Chúng ta

Sinh viên FPT thực hành kỹ năng nhiếp ảnh

Thứ sáu, 14/4/2017 | 09:21 GMT+7

Nằm trong chương trình học của bộ môn nhiếp ảnh, sáng 9/4, gần 30 sinh viên ngành Thiết kế đồ họa - Mỹ thuật đa phương tiện, FPT Polytechnic đã có buổi thực hành kỹ năng nhiếp ảnh tại Bảo tàng điêu khắc Chăm, TP Đà Nẵng.

Xuất phát từ ý tưởng quảng bá nét đẹp văn hóa Chăm-pa với bạn bè thế giới, sinh viên FPT Polytechnic Đà Nẵng đã có buổi tham gia chụp ảnh. Trải qua 3 giờ đồng hồ để quan sát, 30 sinh viên đã ghi chú và chụp lại những khoảnh khắc đẹp nhất tại khu Bảo tàng điêu khắc Chăm. Từ những hình ảnh thu thập được, sinh viên sẽ sử dụng để tạo một slide hình ảnh và thiết kế một poster theo đúng chủ đề mà giảng viên đề ra.

17800460-1688221054812691-2130-7580-8261

Buổi học kỹ năng nhiếp ảnh đã diễn ra thành công và để lại nhiều ấn tượng thú vị đối với các bạn sinh viên.

Thầy Đặng Quang Vinh, giảng viên ngành Thiết kế đồ họa - Mỹ thuật đa phương tiện, FPT Polytechnic Đà Nẵng cho biết: “Văn hóa Chăm-pa luôn có những điều huyền bí nhất định và điều đó càng hấp dẫn hơn với lớp trẻ ngày nay. Đưa ra chủ đề này, tôi muốn gợi mở cho sinh viên khai phá mọi khía cạnh trong kho tàng lịch sử Chăm-pa từ chữ viết, nghệ thuật và kỹ thuật tạo dáng của các ngôi tháp bằng đất, các pho tượng bằng đá, đến các sản phẩm vải thêu, dệt hoa văn, dệt thổ cẩm hoặc đồ gốm và các vật dụng phục vụ đời sống".

Cũng theo thầy Vinh, khóa học không chỉ giúp sinh viên hiểu được điều quan trọng của thiết bị mà còn nắm vững những kiến thức cơ bản nhất. Điều tối thiểu là sinh viên phải biết về chiếc máy ảnh như khẩu độ ống kính, tiêu cự ống kính… "Những buổi thực hành kỹ năng nhiếp ảnh sẽ giúp làm quen với thao tác điều chỉnh và thông số của máy ảnh. Tiếp đó, sinh viên thực hiện khâu hậu kỳ để có những tác phẩm hoàn chỉnh nhất”, thầy nhấn mạnh.

Ở môn học nhiếp ảnh, ngoài những kiến thức về kỹ thuật nhiếp ảnh, thể loại ảnh, kỹ năng tác nghiệp nhiếp ảnh và các bước xử lý kỹ thuật cần thiết khi chụp ảnh, sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa - Mỹ thuật đa phương tiện còn được rèn luyện ở khâu xử lý hậu kỳ. Tác phẩm ảnh được dàn dựng trong poster phải truyền tải được nội dung thông điệp mà tác giả muốn hướng đến. Qua đó, người xem có thể nắm bắt và cảm thụ được ý nghĩa nội dung của sản phẩm mang lại.

Sinh viên Tô Đình Khoa hào hứng: “Buổi học thực tế của lớp hết sức thú vị. Đề tài giúp em vừa được học kỹ thuật nhiếp ảnh vừa hiểu thêm nhiều về lịch sử văn hóa Chăm. Hơi thiếu sót nếu học về nhiếp ảnh mà lại không có cơ hội thực hành. Việc chụp ảnh thực tế sẽ giúp cho lớp có cơ hội tiếp xúc và xử lý với những vấn đề, từ đó rút ra kinh nghiệm một cách nhanh nhất".

Thiết kế đồ họa ngày càng trở nên quan trọng trong công nghiệp quảng cáo và truyền thông. Với sự hỗ trợ đắc lực của Công nghệ thông tin, việc thiết kế đồ họa trở nên dễ dàng hơn. Chỉ cần bạn có ý tưởng và được cung cấp các kiến thức cần thiết về đồ họa cùng kỹ năng sử dụng các phần mềm thiết kế là có thể bắt đầu sáng tạo.

Chương trình Thiết kế đồ họa - Mỹ thuật đa phương tiện lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy của FPT Polytechnic với phiên bản Design.2015. Người học được trang bị kỹ năng thực hành, sử dụng thành thạo các phần mềm thiết kế và kiến thức về đồ họa công nghiệp. Sinh viên ra trường có khả năng làm việc tại các công ty về thiết kế, quảng cáo sản phẩm, thiết kế xuất bản sách báo hoặc phụ trách việc thiết kế và quảng cáo tại các doanh nghiệp lớn.

>> Sinh viên FPT công chiếu phim bảo vệ dự án tốt nghiệp

Theo FPT Polytechnic

Ý kiến

()