Chúng ta

Sử ký FPT: Nhật ký động đất sóng thần

Thứ hai, 16/9/2013 | 09:26 GMT+7

Hình ảnh sóng thần ùa vào thành phố Sendai (Nhật Bản) có lẽ là hình ảnh sinh động và khủng khiếp nhất mà mình từng thấy. Các nông trại, nhà kính trồng rau, máy bay và cả những con người nhỏ bé cũng bị cuốn phăng đi...
> Hoàng Diệu ngày xưa ấy

14h45 thứ Sáu ngày 11/3/2011, tôi đang ngồi review sản phẩm offshore gửi sang thì cả toà nhà rung lên bần bật. Mọi người nhìn nhau ra chiều trận động đất này có vẻ lớn.

Động đất là chuyện thường ngày ở huyện

Lấy vội mũ bảo hiểm và áo khoác rồi ngồi làm việc tiếp, cơn rung thứ hai thấy một thành viên trong nhóm mặt hớt hơ hớt hải chạy ào từ ngoài vào.

- Các anh không chạy à, em vừa chạy xuống sân... không có ai lại chạy lên.

Cả bọn cười ồ lên vì bạn này phản ứng nhanh quá. Rồi vẫn ngồi làm việc tiếp. Tòa nhà tiếp tục rung lên, cậu kia vừa ngồi chưa ấm chỗ, đứng bật dậy nói với một câu: "Em xuống sân trước đây" rồi lao vọt đi.

dong-dat-2-144279-1413009401.jpg

Trận động đất sóng thần dữ dội ở Nhật Bản năm 2011. Ảnh: Socioecohistory.

Ở Nhật, việc tập huấn tị nạn trong các tình huống khẩn cấp là bắt buộc hằng năm, lần này thì không còn là diễn tập nữa mà là thật. Tiếng chuông báo động réo lên ầm ĩ, tiếng loa báo di tản đã vang lên ra rả khắp toà nhà, mấy anh em hòa vào đoàn người rất trật tự và khẩn trường đi ra khỏi các cửa phòng rảo bước nhanh ra hướng cầu thang thoát hiểm. Tòa nhà xây từ những năm 70, tuy cũ nhưng thiết kế chắc chắn toàn bằng khung thép có thiết kế chống chấn và có cầu thang thoát hiểm khá rộng nên việc di chuyển hầu như không gặp khó khăn gì.

Tại tất cả các vị trí quan trọng để hướng dẫn luồng người đều có người đứng sẵn, đeo băng nhiệm vụ ở cánh tay, ai cũng bình tĩnh cả, còn có người nói chuyện phiếm lúc di chuyển. Loáng một cái, những người ngồi cùng phòng tập hợp lại thành một hàng dọc, ngay ở bãi cỏ rộng trước tòa nhà, cán sự phòng điểm danh từng người theo bảng báo danh thường để ở cửa phòng rồi chạy lên báo với tổng chỉ huy đang đứng trên một bục gỗ dã chiến ở phía giữa sân.

Nắng đã chiếu ngang tầm mặt, trời không quá lạnh, nhưng cũng đủ làm tê tái những ai không kịp mang áo khoác. Tôi định thần nhìn lại xung quanh thì đã có sẵn vài xe cứu thương và cứu hoả, tốc độ triển khai không thể tin nổi, tiếng loa điểm danh và thông báo tình hình vẫn vang lên, rất may mắn là không ai bị thương, không ai vắng mặt. Lại một cơn dư chấn rung lên, mọi người khẽ ồ lên rồi trùng gối xuống theo tư thế bò để chống rung, nhưng có vẻ hơi thừa vì trận rung này không mạnh đến thế.

Lấy điện thoại gọi điện cho bà xã đang mang bầu 8,5 tháng để hỏi tình hình, không có tín hiệu, lòng hơi thắt lại vì nghĩ đến một kịch bản là ở các khu vực khác động đất mạnh đến mức phá huỷ các trạm liên lạc. Thật may mắn là Internet vẫn hoạt động. Vội vào e-mail để nhắn tin cho bà xã và vào Facebook để thông báo tình hình của các anh em ở đây và nắm tình hình anh em, bạn bè ở các khu vực khác.

