Chúng ta

'Quan hệ khách hàng là cốt lõi của kinh doanh'

Thứ hai, 8/6/2015 | 16:05 GMT+7

"Với sinh viên mới ra trường hoặc nhân viên mới của FPT, con đường xây dựng network cần bắt đầu từ việc xác định rõ đối tượng khách hàng, nhu cầu, công nghệ và đưa ra tiện ích phù hợp để thuyết phục", Phó TGĐ FPT Trading Bùi Ngọc Khánh chia sẻ.

Trong phần "Open Talk" với tân binh "72 giờ trải nghiệm", anh Bùi Ngọc Khánh - Phó TGĐ FPT Trading, đã chia sẻ về con đường khởi nghiệp. Từ câu chuyện của chính mình khi vào FPT, anh đã vẽ ra một con đường đi lên cho những nhân viên mới còn bỡ ngỡ. Gắn bó với FPT Trading từ những ngày đầu và là bậc thầy về việc xây dựng network - quan hệ khách hàng, anh mang lại nhiều câu chuyện thú vị về xây dựng mạng lưới, bán hàng và quản trị bán hàng. 

DSC07948-top-6326-1433732476.jpg

Anh Khánh chia sẻ nhiều câu chuyện và bài học xây dựng mạng lưới khách hàng cho tân binh. Ảnh: Đuông Man.

Theo anh, thị trường thương mại rất khốc liệt, các doanh nghiệp không thể chung sống hòa bình hay "chia nhau để trị" mà luôn phải cạnh tranh để trở thành số một nhằm kiểm soát thị trường. Và một trong những bí quyết để trở thành số một là xây dựng mạng lưới khách hàng.

Quan hệ khách hàng là cốt lõi của kinh doanh và việc tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với họ là bí quyết thành công của nhân viên kinh doanh cũng như của doanh nghiệp. "Tuy nhiên, bí quyết để tạo network tốt lại thuộc về khả năng bẩm sinh của mỗi người. Người muốn xây dựng mạng lưới quan hệ cũng phải là người thích giao tiếp và có kỹ năng kết nối với đồng nghiệp, bạn bè, có điểm nhấn để "enter" vào cộng đồng mong muốn. Người đó phải quảng giao, có khả năng khiến mọi người đồng cảm và muốn tiếp xúc với mình. Những tố chất đó thuộc về bẩm sinh hơn là đào tạo", anh Khánh nói.

Song mỗi người có thể tạo mối quan hệ tốt với khách hàng bằng con đường gặp gỡ trực tiếp. Khi đó, chúng ta được cung cấp nhiều thông tin hơn, tận dụng được lợi thế của cuộc đối thoại, dễ dàng tạo ấn tượng với khách hàng và quan sát được ngôn ngữ cơ thể của người khác. "Cách cơ bản nhất là phải liên tục tham gia các hội thảo, đây là dịp tốt để gặp những người cùng thứ bậc, cùng môi trường để tìm kiếm cơ hội hợp tác", anh tiết lộ.

Với sinh viên mới ra trường hoặc nhân viên mới của FPT, con đường xây dựng network cần bắt đầu từ việc xác định rõ đối tượng khách hàng, xác định nhu cầu, xác định công nghệ và đưa ra tiện ích phù hợp để thuyết phục. Câu hỏi khó nhất luôn là khách hàng ở đâu, là ai, phân vùng như thế nào... Theo Phó TGĐ FPT Trading, nguồn nhiều khách hàng là các hội chợ công nghệ, ở đó có thể tham gia giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng hoặc quảng bá hình ảnh để tạo thuận lợi cho những bước đi sau này.

Mỗi nhân viên cũng nên tự tạo mối quan hệ từ nhỏ đến lớn và khi phát triển mạng lưới quan hệ phải chú trọng cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Những mối quan hệ rộng sẽ giúp ích cho những công việc trong tương lai và mối quan hệ sâu sắc sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển trong công việc.

