Chúng ta

Sử ký FPT: Các sếp đi du học

Thứ ba, 17/6/2014 | 10:52 GMT+7

Chẳng hiểu run rủi thế nào, vừa mới vào công ty chưa được một năm tôi đã được giao ngay một nhiệm vụ khá xương xẩu: Tổ chức cho 4 sếp một khóa học tiếng Anh tại Mỹ.
> Lịch sử FPT: Xe bò và máy tính

Lẽ ra, việc này do Phòng Nhân sự mà trực tiếp là chị Lan Anh, phụ trách về đào tạo, thực thi mới đúng chức năng. Song cuối cùng tôi cũng lấy làm hân hạnh bất đắc dĩ và đành mang tiếng phục vụ sai chức năng để thực hiện sứ mệnh cao cả này theo lời đề nghị của hai sếp Tài chính là anh Hai (TiếnLQ) và anh TùngNĐ.

Hàng trăm học viên FPT tốt nghiệp MiniMBA mỗi năm. Ảnh: C.T.

Hàng trăm học viên FPT tốt nghiệp MiniMBA mỗi năm. Ảnh: C.T.

1. Bơi

Thực ra, việc tổ chức một khoá học không phải là cái gì ghê gớm lắm ở công ty song vấn đề ở đây là cho 4 sếp, toàn những người có chức quyền, vai vế trong khiến tôi không khỏi lo lắng với trách nhiệm cao cả.

Đây sẽ là khóa học hè của các sếp, dự tính trong khoảng 2 tháng, bắt đầu từ tháng 6. Vào khoảng trung tuần tháng 4, tôi đã nhận được chỉ thị từ cấp trên và bắt đầu công cuộc săn tìm trường cho các sếp. Trong tay tôi vào thời điểm đó chỉ có một vài trang web về một số trường đại học lớn tại Anh, Mỹ, Australia và một số nước châu Âu làm phao cho một cuộc bơi tìm kiếm khoá học phù hợp mặc dù tôi chưa hề có bất cứ một khái niệm nào từ trước đến nay. Tôi chưa biết "bơi"!

2. Lóp ngóp

Vậy là danh sách đã được giới hạn trong một quốc gia là Mỹ với thời gian 8-10 tuần. Song chỉ riêng nước Mỹ thôi mà tôi cũng đã cảm thấy thoi thóp lắm rồi.

Khi được hỏi tại sao chỉ chọn Mỹ mà không phải là Anh, Australia cho tiết kiệm chi phí mà còn được đi du lịch mùa hè, sếp Tùng giảng giải: Bọn anh đi học tiếng Anh để làm business (riêng từ này các sếp phát âm rất chuẩn) và còn một số kỷ niệm đẹp bên đó nên cần sang để "gánh về" cho đủ.

Vậy là mặc dù chi phí học tập và sinh hoạt bên Mỹ có lẽ đắt hơn nhiều so với ở Anh, Australia nhưng các sếp vẫn quyết định chốt nơi này.

Thật không đơn giản khi phải đụng chạm tới cái công cụ tối tân và xa xỉ người đời hiện vẫn hay sử dụng để tra cứu thông tin: Internet. Là người khá tự tin vào khả năng tra tìm trên Internet vì đã từng tốn khá nhiều tiền của và công sức vào nó khi giá lắp đặt Internet còn khá cao tại Việt Nam, tôi vẫn cảm thấy thật tức thở với những bảng danh sách dài lê thê các trường đại học tại Mỹ có trung tâm dạy tiếng Anh cho sinh viên quốc tế. Kết quả là tôi đã phải cầu cứu đến một số nhà tư vấn chính thống và không chính thống: Viện Giáo dục quốc tế của Mỹ (IIE), Công ty tư vấn du học Quốc Anh, Trung tâm thông tin Đại sứ quán Mỹ, Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) và một số cộng sự ở trong và cả ngoài công ty.