Vừa mở ra đã thấy trên Facebook chị NhưPTQ, Trưởng phòng Nhân sự FPT Japan, có status hỏi mọi người trong công ty, cảm động vì sự đối ứng nhanh chóng của nhân sự cũng như ý nghĩa của mạng xã hội trong những tình huống như thế này. Nhắn vội vài dòng cho chị Như: “Cả nhóm dưới này an toàn chị nhé!”.

Ở trên bục chỉ huy của vụ tị nạn lần này vẫn đều đều thông báo tình hình, có tin về độ mạnh trên 7 độ của trận động đất vừa qua, có thêm cả cảnh báo sóng thần ở vùng biển đông bắc Nhật Bản. Bắt đầu nhận thấy nét lo lắng hằn rõ trên gương mặt mọi người, quay sang bác Kamada rồi nói:

- Trận này có vẻ to bác nhỉ?
- Ừ, tôi cũng đang lo lắm, họ hàng tôi đang rất nhiều ở vùng biển đông bắc, không biết tình hình thế nào.

Sau khoảng một tiếng rưỡi (khoảng 4h30) thì có lệnh cho quay lại chỗ làm việc và dặn những người có ý định ở lại công ty tập trung ở nhà ăn để nghe phổ biến kế hoạch tiếp theo. Trước khi mọi người quay lại chỗ làm thì những người có trách nhiệm đã đi kiểm tra toà nhà xem có đảm bảo an toàn không, sau đó báo cáo với chỉ huy rồi mới lệnh cho lên làm việc tiếp.

Báo tình hình với offshore xong vẫn làm tiếp đến 8h tối để nghe ngóng tình hình tàu xe, tất cả các tuyến tàu đều dừng nên cả bọn quyết định nghỉ lại nhà TuấnBA cách chỗ làm không xa. Cả nhóm khi đó gồm có anh Lê Hồng Sơn, Bùi Anh Tuấn, Sơn "To", Trần Hà Tuyên, Dũng “Messi” và một bạn khách hàng cũng về theo là bạn Kosuge và tôi. Khoảng 21h thì gọi điện được cho vợ, báo tình hình và dặn tối không về được. Vợ chiều hôm đó lên Cục xuất nhập cảnh làm thủ tục, trên đường về thì tàu dừng, phải đi bộ trên đường ray đến ga tiếp theo bắt xe về nhà. Phải đợi hơn 2 tiếng mới bắt được taxi về.

Thảm hoạ không phải trong phim Hollywood

a

Các nông trại, nhà kính trồng rau, máy bay và cả những con người nhỏ bé cũng bị cuốn phăng đi... Ảnh: Enfo.

Khoảng 22h, ai đã vào chỗ người đấy, bật TV lên để theo dõi tình hình, con số thống kê số người chết và mất tích cứ đều đặn tăng ở góc phải màn hình từ 500 rồi 1.000, rồi 2.000... Câu chuyện của mấy anh em cứ lặng dần đi theo những con số... Bia không còn ngọt nữa, vừa đắng vừa cay, lại lôi chuyện chiến tranh Việt Nam ra để so sánh khỏa lấp đi cảm giác mất mát.

Hình ảnh sóng thần ùa vào thành phố Sendai có lẽ là hình ảnh sinh động và khủng khiếp nhất mà mình từng thấy. Các nông trại, nhà kính trồng rau, máy bay và cả những con người nhỏ bé cũng bị cuốn phăng đi... Chẳng có một bộ phim nào của Hollywood đủ sức tái hiện lại cảnh tượng này, một đoạn phim vài chục phút có giá nhiều tỷ đô, có rất nhiều máu và rất nhiều nước mắt giữa một xã hội rất đỗi bình yên.

7h30 mở mắt ra thấy bạn Kosuge bảo tàu chạy lại rồi, cả bọn lại lục đục kéo nhau ra ga. Nắng vàng nhẹ, mọi thứ vẫn bình yên, không có đổ nát, chỉ muốn ngày hôm qua đúng là một giấc mơ!

Tuyến tàu địa phương vắng tanh, vùng này là vùng quê nên phần lớn mọi người di chuyển bằng ô tô nên có lẽ ai cũng về được đến nhà từ hôm qua, do đường xá không bị hỏng hóc gì nhiều. Nếu đây là Tokyo thì có lẽ đang ở trong biển người còn kinh khủng hơn giờ cao điểm buổi sáng.

10h về đến nhà, mọi thứ vẫn ổn, vợ an toàn, không có gì hư hỏng, điện nước không bị mất. Chỉ thầm cảm ơn trời phật.