Để minh chứng cho tầm quan trọng của network, anh chỉ ra các gương mặt lãnh đạo cấp cao thường bắt đầu từ nghề sales - những người biết cách xây dựng mạng lưới rất tốt. Hơn nữa, để giỏi sales bản thân họ phải có đầy đủ kỹ năng khác - đó là những tố chất quan trọng của nhà quản lý.

DSC07278-1-9016-1433732477.jpg

CBNV đặt nhiều câu hỏi về kỹ năng bán hàng và quản trị bán hàng. Ảnh: Đuông Man.

Với chia sẻ đó của anh, một vài tân binh đã bày tỏ nỗi băn khoăn với sự lựa chọn công việc hiện tại của mình: "Nếu không phải sales có thể thăng tiến được không?". Trả lời câu hỏi này, anh Khánh chỉ ra, FPT không chỉ kinh doanh mà còn có nhiều đơn vị hỗ trợ kinh doanh. Nhiều người FPT cũng thành đạt ở những vị trí Tài chính Kế toán, Chánh Văn phòng hay Nhân sự... Anh nêu ra nhiều gương mặt vươn lên quản lý từ nhân viên bình thường ở FPT để chứng minh lộ trình thăng tiến không hề khó, chỉ cần làm theo cái tâm, trách nhiệm và năng lực của mình.

"Muốn tìm con đường thăng tiến trong mỗi tổ chức, đầu tiên phải xác định được thế mạnh của mình là gì, mục tiêu cụ thể đến đâu và nghề đó có phải đam mê của mình không. Bởi nếu không yêu nghề chắc chắn sẽ không thành công, chạy theo bầy đàn không phải thế mạnh của mình tất yếu sẽ bị rớt lại".

Ngoài ra, trong buổi "Open Talk", nhiều CBNV cũng đặt câu hỏi quan tâm đến nghiệp vụ, kỹ năng quản trị bán hàng và bán hàng nhưng theo anh Khánh, những vấn đề này rất sâu rộng và cần có một khóa học riêng để đào tạo, chia sẻ. Điểm mấu chốt là cần xác định nguyên tắc của riêng mình, khi có nguyên tắc cơ bản trong việc kinh doanh bán hàng thì mọi hoạt động sẽ theo nguyên tắc đó. 

"Tôi cho rằng, khi lựa chọn FPT, các bạn đã có một điểm tựa tốt để phát triển, cá nhân phải dựa trên tổ chức để thành công. Tập đoàn đã tạo ra rất nhiều triệu phú cho xã hội, đầu tư phát triển những thế hệ trẻ tài năng, tạo cơ hội cho họ hoàn thiện kỹ năng và đủ năng lực để cống hiến. Vì vậy, các nhân viên mới cần xác định đúng việc mình yêu thích, kiên trì theo đuổi và tận dụng những cơ hội của tổ chức để phát triển", Phó TGĐ FPT Trading đúc kết.

Từ ngày 4 đến 6/6, hơn 100 CBNV khu vực Hà Nội đã tham dự "72 giờ trải nghiệm" tại ĐH FPT, khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Cùng thời điểm, hơn 100 tân binh FPT HCM cũng tham gia chương trình tại Khu Du lịch BCR, quận 9. 

"72 giờ trải nghiệm" là chương trình đào tạo tân binh theo hình thức mới của tập đoàn do trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU) triển khai từ đầu năm 2015. Với chủ đề “Đồng đội” xuyên suốt, chương trình sẽ giúp CBNV cảm nhận sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa, con người FPT, mở rộng quan hệ, làm quen với nhiều đồng nghiệp khác trong tập đoàn. Trong phần Open Talk tại Hà Nội, khách mời chia sẻ về Lịch sử văn hóa FPT là anh Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TienPhongBank và anh Bùi Ngọc Khánh - Phó TGĐ FPT Trading.  Tại TP HCM, CBNV đã được giao lưu với anh Hoàng Minh Châu - Cố vấn cao cấp về Văn hóa của FPT.

Tử Quyên

Ý kiến

()