3. Sặc

Phải nói là phong cách làm việc ở Mỹ là một thứ hết sức xa xỉ mà tôi tin là người Việt Nam chúng ta một thế kỷ nữa chưa chắc đã học và làm được như họ. Tôi chỉ có liên lạc qua e-mail, họ đã lập tức gửi ngay về cho tôi qua đường bưu điện brochure giới thiệu về trường, lớp và các khóa học của họ. Thậm chí là cả băng video. Vậy là tôi đã sưu tầm cho công ty được cả một mớ tài liệu các khóa học tiếng Anh, các trường tại Mỹ. Cuối cùng, sau một hồi chật vật với một núi giấy tờ in ra từ Internet, các brochure xin xỏ được từ các trung tâm tư vấn, từ một số trường ở Mỹ... tôi đã lên danh sách được 6 trường khá là có tiếng tại Mỹ để cho các sếp lựa chọn.

4. Một mình giữa bể

Để hẹn được đủ 4 sếp cùng họp là một điều không đơn giản chút nào. Sếp này thì bận họp, sếp kia thì đi công tác, sếp thì bận tiếp khách... Cuối cùng, sau một loạt e-mail qua lại với đủ các lời lẽ huyên thuyên, tôi đã hẹn được đủ 4 sếp.

Đó là một ngày thứ Bảy khá đẹp trời. Công ty vắng tanh vì các bộ phận hầu như đều đi ra ngoài. Phải chờ đến chiều mới có đủ 4 sếp. Anh TùngNĐ tỏ ra rất khoái chí với việc đi học, sếp Tiến "Béo" (Hoàng Nam Tiến) thì thâm trầm hơn và tỏ ra rất hiểu biết về các trường đại học ở Mỹ và cả nước Mỹ. Chỉ có sếp BảoĐC và sếp HoàiTQ là giữ thái độ trung dung. Từ lúc đó, tôi đã đoán trước được sự thiếu vắng của sếp Bảo trong chuyến đi sắp tới.

Phòng họp chỉ mỗi mình tôi là nữ và nếu được đầu thai kiếp nữa, chắc tôi xin được làm con trai hoặc là sếp. Căn phòng mù mịt bởi ít nhất là hai cái "ống khói" hoạt động liên tục. Tôi bắt đầu cảm thấy ngột ngạt ngay khi cuộc họp chưa bắt đầu.

Danh sách 6 trường tại Mỹ được đưa ra, đứng đầu vẫn là trường Boston University (BU) mà các sếp hiện đang học. Tiếp đến là University of California, đây cũng là một trong những trường đại học lớn nằm ở phía Tây Nam của nước Mỹ. Tôi đã cố hướng các sếp vào trường này một mặt vì chi phí rẻ hơn trường BU, mặt khác vì đơn giản nghĩ rằng các sếp sẽ không mất đi một kỳ nghỉ hè trên bãi biển Cali. Song ý tưởng của tôi đã nhanh chóng bị phá sản khi sếp Tiến thẳng thừng từ chối lời đề nghị mà tôi cho là hấp dẫn này. Sếp cho rằng thật là phi lý khi lại đi tránh nóng Việt Nam ở một chỗ cách đó tới nửa vòng trái đất mà cuối cùng lại vẫn bị nóng. Hơn nữa, các sếp có quyết tâm từ chối càng nhiều cơ hội tiếp xúc với người Việt Nam ở Mỹ càng tốt.

Phải công nhận rằng, sếp Tiến không chỉ là sếp mà còn là một người đàn ông hết sức galăng và có lẽ là rất tâm lý với phụ nữ. Sếp luôn trêu chọc tôi và đưa ra một số viễn cảnh về chuyến đi, không biết tại thời điểm này thì sếp đã thực hiện được những gì tại Mỹ.