Kể lại tình hình tối hôm trước trong buổi trưa ăn qua loa rồi tôi lại dán mắt và màn hình TV để theo dõi tình hình. Ở Nhật, trong trường hợp có sự cố khẩn cấp, thông tin nhanh chóng và chính xác nhất có lẽ đều từ TV. Khoảng 15h30, lò phản ứng số một nhà máy điện hạt nhân Fukushima nổ phần mái lò phản ứng do áp suất quá lớn.

Chính phủ Nhật đã làm gì?

Chủ nhật ngày 13/3/2011. Buổi sáng sớm thấy có số điện thoại lạ gọi, hóa chị Motoko ở văn phòng FPT Japan gọi điện dặn tích nước vào bể để đề phòng bị cắt nước còn có nước dùng. Cảm động!

Tuyến tàu Odakyu hàng ngày đi làm cũng dừng hoàn toàn, ở Nhật cũng lâu rồi mà lần đầu thấy ga bị đóng cửa, cả một cái ga khổng lồ như thế hóa ra cũng có các hệ thống của cuốn xung quanh, khi đóng lại nhìn từ bên ngoài vào như một cái hộp khổng lồ, cảm giác thật lạ, khó tả.

Các trung tâm mua sắm cũng có một số chỗ đóng cửa, các siêu thị bắt đầu trống trơn, nhu yếu phẩm hằng ngày bị hạn chế, mỗi người chỉ được mua 2 chai nước, một bịch gạo 5 kg, đặc biệt là mì gói hầu như không còn. Buồn quá chả biết làm gì đành ôm tạm két bia về thay nước uống và xem TV nắm tình hình.

Lò phản ứng số 1 và số 3 của nhà máy Fukushima bị lộ thanh nguyên liệu, nước không bơm vào được... Chính phù họp báo liên tục, mọi thứ đều được truyền hình trực tiếp. Nước Nhật chắc chưa bao giờ căng thẳng đến thế và mình cũng vậy chưa bao giờ căng thẳng đến thế! Bố mẹ người thân gọi điện sang hỏi tình hình liên tục.

a

Cảnh báo cao độ về nguy cơ nổ các lò phản ứng hạt nhân. Ảnh: VTC

Thứ Hai ngày 14/3/2011. Công ty khách hàng ra lệnh làm việc tại nhà vào theo dõi tình hình đến khi có diễn biến mới sẽ tiếp tục thông báo. Ngồi nhà xem TV tiếp tục theo dõi tình hình.

11h03, lò phản ứng số 3 nổ, phóng viên hét lớn vào micro, máy quay có rung lên một chút, máy quay đặt ở vị trí cách trung tâm lò phản ứng vài km. Cả một luồng khói khổng lồ bốc lên, mặc dù bản chất vấn đề hoàn toàn khác, nhưng có lẽ trong sâu thẳm của người Nhật sẽ lại nhớ đến Hiroshima và Nagasaki tháng 8/1945.
Trên TV mọi thứ vẫn truyền hình trực tiếp, chính phủ họp báo liên tục để thông báo tình hình. Chưa bao giờ lại thấy niềm tin vào cái đất nước này cụ thể đến thế, thông tin thông suốt 24/24 từ chính phủ đến người dân. Mặc dù có những che giấu để tránh hoảng loạn, nhưng thực sự không thể không khâm phục cách người Nhật đối phó với thảm họa. Một đất nước kỷ luật và chuyên nghiệp.

Thứ 3 ngày 15/3/2011. Tàu vẫn chưa hoạt động lại, ở nhà theo dõi tình hình... Trên truyền hình các chuyên gia vẫn đang bình luận về vụ nổ của tổ máy số 1, số 3 và ảnh hưởng của nó cũng như nguy cơ cho các tổ máy còn lại. Đã có một số bạn bè di chuyển xuống Osaka, tôi cũng bắt đầu nghĩ đến việc đưa vợ về nước trước, vợ không chịu chỉ nói "Đi thì cùng đi, ở thì cùng ở".

Lãnh đạo tập đoàn cùng 'chia lửa' với anh em

Đêm 15/3, Chủ tịch tập đoàn Trương Gia Bình, chị Bùi Hồng Liên và Ban lãnh đạo của FPT lập tức đáp chuyến bay sớm nhất sang Nhật Bản. Ngay lập tức tập hợp toàn bộ nhân viên của FPT ở Nhật lại để phổ biến chính sách của tập đoàn, cũng như đi thăm hỏi khách hàng và động viên anh em onsite.

