Chúng ta

Sinh viên FSB trở lại 'Đất thép'

Thứ năm, 17/7/2014 | 09:38 GMT+7

Nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, đoàn cán bộ và sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh FPT (FSB, thuộc ĐH FPT) tại TP HCM sẽ thăm viếng khu di tích lịch sử quốc gia Củ Chi, nằm ở phía Bắc thành phố.
> Khám phá địa đạo Củ Chi

A

Tham gia chuyến hành trình về Địa đạo Củ Chi là dịp để sinh viên FSB HCM hiểu hơn về lịch sử hào hùng của cả dân tộc cũng như người dân "Đất thép". Ảnh: Dy Khoa.

Tham gia chương trình, sinh viên FSB sẽ có thể xem phim tư liệu về chiến tranh du kích của người dân "Đất thép - Thành đồng", tìm hiểu các vũ khí chiến đấu tự chế của ta và hiện đại của địch. Cùng đó, các em còn trải nghiệm chui hầm địa đạo với hệ thống hầm chiến đấu, hệ thống chông mìn tự tạo, bếp Hoàng Cầm. Đặc biệt là được thưởng thức món khoai mì luộc chấm muối mè - đặc sản của đất Củ Chi và ăn trưa ngay trong khu di tích bằng những món đậm chất Nam Bộ. Ngoài ra, những trò chơi team building xây dựng tình đồng đội cũng được tổ chức.

Chương trình được dành cho 40 sinh viên tham gia và đóng phí sớm nhất. Theo anh Đoàn Thế Huy, cán bộ Phòng Công tác sinh viên, mỗi sinh viên đăng ký được tặng một áo cờ đỏ sao vàng để mặc khi tham dự chương trình. BTC nhận ghi danh đến hết ngày 24/7.

Năm ngoái, cũng nhân ngày này, đoàn sinh viên FSB HCM đã về thăm và thắp hương tưởng niệm tại Đền Bến Dược - bên trong khu di tích vang danh này.

Địa đạo Củ Chi là hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách TP HCM khoảng 50 km về hướng Tây Bắc. Hệ thống này dài gần 200 km được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Việt Nam bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất và hệ thống thông hơi vào các vị trí bụi cây.

Địa đạo Củ Chi được xây dựng trên vùng đất được mệnh danh là “đất thép”, nằm ở điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh. Trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã sử dụng hệ thống địa đạo này để tấn công vào Sài Gòn.

Dy Khoa

Ý kiến

()