Kết luận cuối cùng chỉ tóm gọn trong một quyết định của cả 4 sếp là chọn trường Boston University mặc dù đã được một số người cảnh báo là ở đó rất buồn và giá cả lại khá "cắt cổ". Ngoài ra, quyết tâm thi bằng được bằng lái xe ôtô quốc tế của sếp Tiến, người thường hay đưa ra những ý tưởng hết sức bất ngờ vào phút cuối.

Ở FPT, các sếp cũng phải đi học. Ảnh: C.T.

Ở FPT, các sếp cũng phải đi học. Ảnh: C.T.

5. Cố gắng

Có được quyết định chọn trường của 4 sếp, tôi hăm hở lao vào công cuộc phone, fax và e-mail để đăng ký cho các sếp nhập học kịp thời gian. Thú thật chưa bao giờ tôi lại có nhiều cơ hội luyện viết thư tiếng Anh như dịp này. Thôi thì đủ các văn từ lai láng giới thiệu về FPT Corp., về Globalization của công ty, và về một loạt viễn cảnh hết sức tươi sáng để họ có thể tin rằng FPT Corp. sẽ nhanh chóng trở thành một khách hàng tiềm năng của Boston University với đội ngũ nhân viên dồi dào và đang rất cần được huấn luyện thêm về kỹ năng giao tiếp tiếng Anh. Mục đích của việc quảng cáo này không có gì khác ngoài việc so đo để giảm chi phí học hành cho các sếp và cho công ty.

Song cuối cùng thì người Mỹ vẫn cứ là người Mỹ. Sau vài e-mail giới thiệu ban đầu rất hoành tráng của tôi, họ đâm ra chán nản, thậm chí chẳng thèm trả lời tôi nữa. Phát hoảng, tôi quay sang nhờ sự trợ giúp của HSB. Dù sao HSB cũng có quan hệ kha khá với các trường đại học bên Mỹ. Hơn nữa, chẳng gì HSB cũng đã bắt tay với một trong 10 trường đại học nổi tiếng nhất của Mỹ là trường Dartnouth University. Vậy mà cũng không ăn thua, họ rắn như kim cương.

Tôi đành e-mail lại, ngậm ngùi chấp nhận những gì mà họ đưa ra. Một cái giá cắt cổ và một loạt chi phí khác sẽ phát sinh theo đó. Và họ đã hồi âm dường như là ngay lập tức sau một thời gian tưởng chừng như cá đã bỏ mồi.

Các thủ tục sau đó như xin visa, kiểm tra sức khỏe... cũng đã được tuần tự thực hiện với sự giúp đỡ của các bộ phận có liên quan. Tôi bớt căng thẳng hơn khi thấy công việc mình làm đều tiến triển thuận buồm xuôi gió. Nghĩ lại, thấy mình cũng thật liều lĩnh, chỉ liên lạc qua mạng, đôi khi là fax, còn phone thì hầu như rất hiếm vì chênh lệch giờ. Mỗi lần tất tả mò lên cơ quan gọi điện vào 10h đêm là mỗi lần phải nghe tiếng máy trả lời “Could you leave the message after the tone?” Cú hết chỗ nói. Lúc ấy chỉ muốn mắng vài câu cho hả giận.