Về mặt chính sách, trong trường hợp xấu nhất công ty sẽ thuê máy bay để di tản toàn bộ nhân viên, kể cả nhân viên người Nhật, nhưng cho đến thời điểm đó vẫn tiến hành mọi công việc bình thường.

Thực tế việc ở Nhật là xác định sẽ có một ngày như thế này, động đất, sóng thần nên chúng tôi không có gì bất ngờ cả. Vì thế có người sợ có người không, nhưng chung quy lại anh em đều xác định là không di chuyển khi chưa có lệnh. Chúng tôi hiểu mình đang là những người làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc đích thân anh Trương Gia Bình sang vào thời điểm này có ý nghĩa tinh thần to lớn, những cam kết của người đứng đầu công ty làm chúng tôi an lòng. Điển hình là nhóm onsite cho Hitachi Medical ở làng Toga (lúc đó anh ÂnNTV đang là team leader) cách nhà máy điện Fukushima chưa đến 100 km cũng không ai rời vị trí, không ai tự ý bỏ khách hàng, điều này phản ánh tinh thần trách nhiệm to lớn và niềm tin vào lãnh đạo và công ty.

Đi làm trở lại

Thứ Tư, ngày 16/3/2011, tàu bắt đầu chạy trở lại. Đi làm. Cảm giác bình thản và thấy được làm việc thật hạnh phúc. Đầu giờ chiều hôm đó, bác Ogawa cũng xuống trực tiếp thăm hỏi khách hàng động viên anh em onsite.

Những ngày sau đó

Có lẽ sau rất nhiều năm nước Nhật mới biết đến cảnh cắt điện luân phiên, nhưng đây lại là động lực cho các nhà sản xuất làm ra các sản phẩm tiết kiệm điện và siêu tiết kiệm điện. Chính phủ Nhật cũng hỗ trợ rất mạnh mẽ định hướng này và hướng tới một đất nước không sử dụng điện hạt nhân. Con trai tôi được sinh ra khỏe mạnh lúc rạng sáng ngày 6/4/2011, 24 ngày sau trận động đất khủng khiếp ấy.

Lời kết

Một công ty mà lãnh đạo biết sát cánh cùng nhân viên khi cần thiết sẽ là một công ty có niềm tin, có niềm tin thì sẽ làm được rất nhiều việc lớn. Người Nhật vượt qua thảm hoạ một cách nhẹ nhàng cũng bởi niềm tin vào đất nước, chính phủ và dân tộc họ. Chúng tôi bình tĩnh ở lại vì chúng tôi tin sẽ được công ty đứng ra bảo vệ trong tình huống cam go nhất.

Thông tin thông suốt là tối quan trọng đặc biệt là trong thảm họa. Việc anh Trương Gia Bình và Ban lãnh đạo trực tiếp sang nắm tình hình là sự chia sẻ không nhỏ và cũng giúp lãnh đạo trực tiếp nhìn thấy mọi việc để có thể đưa ra quyết định sáng suốt nhất.

Sau khi kết thúc nhiệm vụ ở khách hàng năm đó, đi sang khách hàng khác hỏi chuyện họ về thảm họa năm 11/3/2011 thì mới biết, phần lớn người Trung Quốc và phương Tây (đặc biệt là Pháp, Mỹ) chạy khỏi nước Nhật trong những ngày này, sân bay Narita chật cứng. Có thể là điếc không sợ súng, sợ là cần thiết nhưng hoảng loạn thì không tốt chút nào.

Thời gian gần đây, các chuyên gia về động đất dự báo trong vòng vài năm tới tại Tokyo sẽ có ít nhất một trận Mega-earthquake (trên 7 độ), cả nước Nhật đang tích cực chuẩn bị để đối phó với trận động đất này. Hy vọng điều này không bao giờ xảy ra, và nếu xảy ra thì mong là cả nước Nhật nói chung và người FPT chúng ta bình an vô sự.

Nguyễn Hải Dương

"Nhật ký động đất sóng thần" là bài viết cho "Cuộc thi sử ký 25 năm" của Nguyễn Hải Dương, FPT Janpan. Từ ngày 14/6, Chúng ta liên tục đăng tải những bài viết hay, tiêu biểu và xuất sắc ở các đơn vị để giới thiệu cùng bạn đọc.

 


Ý kiến

()