ phép sớm trước 1-2 ngày để phụ giúp ba mẹ "thiết kế" cho ngôi nhà sinh động hơn. Khoảng 25 Âm lịch, nhà chị đã đầy đủ bánh mứt, trang trí nhà cửa và hoa Tết.

Chân giò muối, nem chua, củ kiệu là món truyền thống của gia đình Ly ngày Tết. Chị cũng thường mua thêm rau sống ,  khi có khách thì đem chân giò muối cắt ra, quấn bánh tráng rau sống, ăn kèm thịt, vừa ngon vừa nhanh. Nem chua là món gia truyền do bà ngoại chị hướng dẫn, thường sẽ làm trước Tết 3 ngày. Đây là món được nhiều khách khen vì không giống các loại nem bán ở thị trường. Nem này thịt vẫn còn nguyên, chua rất dịu, muốn ăn phải nướng lên. Mùi lá ổi non quyện với mùi thịt đã được ướp kỹ tạo ra hương vị rất đặc biệt. “Món nem này được nhiều người xin công thức để về học làm theo”, chị vui vẻ kể.

Pham-Thi-Hong-Chuc-JPG-5172-1454577344.j

Những ngày giáp Tết, nhà chị Phạm Thị Hồng Chúc thường bắt đầu nướng bánh bông lan, chuẩn bị đào bếp để nấu bánh tét và làm bánh tổ.

Tết của Việt Nam còn đặc biệt hơn ở miền đất xa xôi của tổ quốc - Bạc Liêu. Chị Phạm Thị Hồng Chúc, FPT Telecom Bạc Liêu, là người gốc Hoa nên việc chuẩn bị đón Tết lúc nào cũng được gia đình chú trọng. Từ ngày 20 tháng Chạp, bố chị đã bắt đầu vét mương, bắt cá để làm khô. Dù hiện giờ trên thị trường bán rất nhiều loại đồ khô ngon nhưng gia đình chị vẫn tự làm tại nhà.

Lúc nhỏ, chỉ cần đi học về và thấy cả sân đầy cá khô đang phơi là chị biết chỉ còn vài ngày nữa mẹ sẽ dắt chị em đi mua đồ Tết. Giờ dù lớn nhưng nhà chị vẫn giữ nếp như vậy. Vào ngày 23 tháng Chạp, mẹ chị thường nấu chè ỷ, loại chè được làm bằng bột lọc pha nhiều màu, đỏ, xanh, trắng, vàng, vò nhỏ theo hình tròn rồi nấu với gừng, đường mía, ăn rất ngon.

Ngày Tết của gia đình chị khá độc đáo với các món ăn như: Thịt kho hột vịt, chả giò, sủi cảo, bánh tổ, canh rong biển, mỳ xào, vịt quay… Ngoài ra, chị cũng tự sáng tạo món bánh tét cắt lát chiên, ăn kèm rau cải và chấm nước tương.

Dù gia đình chị là gốc Hoa nhưng sống ở Việt Nam đã lâu nên vẫn đón Tết với những phong tục của người Việt. “Năm nay, tôi ước mong cả nhà bình an, cha mẹ mạnh khỏe, anh em vui vẻ, làm ăn thuận lợi. Và mong chi nhánh Bạc Liêu ngày càng phát triển, doanh thu thật nhiều”, chị bày tỏ.

Tử Quyên

Ý kiến

()