Chúng ta

Sử ký FPT: Tâm trạng kẻ ở lại

Thứ hai, 16/9/2013 | 10:41 GMT+7

Làm ở FPT, buồn nhất là khi bạn phải dự tiệc chia tay của những đồng nghiệp. Bởi lẽ, tại đây, đồng nghiệp không chỉ được định nghĩa là người làm cùng công việc mà là người bạn, người chị, người anh mà khó có nơi nào tìm thấy được.
> Sử ký FPT: Nhật ký động đất sóng thần

4 năm làm ở FPT là ngần ấy thời gian tôi phải chứng kiến nhiều cuộc chia tay như vậy. Từ chị làm cùng phòng đến việc cả Ban Truyền thông FPT Telecom phải di tản lên Ban Truyền thông FPT (FCC) theo chiến lược OneFPT thời đó.

Trịnh Thị Hường, FPT HO, luôn nhớ tới những đồng nghiệp đã từng kề cận. Ảnh: C.T.

Trịnh Thị Hường, FPT HO, luôn nhớ tới những đồng nghiệp FPT đã từng kề cận. Ảnh: C.T.

Đó là, cảm giác buồn bã đến não nề, luyến tiếc, vấn vương, lưu luyến, bứt rứt… và hơn hết là khi bạn đi làm, nhìn vào chiếc bàn bên cạnh sẽ không còn người đồng nghiệp đó cạnh bên.

Nó cũng giống như cảm giác, bạn bị mất một thứ gì quý giá, mà bạn đã quen với sự có mặt của nó. Bạn dành quá nhiều tình cảm cho nó và đột ngột một ngày, nó phải rời xa bạn.

Khi đầu quân cho FPT, tôi may mắn được chị Thanh Tú tuyển vào vị trí cán bộ truyền thông FPT Telecom với vai trò phóng viên nội san “The Fox”. Tuy công việc vốn yêu thích của tôi là PR, nhưng làm báo lại là đam mê từ bé của tôi. Vả lại, tôi cũng có một chút năng khiếu viết lách.

Thời gian khởi đầu thuận lợi khi tôi được mọi người cùng ban giúp đỡ, cùng một cộng đồng FOXer nhiệt tình và cởi mở. Chỉ sau một tháng làm việc, tôi đã thấy rất hăng hái với công việc được giao. Ban chúng tôi khi đó gồm 7 người (5 người ở Hà Nội và 3 người tại TP HCM).

Cuộc chia tay khiến tôi bồi hồi nhất là với “cu bạn cùng tiến” VinhNQ. Hai đứa vốn cùng tuổi và cũng vào FPT Telecom cùng thời gian. Lúc đầu, còn là đối thủ khi “má” Thanh Tú tuyên bố câu xanh rờn “Chị chỉ có một chỉ tiêu nên sau hai tháng thử việc chị sẽ chọn ra một bạn đáp ứng đủ nhất nhu cầu của ban”.

Tất nhiên, theo kinh nghiệm của một số anh chị đi trước thì đây chỉ là chiêu “tuyển dụng” của “má” nên tôi và Vinh cũng “take it easy”. Quả nhiên, sau hai tháng, hai đứa đều được nhận làm việc. Tôi làm phóng viên “The Fox”, Vinh “chân chó, chân mèo” vừa làm thương hiệu vừa hỗ trợ tôi làm nội san.

Bình thường, hai đứa như “chó với mèo”. Đi làm khi nào chúng tôi cũng cãi nhau và chém ‘đểu” mỗi lần đứa kia có ý kiến. Tuy nhiên, hai đứa lại là một cặp đồng nghiệp hợp gu. Khi Vinh là người cẩn thận, khá chi tiết, còn tôi lại khá đại khái. Ban ngày là vậy, còn buổi đêm hai đứa hay online và thi thoảng còn tâm sự chuyện tình cảm.

Rồi từ bao giờ, chúng tôi trở thành bạn bè thân thiết, cùng với hai nhân vật không thể thiếu là "Già" Vân (Thiết kế) và TràPT (PR men).

4 chúng tôi như những con chim chích chòe khi đó. Bất cứ công việc nào cũng xum xuê bàn tán, nhí nhố tranh luận… Đặc biệt, những ngày làm đêm, đặc biệt mỗi tối thứ 4 là chúng tôi lại lên giây cót tinh thần ở lại công ty đến 10-11h. Tuy nhiên, chẳng có đứa nào trong bọn tôi cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Bởi lẽ, ngay khi một trong 4 đứa thấy nản thì lập tức, “hội nghị diên hồng” bắt đầu.

Thời gian trôi di, mỗi ngày đi làm tại 48 Vạn Bảo (Hà Nội) đã trở nên quá thân quen với chúng tôi, đến nỗi khi có một trong 4 người nghỉ làm là tinh thần tự nhiên lắng xuống. Chiều về, chúng tôi lại mò mẫn đi ăn ốc, bánh… lượn lờ như thời sinh viên đi học về.

Rồi hội đàn đúm của chúng tôi cũng phải đến lúc tan khi người đầu tiên rời khỏi công ty là Vinh "Béo". Tôi vẫn còn nhớ, hôm đó, hắn chat room với cả bọn và thông báo đã nói chuyện với sếp và tháng sau sẽ nghỉ việc. Chúng tôi trầm ngâm một lúc, chẳng đứa nào nói với nhau câu nào. Rồi, cảm xúc được kìm lại dành cho những lời lẽ xã giao hơn, rồi động viên nhau.

Và cái ngày đó cũng đến. Hắn chẳng còn đi làm nữa. Cảm giác thật trống trải khi đến công ty, tôi chẳng có ai mà than phiền, chẳng có ai để chành chọe. Cái ghế màu xanh bên cạnh bỗng dưng thấy vướng víu và vô duyên đến lạ kỳ.

Vậy là “gia đình nhỏ” của chúng tôi còn lại toàn vịt giời. Những câu chuyện chị em buôn bán cũng vì thế trở nên “đàn bà” hơn, từ chuyện yêu đương, công việc, ăn uống, gia đình… Nói chung, 1001 câu chuyện của chị em được đưa ra bàn luận.

Tuy nhiên, lại một lần nữa, câu chuyện “kẻ ở, người đi” lại lặp lại. Chính sách OneFPT năm 2011 được thực hiện. Cả ban chúng tôi được chuyển lên FCC làm việc. Đây được xem như cuộc cải cách đầu tiên thuộc thế hệ của “bàn tay sắt” của anh Trương Đình Anh.

Vậy là, đây trở thành một bước ngoặc lớn với cả 3 chị em chúng tôi. Tôi chọn cách ở lại FPT, tiếp tục công việc truyền thông nhưng có chút thay đổi. Từ công việc làm báo nội bộ, tôi xin ngang sang làm PR với mong muốn thử sức mình, còn hai kẻ còn lại lần lượt ra đi…

Nhưng trên hết, tôi thầm cám ơn FPT đã cho tôi cơ hội được gặp gỡ những người bạn, người chị mà đến giờ, mỗi khi có khó khăn trong cuộc sống, chúng tôi lại tìm đến với nhau để được sẻ chia, được an ủi.

 Trịnh Thị Hường

"Tâm trạng kẻ ở lại" là bài viết cho "Cuộc thi sử ký 25 năm" của Trịnh Thị Hường, FPT HO. Từ ngày 14/6, Chúng ta liên tục đăng tải những bài viết hay, tiêu biểu và xuất sắc ở các đơn vị để giới thiệu cùng bạn đọc.

 


 

Ý kiến

()