Chúng ta

Sinh viên FPT về nguồn địa đạo

Thứ sáu, 5/7/2013 | 14:10 GMT+7

Ngày 7/7, cán bộ lớp của FPT Polytechnic HCM sẽ tham gia chuyến dã ngoại về nguồn tại Khu di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Củ Chi, huyện Củ Chi, TP HCM.
> Sinh viên FSB dã ngoại ở Giang Điền

Theo đại diện phòng Công tác sinh viên FPT Polytechnic HCM, sau 10 ngày nhận đăng ký (từ ngày 10 đến ngày 21/6), hành trình sẽ có sự tham gia của hơn 20 sinh viên đang làm nhiệm vụ lớp trưởng, lớp phó. “Chương trình giúp cán bộ lớp giao lưu, học hỏi lẫn nhau, đồng thời tìm hiểu kiến thức lịch sử tại vùng đất là niềm tự hào dân tộc”, đại diện này cho biết thêm.

Đoàn khởi hành từ 7h sáng ngày 7/7 từ Trung tâm FPT Polytechnic HCM (391A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3). Sau đó di chuyển bằng xe máy đến khu di tích, hành trình dự kiến 50 km.

cuchi-352742-1413004671.JPG

Cán bộ lớp FPT Polytechnic HCM sẽ được khám phá vùng "đất thép" nổi tiếng của "Thành phố Anh hùng". Ảnh: S.T.

Sau đó, các cán bộ lớp sẽ thử sức dẻo dai khi chui qua các đường hầm dưới lòng đất và di chuyển, tham quan Đền Bến Dược, nơi lưu tên các anh hùng ngã xuống để bảo vệ vùng “đất thép”. Cuối cùng là thăm nghĩa trang liệt sĩ Củ Chi. Trước khi chia tay, CBNV và sinh viên cùng họp mặt giao lưu.

Hoạt động tham quan - dã ngoại là chương trình phát triển cá nhân dành riêng cho cán bộ lớp của FPT Polytechnic HCM. Vào tháng 8 năm ngoái, cán bộ lớp của FPT Polytechnic phía Nam đã tham gia chương trình này tại thác Giang Điền, tỉnh Đồng Nai.

Địa đạo Củ Chi là hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách TP HCM khoảng 50 km về hướng Tây - Bắc. Hệ thống này dài gần 200 km được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất và hệ thống thông hơi vào các vị trí các bụi cây.

Địa đạo Củ Chi được xây dựng trên vùng đất được mệnh danh là “đất thép”, nằm ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh. Trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã sử dụng hệ thống địa đạo này để tấn công vào Sài Gòn.

Dy Khoa

Ý kiến

()