Thủ tục đã hoàn tất gần xong thì sếp Bảo thông báo do bận công tác nên sẽ không thể tham gia khóa học. Tôi cũng đã phần nào dự đoán được chuyện này nên lập tức triển khai phương án hai: Mời một sếp khác thay thế mặc dù tiền đặt cọc không được hoàn lại. Nói một cách mê tín thì tôi không thích số 3 lắm nên luôn tránh con số này. Vậy là anh Khắc Thành, vị Giám đốc vui tính của Aptech, sau một vài ngày lưỡng lự vì ngại để chị Nga ở nhà một mình vào mùa hè này, đã gồng mình hết cỡ ký vào tờ form đăng ký học khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến ngày nhập học. Tôi thì chạy như kờ-lông-kông, lo tướt mồ hôi không biết có kịp làm thủ tục cho sếp Thành đi đúng ngày cùng ba sếp kia. E-mail liên tục và lần này mọi ngôn từ bi ai nhất được tuôn ra chỉ để mỗi một việc là bọn nó gửi cho sớm thư mời và I20 (phiếu nhập cảnh cho sinh viên) cho sếp Thành. Tôi gần như phát điên khi một package bị out of control của bọn Fedex làm tôi lại phải kêu gào thảm thiết cho bọn nó gửi lại package khác. Cuối cùng cả 2 package cũng đã đến nơi nó cần phải đến. Và sếp Thành của chúng ta có đến 2 bộ hồ sơ nhập học.

6. Lên bờ

Cuộc họp cuối cùng trước khi các sếp lên đường cũng vẫn chỉ một mình tôi trong căn phòng mịt mù khói lửa. Khác cuộc họp lần trước, lần này gương mặt của các sếp đều có lộ rõ vẻ căng thẳng và mệt mỏi sau những ngày cố gắng kết thúc và bàn giao công việc trước chuyến đi. Sau một hồi hỏi han, chất vấn tôi về một số vấn đề sẽ gặp phải khi sang bên đó như việc nhập học, nhập ký túc xá, về nơi ăn chốn ở, các sếp dường như vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn. Và điều tôi e ngại lại một lần nữa trở thành hiện thực khi sếp Tiến bắt đầu căn vặn tôi về lộ trình của chuyến bay từ Hà Nội tới Boston. Rõ ràng là tôi đã e-mail cho các sếp một cách rất rõ ràng lịch trình đường bay song không thấy ai phản bác điều gì, lại còn giục tôi nhanh nhanh lấy vé kẻo gặp trục trặc.

Nay, sau một hồi nghiên cứu bản đồ nước Mỹ mà tôi đã cho rằng sếp Tiến nắm rất rõ, sếp đột ngột đòi tôi đổi vé đi qua Paris - New York - Boston. Rõ ràng là đi đường đó ngắn hơn và các sếp sẽ có thể tránh khỏi nguy cơ bị động do ngồi máy bay lâu. Thú thật, tôi không rành lắm về những nguy cơ này vì chưa bao giờ dám nghĩ tới một chuyến đi như vậy. Dẫu sao, các sếp vẫn là các sếp mà tôi thì vẫn là tôi. Vì so đo tính toán thiệt hơn cho công ty mà cuối cùng tôi đành ngậm ngùi nhìn các sếp ngán ngẩm, ngao ngán khi nghĩ tới chuyến bay lê thê sắp tới. Thôi đành...

Ở thời điểm khi tôi hoàn thành bài hồi ký về chuyến du học của 4 sếp thì các anh đã gần kết thúc xong khóa học tại Mỹ với kết quả hết sức khả quan. Chỉ riêng sếp Bảo chắc giờ này đang tiếc đứt ruột vì không thể tham gia chuyến du học. Chẳng thế mà anh đã phát biểu một cách không hào hứng lắm tại buổi sơ kết ấn tượng 2001 ngày 20/7/2001 khi được anh BìnhTG gặng hỏi: “Có được buổi sơ kết ấn tượng như hôm nay vì có 3 nguyên nhân chính. Một là việc cử 4 cán bộ chủ chốt đi học tại Mỹ. Hai là anh Hai đi chu du châu Âu. Ba là anh Sáu (anh Bình) ở nhà”. Nếu như anh Bảo nói, tôi cũng chỉ muốn tiếp tục được “bơi” nhiều lần nữa như thế vào các mùa hè để công ty lại có thêm những buổi sơ kết ấn tượng, còn bọn tôi lại cùng nhau được thưởng giữa năm dài dài.

Lê Thu Hương 

(Theo Sử ký FPT 13 năm)

Ý kiến

()